Đừng để gạo Việt Nam thua ngay trên sân nhà

Cập nhật, 05:21, Thứ Tư, 22/03/2017 (GMT+7)

Tại hội nghị “Giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo vùng ĐBSCL” mới đây tại An Giang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành lúa gạo phải tìm cách hạ giá thành sản xuất, cải thiện chất lượng, để từ đó tăng cường khả năng cạnh tranh ngay trên sân nhà, không để thua thiệt khi gạo ngoại tràn vào.

Xuất khẩu gạo thời gian tới dự báo gặp nhiều khó khăn.
Xuất khẩu gạo thời gian tới dự báo gặp nhiều khó khăn.

Gạo Việt gian nan

Theo Bộ Công thương, xuất khẩu gạo 2 tháng đầu năm 2017 đạt 787.235 tấn, trị giá 328,183 triệu USD, giảm 18,5% về lượng và giảm 21,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Tính đến cuối tháng 2, hợp đồng xuất khẩu đăng ký đạt 1,850 triệu tấn (giảm 17,7%). Tới đây, nhiều nước xuất khẩu gạo sẽ tăng cường giải quyết lượng gạo tồn kho nên nguồn cung sẽ rất lớn.

Chẳng hạn như Thái Lan còn tồn kho 8,39 triệu tấn sẽ đẩy mạnh việc bán ra thông qua các đợt đấu thầu, làm tăng cạnh tranh giá.

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, dự báo năm 2017, ngành lúa gạo sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Ngoài tăng cường năng lực sản xuất trong nước, hướng tới tự chủ về lương thực, các quốc gia như Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Malaysia đã thay đổi chính sách và phương thức nhập khẩu, xây dựng hàng rào kỹ thuật và tăng cường kiểm tra các điều kiện, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.

Còn theo Bộ Nông nghiệp- PTNT thì biến đổi khí hậu là thách thức lớn. Từ đầu mùa khô năm 2017, mặn xâm nhập sâu nhất từ 35- 45km, tương đương trung bình nhiều năm và thấp hơn năm 2016 từ 20- 25km. Trong tháng 3, mặn sẽ giảm nhưng tháng 4 sẽ tăng trở lại nên hết sức cảnh giác.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, ngành lúa gạo Việt Nam rất khó cạnh tranh với lúa gạo nước khác về giá là do sử dụng nhiều lao động, nhiều tài nguyên đất, tài nguyên nước, phân bón, thuốc trừ sâu...

Trong khi đó, bà Bùi Thị Thanh Tâm- Tổng Giám đốc Vinafood 1- cho rằng, do sản xuất manh mún nên rất khó kiểm soát về chất lượng. Riêng về giống lúa, nhiều nước chỉ có vài loại giống lúa nhưng nước ta quá nhiều. Thái Lan có hơn 20 giống lúa nhưng chúng ta có hơn 200 giống.

Bà cũng kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục chính sách mở rộng hạn điền để có vùng sản xuất lớn, đồng thời làm tốt công tác dự báo thị trường quốc tế mà không phải là dự báo trong nước như thời gian qua; còn các ngành chức năng giám sát duy trì diện tích lúa, tránh trường hợp nước xuất khẩu trở thành nhập khẩu.

Sửa đổi nhiều nghị định chưa phù hợp

Theo ngành chuyên môn, nếu không đổi mới về cách thức sản xuất và thay đổi chính sách cho phù hợp với tình hình mới, ngành hàng lúa gạo của nước ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian tới, thậm chí là thua ngay trên sân nhà.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, nhiều năm qua, gạo Việt Nam đã xuất đi đến hàng trăm nước, vùng lãnh thổ trên thế giới, từ đó góp phần ổn định đời sống, đảm bảo an ninh lương thực của cả nước.

Tuy nhiên, hiệu quả trồng lúa rất thấp, lãi cao nhất chỉ khoảng 30 triệu đồng/ha/năm. “Người dân bao đời nay cũng chỉ lấy công làm lãi”- Thủ tướng nhận định. Theo Thủ tướng, ngành lúa gạo nước ta sử dụng nhiều lao động, sử dụng tài nguyên đất, tài nguyên nước nhiều nên chi phí cao, khó cạnh tranh với lúa gạo nước khác về giá, chất lượng.

Vì vậy, thời gian qua, nhiều loại lúa gạo của nhiều nước dễ đưa vào Việt Nam bày bán. Năm 2017 và những năm tới đây, ngành lúa gạo sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức nên đòi hỏi phải sớm cơ cấu lại và cần tầm nhìn mới đi kèm với những hoạch định chiến lược, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thế giới.

“Tôi đề nghị các địa phương và các bộ, ngành có liên quan phải triển khai các giải pháp đột phá. Thay đổi quy mô trong sản xuất lúa bằng cách mở rộng hạn điền, tổ chức mô hình hợp tác xã kiểu mới, có cơ giới hóa nông nghiệp. Xây dựng thương hiệu gạo nổi tiếng Việt Nam và sửa nhiều nghị định chưa phù hợp trong tình hình mới”- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với doanh nghiệp lúa gạo ĐBSCL.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với doanh nghiệp lúa gạo ĐBSCL.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp các địa phương và doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo cần có nhiều đổi mới và có cách phục vụ tốt cho thị trường trong nước trong thời gian tới, tức là chú trọng vào thị trường tiêu thụ nội địa, tăng cường khả năng cạnh tranh ngay trên sân nhà, không để thua thiệt khi gạo ngoại tràn vào.

Để tạo điều kiện cho ngành lúa gạo phát triển và không bị cản trở bởi các chính sách, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo trực tiếp Bộ Nông nghiệp- PTNT, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi nhiều nghị định chưa phù hợp trong tình hình mới.

Ngành nông nghiệp các địa phương, doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo và các bộ, ngành có liên quan cần quyết liệt hơn nữa, phải có nhiều đổi mới để tăng cường khả năng cạnh tranh trong giai đoạn đầy thách thức hiện nay.

 

Nhiều ý kiến, tới đây phải đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu gạo quốc gia. Campuchia là nước xuất khẩu gạo sau Việt Nam nhiều năm nhưng lại có thương hiệu gạo lớn. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, để xây dựng thương hiệu trên, ngành nông nghiệp phải tìm cách hạ giá thành sản xuất, cải thiện chất lượng thông qua tăng cường cơ giới hóa, mở rộng hạn điền (có bồi thường thỏa đáng cho người dân), ưu tiên doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, tổ chức mô hình hợp tác xã kiểu mới và có những dự báo thị trường tốt. Ngoài tăng cường xuất khẩu, ngành nông nghiệp các địa phương và doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo cần chú trọng vào thị trường tiêu thụ nội địa, tăng cường khả năng cạnh tranh ngay trên sân nhà, không để thua thiệt khi gạo ngoại tràn vào.

 

Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG- VĂN HUỲNH