Để vụ lúa Hè Thu bớt khó

Cập nhật, 06:59, Thứ Ba, 14/03/2017 (GMT+7)

Vụ lúa Hè Thu năm nay dự báo toàn tỉnh có khoảng 26.511ha lúa và màu có khả năng bị ảnh hưởng hạn, mặn. Đến nay, lúa Hè Thu sớm toàn tỉnh đã xuống giống hơn 13.000ha.

Lúa chủ yếu giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng. Tại nhiều địa phương, người dân cũng đang chuẩn bị xuống giống các đợt tiếp theo cho vụ lúa, mà theo dự báo sản xuất sẽ nhiều khó khăn.

Sản xuất lúa Hè Thu sẽ còn nhiều khó khăn do rơi vào cao điểm khô hạn và nguy cơ xâm nhập mặn.
Sản xuất lúa Hè Thu sẽ còn nhiều khó khăn do rơi vào cao điểm khô hạn và nguy cơ xâm nhập mặn.

Sau khi thu hoạch xong vụ lúa Đông Xuân, nông dân TX Bình Minh hiện đang tập trung cày xới, làm đất để xuống giống vụ Hè Thu. Ở vụ lúa này, TX Bình Minh có kế hoạch gieo sạ 3.144ha, tập trung vào 3 đợt.

Cụ thể, đợt 1 lúa Hè Thu sớm đã xuống giống được gần 600ha, đợt 2 xuống giống từ 3- 10/3 trên 2.300ha và đợt 3 xuống giống từ 17- 24/3 khoảng 200ha. Phần lớn diện tích gieo sạ sử dụng các giống lúa chủ lực và triển vọng như OM 5451, OM 6976, OM 4900.

Còn tại Tam Bình, toàn huyện có kế hoạch xuống giống 15.200ha lúa Hè Thu. Sau thu hoạch lúa Đông Xuân, ngành chuyên môn vận động nông dân cày, xới phơi đất 20- 30 ngày.

Vận động nông dân không sạ chay, không thả nước nhử cỏ làm ảnh hưởng đến cày ải phơi đất. Riêng 2 xã Bình Ninh, Ngãi Tứ, khuyến cáo chỉ sản xuất 2 vụ/năm và tăng cường đưa cây màu xuống ruộng.

Lịch thời vụ Hè Thu 2017 được bố trí đợt 1 tại khu vực xuống giống Đông Xuân sớm của 3 xã Bình Ninh, Loan Mỹ và Ngãi Tứ khoảng 1.000ha đã xuống giống Hè Thu vào 20- 28/1. Riêng đợt 2 được bố trí lịch xuống giống Hè Thu vào cuối tháng 3/2017 diện tích khoảng trên 14.000ha.

Đến nay, toàn huyện Trà Ôn xuống giống được 4.082ha đạt 43% kế hoạch (khoảng 9.400ha). Thời điểm xuống giống đợt 1 từ 22/1- 6/2. Các xã có diện tích xuống giống nhiều như Thiện Mỹ 1.110ha, Tân Mỹ 500ha, Tích Thiện 650ha, Vĩnh Xuân 800ha diện tích còn lại rải rác các xã Nhơn Bình, Thuận Thới, Xuân Hiệp.

Lúa đang giai đoạn mạ đến đẻ nhánh. Do ảnh hưởng của nắng nóng, các ruộng lúa gò kém phát triển nên nông dân đang cung cấp thêm phân bón lá chứa chất kích thích sinh trưởng và phân hóa học nhằm giúp cây lúa ra rễ mạnh đẻ nhánh nhanh, hiệu quả.

Các loại giống được gieo sạ nhiều trong đợt này như IR 50404 với hơn 30% diện tích, giống OM 5451 với 50% diện tích. Trong vụ này, ít sử dụng giống lúa thơm do giống này dài ngày sâu bệnh nhiều dễ đổ ngã. Với diện tích còn lại hơn 5.100ha sẽ được xuống giống từ 7- 24/3.

Khuyến cáo canh tác lúa Hè Thu

 

Vùng bị nhiễm mặn trên 3‰ tuyệt đối không xuống giống. Vùng nhiễm mặn dưới 1‰ có thể xuống các giống chịu mặn OM 5451, OM 2517, OM 6976, OM 6162, OM 9921, OM 6677, OM 9577, OM 11735, OM 8959, OM 576, ST21, GKG1… cày phơi đất, khi có nước ngọt tranh thủ rửa mặn. Sử dụng một số sản phẩm như Gaucho 600FS, Plasti Mula 1SL, Cruiser Plus 312.5 FS để xử lý giống.

 

Tăng cường bón lót phân hữu cơ, bón vùi vôi bột và lân khi làm đất. Bón thúc cần sử dụng các dạng phân Ure chậm tan như đạm vàng, đạm xanh để chống thất thoát phân đạm, tăng cường bón bổ sung phân Sulphate Kali trong giai đoạn đầu.

 

Tranh thủ nguồn nước ngọt để tưới đủ nước cho 3 lần bón phân và thời kỳ trổ, khi có nước ngọt tranh thủ rửa mặn nhiều lần. Trường hợp không thể có nguồn nước ngọt, có thể sử dụng nước nhiễm mặn nhẹ (dưới 2‰ giai đoạn lúa đẻ nhánh, dưới 1‰ giai đoạn lúa làm đòng và trổ).

 

Nếu giai đoạn mạ bị hạn nặng cần tưới phun nước ngọt cho mạ với lượng nước khoảng 800- 1.000 lít/ha.

Vụ này canh tác khó hơn nên anh Nguyễn Chí Linh (ấp Mỹ Hòa, xã Thiện Mỹ- Trà Ôn) quyết định xuống giống lúa OM 5451. Đây cũng là giống lúa được anh sản xuất nhiều năm bởi khả năng chống chịu tốt với hạn, mặn.

Trước đó, ở vụ Đông Xuân xuống giống lúa mới RVT. Đây là một loại lúa thơm có xuất xứ ở miền Bắc. Qua thực tế sản xuất, anh Linh cho biết năng suất không cao và khó sản xuất ngay cả trong mùa thuận, nên anh quyết định quay lại với OM 5451 để an tâm sản xuất hơn.

Để sản xuất tốt vụ lúa Hè Thu, theo ông Nguyễn Minh Thuấn- Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Trà Ôn, thời gian qua, ngành chuyên môn huyện khuyến cáo người dân sau khi thu hoạch Đông Xuân tập trung cày ải, xới để cải tạo đất, không nên để đốt đồng, sạ chay.

Bên cạnh, khuyến cáo nông dân sử dụng các giống chống chịu với rầy nâu, sâu, bệnh cho nâng cao ổn định, phẩm chất tốt đã được sản xuất ở địa phương và một số giống được các nhà khoa học khuyến cáo như OM 5451, OM 4218, OM 6976, OM 6162,… và hạn chế sử dụng giống IR 50404, ML202.

Còn theo ông Nguyễn Văn Nhu- cán bộ Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Vũng Liêm, việc xây dựng lịch thời vụ sản xuất phù hợp là rất quan trọng, nhất là trong vụ Hè Thu này.

Theo đó, ở Vũng Liêm thì việc “né mặn” với vùng bị ảnh hưởng hạn và xâm nhập mặn như Trung Ngãi, Trung Nghĩa, Trung Thành… bằng việc chọn loại giống cây trồng, vật nuôi phù hợp nhằm hạn chế ảnh hưởng của hạn và xâm nhập mặn để đưa vào sản xuất.

Đối với cây lúa, người dân có thể sử dụng giống như OM 108, OM 284 (chịu được độ mặn 4- 5‰), giống một bụi đỏ của huyện Hồng Dân tỉnh Bạc Liêu (chịu được độ mặn 10‰) gắn với xây dựng vùng sản xuất lúa đặc sản xuất khẩu, cây màu thì có cây bắp lai chịu được độ mặn khá cao cũng như nước tưới hạn chế…

Hướng xâm nhập mặn vào Vĩnh Long

 

Theo dự báo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long, hướng xâm nhập mặn từ sông Cổ Chiên, ảnh hưởng đến toàn bộ cù lao Dài (thuộc Vũng Liêm).

 

Trên đất liền, mặn sẽ xâm nhập vào các sông nối với sông Cổ Chiên như Cái Hóp, Nàng Âm (2 sông này đã xây cống ngăn mặn), sông Vũng Liêm, Trường Định và sông Mang Thít ảnh hưởng đến các xã thuộc huyện Vũng Liêm và Măng Thít.

 

Hướng sông Hậu, ảnh hưởng đến toàn bộ cù lao Mây (Trà Ôn). Trên đất liền, mặn sẽ xâm nhập vào các sông nối với sông Hậu như rạch Tân Dinh, Rạch Chiết, Mương Điều, Rạch Tra, rạch Bang Chang, sông Trà Ôn ảnh hưởng đến các xã thuộc huyện Trà Ôn và một phần của huyện Tam Bình.

 

Vĩnh Long dự báo có 5 huyện, thị xã bị ảnh hưởng xâm nhập mặn với diện tích tự nhiên bị ảnh hưởng trên diện rộng gần 70.000ha, trong đó Vũng Liêm 25.000ha, Trà Ôn 25.000ha, Mang Thít 10.000ha, Tam Bình 5.000ha và TX Bình Minh 5.000ha.

Bài, ảnh: THÀNH LONG