Nhân rộng "Cánh đồng mẫu lớn"

Cập nhật, 10:44, Thứ Sáu, 10/06/2016 (GMT+7)

Với trên 13.500ha lúa canh tác theo cánh đồng mẫu lớn (CĐML), đã đóng góp vào lợi nhuận sản xuất vụ lúa Đông Xuân hàng năm khoảng 264 tỷ đồng và làm tăng lợi nhuận so với ngoài mô hình là 86 tỷ đồng.

CĐML xã Tân Long (Mang Thít) đạt chứng nhận VietGAP.
CĐML xã Tân Long (Mang Thít) đạt chứng nhận VietGAP.

Sau khi Sở Nông nghiệp- PTNT phát động xây dựng mô hình “cánh đồng mẫu lớn” vào cuối tháng 8/2011, đến nay đã hơn 13.000 hộ tham gia ở hầu hết các địa phương. Nhận định bước đầu cho thấy mô hình phát huy hiệu quả như: tăng năng suất, lợi nhuận, bảo vệ môi trường,…

CĐML xã Tân Long (Mang Thít) được thực hiện từ năm 2011, với diện tích khoảng 400ha, đến nay địa phương đã chủ động nhân rộng gần 560ha, chiếm gần 90% diện tích sản xuất lúa toàn xã (620ha) và gần 1.000 hộ tham gia.

Qua 4 năm thực hiện, CĐML mang lợi nhuận cho nông dân khoảng 100 tỷ đồng. Hiện có gần 25ha được chứng nhận VietGAP. Đây là sự thành công bước đầu nhằm tạo ra sản phẩm đồng nhất về chất lượng, thu hút doanh nghiệp ký kết bao tiêu sản phẩm.

Bà Cao Thị Đẹp- Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Mang Thít cho biết, nông dân ngày càng nhận ra lợi ích lớn mà CĐML mang lại như được hỗ trợ 50% chi phí mua lúa giống xác nhận vụ Đông Xuân trong 4 năm, 100% chi phí tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, sản xuất lúa theo quy trình VietGAP, “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” và hỗ trợ chi phí mua máy cơ giới nông nghiệp.

Tiếp tục nhân rộng
Tiếp tục nhân rộng "Cánh đồng mẫu lớn" thời gian tới.

Ông Bùi Văn Sáu (ấp Ngã Ngay) tham gia CĐML và được chứng nhận VietGAP phấn khởi nói: “Năng suất lúa vụ Đông Xuân bình quân 7- 8 tấn/ha; tăng khoảng 1 tấn so bên ngoài. Đến nay, tuy chưa được doanh nghiệp bao tiêu nhưng lúa hàng hóa của các thành viên trong tổ hợp tác sản xuất rất dễ bán, thương lái thu mua không còn kỳ kèo như trước”.

Từ những hiệu quả, bà Đẹp khẳng định: “Mô hình này là hướng đi tất yếu, là giải pháp thiết thực, địa phương sẽ tiếp tục nhân rộng để tiến tới sản xuất lúa hàng hóa quy mô lớn.

Ths. Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh cho biết, dự án đã hỗ trợ cho gần 4.000 hộ nông dân sản xuất giống lúa xác nhận, đến nay 100% nông dân tham gia mô hình sử dụng giống lúa chất lượng cao.

Bên cạnh, nông dân được hỗ trợ mua máy móc, tập huấn chuyển giao kỹ thuật thực hiện chương trình cùng nông dân ra đồng, hỗ trợ kiểm soát đồng ruộng và thực hiện các biện pháp kỹ thuật làm tăng năng suất và chất lượng lúa.

Với thực tế sản xuất lúa lâu nay còn manh mún, quy mô nhỏ lẻ, không có sự gắn kết giữa doanh nghiệp với nông dân thì đây là mô hình liên kết hiệu quả trong sản xuất và tiêu thụ.

Ông Nguyễn Văn Liêm cho biết, dự án còn làm cầu nối cho rất nhiều công ty đầu tư thuốc bảo vệ thực vật, phân bón theo hình thức trả chậm, ký kết ghi nhớ bao tiêu lúa gạo cho nông dân. Đây là hướng đi tất yếu, cũng là giải pháp thiết thực nhất để tiến tới nền sản xuất lúa hàng hóa lớn hiện nay và trong tương lai.

Tuy nhiên, hiệu quả như vậy nhưng việc triển khai CĐML ở nhiều nơi hiện vẫn gặp không ít khó khăn, nhiều nông dân chưa mặn mà tham gia do họ chưa tin vào mối liên kết giữa nông dân sản xuất và doanh nghiệp tiêu thụ.

Thời gian qua, tình trạng nông dân và doanh nghiệp “bẻ kèo” nhau trong hợp đồng bao tiêu xảy ra không ít. Khi lúa xuống giá doanh nghiệp “ép” nông dân, ngược lại nông dân cũng ép doanh nghiệp khi lúa được giá, nguồn cung thiếu hụt.

Ông Nguyễn Văn Trọng (xã Mỹ Lộc- Tam Bình) tham gia CĐML và cho rằng do phải xuống giống đồng loạt nên khi thu hoạch lúa cũng đồng loạt. Trong khi nông dân muốn bán lúa tươi nên việc vận chuyển, sấy khô đã tạo áp lực và lúng túng cho doanh nghiệp trong thu mua lúa.

Để thực hiện CĐML giai đoạn 2 hiệu quả hơn, một số địa phương cũng kiến nghị ban quản lý dự án cần kiện toàn hệ thống nhân giống, hệ thống thủy lợi nội đồng, mặt bằng đồng ruộng, nhất là đầu ra ổn định cho nông sản.

Ths. Phan Nhựt Ái- nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT cho rằng, cơ giới hóa đồng ruộng là khâu then chốt nâng cao chất lượng sản phẩm. Muốn làm được điều này thuận lợi đòi hỏi đồng ruộng lớn. Vĩnh Long đồng ruộng nhỏ nhưng không vì thế mà không làm, cần phải nghiên cứu hướng tích tụ quy mô phù hợp.

Cùng ý kiến này, TS. Văn Hữu Huệ- Phó Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư nêu dẫn chứng Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tân Cường (Đồng Tháp) đã thực hiện tích tụ ruộng đất, làm ăn đúng quy trình, sản phẩm đầu ra có bao tiêu ổn định nên nông dân rất phấn khởi.

“Vĩnh Long có hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tín Thành ở xã Mỹ Lộc cũng làm ăn hiệu quả, đây là mô hình kiểu mẫu cần đầu tư nhân rộng”- TS. Văn Hữu Huệ cho biết.

Sở Nông nghiệp- PTNT vừa tổng kết dự án mô hình CĐML sau 4 năm thực hiện (2011- 2015) cho thấy, mô hình thực sự tác động lớn đến nhận thức người trồng lúa, không chỉ hiệu quả mặt kinh tế mà cả xã hội, môi trường,…Ngoài diện tích CĐML do tỉnh đầu tư, nhiều huyện như: Long Hồ, Mang Thít, Vũng Liêm, Trà Ôn và TX Bình Minh đã sử dụng kinh phí địa phương để mở rộng thêm với hơn 5.000ha. Riêng Tam Bình, vụ Hè Thu và Thu Đông 2015 đã mở rộng CĐML ra thêm 8 xã với hơn 2.300ha.  

Bài, ảnh: HOÀNG MINH