Lục Sĩ Thành sau hạn, mặn: Chôm chôm được giá, nhưng mất mùa

Cập nhật, 14:31, Thứ Tư, 08/06/2016 (GMT+7)

 

Nhiều nông dân nói phải mất ít nhất 2 vụ, nhiều thì 3- 4 vụ nữa, vườn chôm chôm mới phục hồi, trong điều kiện “mưa thuận gió hòa”.
Nhiều nông dân nói phải mất ít nhất 2 vụ, nhiều thì 3- 4 vụ nữa, vườn chôm chôm mới phục hồi, trong điều kiện “mưa thuận gió hòa”.

Cù lao Mây (xã Lục Sĩ Thành- Trà Ôn) hiện đang vào mùa thu hoạch chôm chôm. Do ảnh hưởng của thời tiết, nhất là đợt mặn đầu năm khiến chôm chôm bị ảnh hưởng nặng nề nên hiện cù lao tuy vào chính vụ thu hoạch trái cây đặc sản nhưng trở nên vắng vẻ.

Chôm chôm được giá, nhưng…

Theo quan sát, vẫn còn những nhà có vớt vát chút đỉnh để bán cho thương lái. Ông Phan Minh Vũ- một thương lái ở Trà Vinh- cho biết: “Bên cù lao Tân Qui hết vụ, nên gần tháng nay qua đây mua. Giá năm nay còn cao hơn năm rồi, nhưng sản lượng ít lắm”.

Vừa gom đủ 2 tấn để giao cho lái ở Rạch Giá, ông Vũ nói: “Tùy theo yêu cầu của lái đặt hàng mà mình tìm mua. Năm nay hiếm hàng nên vất vả hơn. Giá mua tại vườn là 11.000 đ/kg (loại chôm chôm Java). Dù giá cao hơn năm ngoái 2.000 đ/kg, nhưng số vườn bị nhiễm mặn nhiều, sản lượng rớt thê thảm. Chỉ khoảng vài trăm ký một công. Cũng có vườn tới 3 tấn/công, nhưng hiếm lắm!”

Do hiếm hàng nên vào vụ nhưng giá 11.000- 12.000 đ/kg.
Do hiếm hàng nên vào vụ nhưng giá 11.000- 12.000 đ/kg.

Ông Nguyễn Văn Tốt- Trưởng ấp An Thạnh- cho biết, mọi năm vườn nhà 6 công chôm chôm, thu hoạch khoảng 3 tấn/công (chôm chôm hơn 20 năm tuổi). “Còn năm nay cả vườn vậy, hái không được 500 kg/công nữa”.

Nhiều hộ trong ấp cũng trong tình cảnh tương tự. Chôm chôm sau đợt xả nước và tưới, rồi xiết nước để làm trái vụ này hồi đầu năm “dính” nước mặn mà không ai hay biết. Đến khi mọi người biết nước mặn về thì mặn đã lưu lại trong vườn. “Mặn lên, có thể nói là nguyên nhân lớn nhất làm cho thất bát vụ chôm chôm năm nay”- ông Tốt khẳng định vậy.

Cả ấp An Thạnh có 50ha trồng chôm chôm. “Năm rồi trúng mùa khủng luôn. Năm nay thì thất mùa… khủng hoảng luôn”- dẫn chúng tôi đi vòng quanh vườn chôm chôm 6 công lưa thưa trái, ông Tốt chua chát.

Đáng nói là đợt cho trái sớm của nhà vườn làm trái sớm thì thiệt hại đã rõ ràng. Còn nhà nào làm trái trễ hơn, khoảng từ tháng 4 tới giờ thì cây hiện tại bắt đầu rụng lá, dần dần chuyển sang khô cành.

Chúng tôi đi vòng cù lao này vào sáng sớm, nhiều thương lái đến vườn hỏi mua nhưng nhà vườn lắc đầu. Ghé vào các nhà vườn ở cấp Kinh Đào, tình cảnh còn thê thảm hơn. “Từ hôm hạn, mặn, chôm chôm bị thiệt hại đến nay, người dân không được hỗ trợ sau đợt khảo sát rồi, họ chửi tui quá trời”- lời cảm thán của ông Nguyễn Thành Trung, Bí thư kiêm Trưởng ấp Kinh Đào ngay khi gặp chúng tôi.

Ông Nguyễn Thành Trung nói cả ấp có khoảng 76ha trồng chôm chôm, tính sơ thiệt hại năng suất đến giờ là cỡ 80% rồi.

Nhưng theo các nông dân, không chỉ mất năng suất mà do ảnh hưởng mặn, lượng chôm chôm ít ỏi thu hoạch được cũng giảm chất lượng trái: vị lạt, cơm trái dai mềm chứ không giòn sựt, cơm bóc không tróc,... nên giá giảm so với trái thường, chỉ còn 7.000 đ/kg.

Nhà vườn xót

Khi chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Thành Trung thì nơi đây đang diễn ra cuộc họp của cán bộ ấp.

Nhiều nông dân canh tác cây ăn trái vùng này đều “kể khổ” về tình cảnh cây chôm chôm phải chịu trong đợt hạn, mặn gay gắt về tới vùng này. Hơn chục nhà vườn ở đây đang rất lo lắng, bởi ngoài bưởi Năm Roi, cam sành thì chôm chôm là một trong những cây trồng chủ lực.

Nhưng hiện nay, năng suất, chất lượng trái giảm, cây mất sức. Thậm chí một số người đã đốn bỏ gốc chôm chôm như nhà các anh Tèo Anh, Tèo Em trong xóm trồng 8 công chôm chôm, sau đợt hạn, mặn, “nay đốn bình địa luôn, tính trồng cây khác”.

“Thất mùa này là... sẽ thất tiếp từ 3- 4 mùa nữa, nếu vẫn còn giữ cây chôm chôm để khôi phục”- ông Nguyễn Văn Tốt nói và giải thích: “Tính từ đây khi cây bị ảnh hưởng mặn, nếu là cây chôm chôm tơ, thì còn “rửa” cành để khôi phục, còn chôm chôm lão thì có khi người ta còn móc gốc luôn”.

Ông Nguyễn Thành Trung thì nói năm nay nước mặn về, thì năm tới không biết có về nữa không. Giả sử không có mặn thì cũng chưa chắc cây đã phục hồi lại liền. “Sớm gì cũng 2 năm nếu tích cực “rửa” để giữ cây. Không thì đốn bỏ trồng lại, chính cây này hoặc cam, bưởi”- ông Trung nói như giải pháp.

Dẫn chúng tôi ra vườn trồng 3 công chôm chôm, ông Nguyễn Văn Thêm (ấp Kinh Đào, xã Lục Sĩ Thành) rơi nước mắt: “Công sức, tiền của đầu tư chôm chôm gần chục năm bây giờ mất hết rồi”. Vườn ông Thêm còn có 2 công bưởi nhưng bưởi còn nhỏ nên chưa thả nước, cây không ảnh hưởng.

Ảnh hưởng hạn, mặn nên nhiều vườn sắp đốn bỏ vì cây chết khô.
Ảnh hưởng hạn, mặn nên nhiều vườn sắp đốn bỏ vì cây chết khô.

Vừa bẻ một nhánh khô, ông buồn bã nói: “Tui đề nghị, địa phương có tới xem, nhưng lúc đó, trái mới vàng, cây còn dẻo, chưa biểu hiện ra ngoài nên không nghe nói hỗ trợ gì cả. Còn bây giờ khô rang hết”. Rồi ông Thêm hy vọng “mong Nhà nước hỗ trợ để tui có điều kiện phục hồi sản xuất”.

Ông Trương Văn Chính- Chủ tịch UBND xã Lục Sĩ Thành- xác nhận năm nay năng suất chôm chôm của bà con ở đây thiệt hại nặng, do ảnh hưởng hạn, mặn.

 Ông Chính cho biết, hệ thống thủy lợi nằm sâu trong vườn thì có thể chủ động được, tuy nhiên vẫn còn một số kinh rạch chưa khép kín được để phòng mặn về và trữ nước cần cho tưới tiêu cây ăn trái (nhất là chôm chôm) như vừa qua.

Ông Nguyễn Thanh Bình- Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT Trà Ôn cũng cho biết, hệ thống cống “cửa khẩu” bao cồn (cù lao Mây) giáp các con kinh lớn chưa thể hoàn thiện hết nên khi mặn về khả năng xâm nhập là cao. Còn hệ thống nội đồng, mương vườn nằm ở trong thì đến nay khép kín.

Theo báo cáo của UBND xã Lục Sĩ Thành, qua khảo sát, các hộ nông dân đề nghị hỗ trợ thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn. Các nguyên nhân ghi nhận từ người dân ảnh hưởng lên cây ăn trái ở đây, có: mặn, khô hạn (kém nước, nên tưới thất thường), nắng cháy,... Nhưng kết quả thì không có hộ nào thiệt hại đến mức được nhận hỗ trợ theo quy định.

Hy vọng thêm đợt khảo sát, hỗ trợ nông dân

Nhiều bà con cho biết, lúc khảo sát cây vẫn chưa có dấu hiệu bị ảnh hưởng, nên không được hỗ trợ. Còn đối với tình cảnh hiện nay, nhiều vườn dần bị thiệt hại, thậm chí một số vườn cây đã chết khô. Vì vậy, rất nhiều nhà vườn ở cù lao Lục Sĩ Thành hy vọng địa phương nên xem xét, tổ chức thêm những đợt khảo sát ở các vườn bị thiệt hại.

 

Bài, ảnh: TẤN ANH- MINH THÁI