"Hiến kế" chăn nuôi thích ứng hạn, mặn

Cập nhật, 14:25, Thứ Năm, 09/06/2016 (GMT+7)

TS. Nguyễn Hữu Tỉnh- Phân viện Chăn nuôi Nam Bộ- Viện Chăn nuôi cho rằng, với tốc độ xâm nhập mặn như hiện nay, ngành nông nghiệp ĐBSCL có thể kiệt quệ trong vài năm tới.

Nhất là chăn nuôi, biến đổi khí hậu có thể bùng phát dịch bệnh, tăng tỷ lệ chết, giảm năng suất sinh sản, sinh trưởng… Vì vậy, việc phát triển một số giống vật nuôi mới là rất cần thiết hiện nay.

 Nuôi vịt biển thích ứng hạn, mặn đang phát triển tại nhiều tỉnh ĐBSCL.
Nuôi vịt biển thích ứng hạn, mặn đang phát triển tại nhiều tỉnh ĐBSCL.

Tại hội nghị “Phát triển chăn nuôi trong điều kiện hạn, mặn ở ĐBSCL” do Bộ Nông nghiệp- PTNT tổ chức tại Cần Thơ mới đây, nhiều chuyên gia nhận định ĐBSCL rất có tiềm năng nhưng so với lúa, thủy sản, trái cây thì chăn nuôi ít được đầu tư.

Ông Nguyễn Văn Trọng- Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, ĐBSCL có trên 690.000 con bò thịt, chiếm 12,84%; đàn trâu 34.000 con, chiếm 13,5% so cả nước, nuôi nhiều ở các tỉnh Long An, Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp.

Ngoài ra, còn có đàn dê 179.000 con, đàn heo gần 3,6 triệu con, đứng thứ 4 và chiếm 12,9% tổng đàn heo cả nước.

Trong đó, chăn nuôi gia cầm vốn là thế mạnh với trên 58,4 triệu con. Đặc biệt, khu vực này là nơi duy nhất xuất khẩu trứng vịt muối (1,33 tỷ trứng mỗi năm) với đàn vịt chạy đồng 9,2 triệu con, chiếm hơn 39% đàn vịt đẻ cả nước.

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Hữu Tỉnh, đối với các giống vật nuôi nhập khẩu đang sản xuất trong hệ thống chăn nuôi công nghiệp, khả năng thích nghi với biến đổi khí hậu là không thể. Điều này xảy ra thực tế tại nhiều hộ chăn nuôi ở một số tỉnh- thành ĐBSCL thời gian qua. Do chăn nuôi còn phân tán, nhỏ lẻ khi xảy ra mặn xâm nhập gia súc, gia cầm thiếu thức ăn,
nước uống.

TS Nguyễn Thanh Sơn- Viện trưởng Viện Chăn nuôi quốc gia, cho rằng người dân phải thay đổi quan điểm chăn nuôi hướng tiết kiệm nước và thay đổi cơ cấu vật nuôi phù hợp. Bên cạnh những vật nuôi truyền thống bản địa, các địa phương cần xác định, chọn lựa vật nuôi mới thích nghi, cho hiệu quả kinh tế cao.

Trước mắt có thể chọn 3 vật nuôi chủ lực để phát triển ở ĐBSCL như vịt biển, dê và thỏ. Bởi, đây là vật dễ nuôi, có thể tận dụng nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương. Một vài địa phương đã thí điểm nuôi thành công những vật nuôi mới này.

Tiêu biểu, ở Cà Mau, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã triển khai nuôi thí điểm 2.800 con vịt biển. Đánh giá bước đầu, đây là loài thích nghi tốt trên vùng nước mặn và có thể cho thu nhập khá, ổn định cho người dân. Còn tại Tiền Giang cũng đã triển khai nuôi 1.000 con vịt biển. Qua 63 ngày nuôi, vịt biển đã đạt trọng lượng 2,5kg và có thể chịu được độ mặn đến 23‰ trong khi vịt thường chỉ chịu độ mặn dưới 4‰.

TS. Nguyễn Hữu Tỉnh còn cho biết từ năm 2014- 2015 đã đưa 300 con vịt biển ra Trường Sa nuôi thử nghiệm, cho năng suất trứng khá cao, từ 200- 210 trứng/năm. Nuôi sau 21 tuần tuổi, vịt đạt 2,7 kg/con.

Viện Chăn nuôi đã tạo ra quần thể hàng ngàn con vịt mái. Bên cạnh, giống vịt Hòa Lan cũng được đề xuất nuôi, bởi khả năng cho trứng khá cao, 220- 230 trứng/năm. Nếu chuyên dụng thịt nuôi sau 7 tuần tuổi đạt 3,2 kg/con, có khả năng phát triển thích nghi vùng nước lợ ven biển và chạy đồng.

TS. Nguyễn Hữu Tỉnh còn cho biết, với khả năng thích nghi tốt, trong năm 2016. Phân viện Chăn nuôi Nam Bộ sẽ phát triển giống vịt biển phục vụ cho việc tái cơ cấu chăn nuôi tại các tỉnh ven biển ĐBSCL.

Tuy vậy, để việc phát triển các vật nuôi chủ lực trong giai đoạn hạn, mặn được thành công, nhiều tỉnh- thành ĐBSCL đã đề xuất Chính phủ hỗ trợ bằng chính sách khuyến khích người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia đầu tư, tiếp cận kỹ thuật mới để cải tiến năng suất và đáp ứng theo nhu cầu thị trường.

TS. Nguyễn Thanh Sơn cho rằng, thời gian tới, cần thiết phải quy hoạch lại từng vùng, xác định cụ thể vùng nào phát triển được con gì thì tập trung đầu tư. Ngoài ra, cũng cần chính sách đầu tư giống, phát triển các mô hình kết hợp giữa các vật nuôi chủ lực được chọn với cây lúa, thủy sản sẵn có.

 

Gần đây, nhiều hộ gia đình ở Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ đã đưa giống gà ta, gà tàu vàng vào hệ thống chăn nuôi thâm canh (nhốt hoàn toàn và cung cấp thức ăn công nghiệp), sản xuất hàng hóa với quy mô 500- 1.000 con/hộ. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế của phương thức chăn nuôi này không cao do giống gà này không thích hợp với điều kiện nuôi nhốt với mật độ cao, tăng trọng chậm và tiêu tốn thức ăn cao.

Bài, ảnh: HOÀNG MINH