Triển vọng xoài Xiêm núm chuẩn VietGAP

Cập nhật, 10:05, Thứ Tư, 09/03/2016 (GMT+7)

47,56ha xoài Xiêm núm ở 2 xã Quới An, Trung Chánh (Vũng Liêm) đang được các nhà vườn trồng theo hướng GAP.

Và mới đây, Tổ hợp tác Sản xuất xoài Xiêm núm Vũng Liêm được Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản Vùng 6 (Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản) cấp giấy chứng nhận VietGAP. Đạt chuẩn VietGAP, xuất ngoại, mô hình trồng xoài Xiêm núm đang mở cơ hội vươn xa cho chính loại trái cây này.

Xoài Xiêm núm đạt tiêu chuẩn

Xoài VietGAP xuất ngoại

Hiện nông dân áp dụng canh tác theo VietGAP với xoài Xiêm núm tại 2 xã Quới An (37,56ha, 63 tổ viên), Trung Chánh (10ha, 17 tổ viên).

Phó Chủ tịch UBND xã Quới An Nguyễn Quang Khiêm cho biết, từ khi triển khai trồng xoài Xiêm núm hướng GAP với dự án hỗ trợ của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Long (Sở Nông nghiệp- PTNT), triển vọng giá cả, đầu ra trái xoài chuyển biến rõ nét.

Xoài của bà con được công ty thu mua hỗ trợ bao trái để tránh sâu bọ, hư hao, giữ “da, dáng” bắt mắt hơn, đẹp hơn. Trước đây, giá xoài Xiêm núm chưa canh tác theo quy trình tiêu chuẩn VietGAP, nhà vườn bán khoảng 17.000-18.000 đ/kg.

Nay làm theo GAP, chất lượng trái xoài tăng lên, giá bán cao hơn: xoài loại I giá 30.000 đ/kg, xoài loại II giá 22.000- 25.000 đ/kg. Theo các nhà vườn, hiện khoảng 4 trái xoài vô 1kg.

Nhà ông Lê Văn Điền (ấp Phước Trường, xã Quới An) canh tác 0,8ha xoài Xiêm núm. Tham gia tổ hợp tác này, ông thấy công cán đổ vào vườn xoài “cũng vậy”, nhưng được cái xịt thuốc giảm. Ông đúc kết: Mùa xoài rồi, sản lượng mặc dù trung bình, nhưng chất lượng xoài tăng lên rõ rệt. Do chất lượng trái xoài tốt hơn nên giá bán cao.

63 nhà vườn đang canh tác xoài Xiêm núm ở xã Quới An, người ít thì hơn 0,2ha, người trồng nhiều khoảng 2ha.

Theo các tổ viên, canh tác theo quy trình đã đăng ký, cái lợi lớn nhất là việc phun thuốc khi đến mùa làm trái cho xoài giảm đáng kể, giảm chi phí sản xuất. Còn theo ông Nguyễn Quang Khiêm, trái xoài làm ra đảm bảo an toàn, không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, bán được giá hơn.

“Từ hồi áp dụng sản xuất theo VietGAP đến nay, thông qua doanh nghiệp thu mua, xã đã xuất 20 tấn xoài Xiêm núm đi Hàn Quốc, với giá bán 30.000 đ/kg”- ông Khiêm cho biết.

Theo ông, toàn xã Quới An có khoảng 150ha trồng xoài Xiêm núm, trong đó vào VietGAP hiện có hơn 37ha, nên “nếu thuận lợi, được bà con đồng tình, chúng tôi phối hợp ngành chức năng thực hiện dự án tiếp tục mời gọi họ tham gia sản xuất theo quy trình đã được công nhận”.

Góp mô hình tái cơ cấu nông nghiệp

Ước tính với diện tích xoài Xiêm núm được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP tại 2 xã Quới An, Trung Chánh, thời gian đầu mỗi năm có thể xuất đi trên 560 tấn trái. Chính quyền các xã này cho hay sẽ tiếp tục mở rộng tiếp cận doanh nghiệp thu mua, từ đó tìm vào các thị trường mới, để tăng tính cạnh tranh, góp phần tăng lợi nhuận cho bà con trồng xoài.

Theo bà Phan Thị Cẩm Vân- Trưởng Phòng Trồng trọt thuộc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp- PTNT), đến nay có 2 mô hình trồng xoài được công nhận VietGAP: mô hình xoài Tứ quý ở Tam Bình và mô hình ở Vũng Liêm trồng xoài Xiêm núm ở trên. Tới đây đơn vị tiếp tục phối hợp triển khai dự án sản xuất xoài theo VietGAP và xúc tiến đầu ra với xoài cát chu ở xã Quới Thiện, bước đầu dự kiến 10ha.

Bao trái xoài Xiêm núm là một khâu quan trọng để đạt chuẩn xuất khẩu. Trong ảnh: Cán bộ nông nghiệp và bà con nhà vườn trồng xoài Xiêm núm.
Bao trái xoài Xiêm núm là một khâu quan trọng để đạt chuẩn xuất khẩu. Trong ảnh: Cán bộ nông nghiệp và bà con nhà vườn trồng xoài Xiêm núm.

UBND huyện Vũng Liêm mới đây chỉ đạo ngành chức năng huyện tiếp tục theo dõi, chăm sóc các mô hình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp để làm tăng giá trị sản xuất, lợi nhuận cho nông dân.

Đến nay, huyện có các mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa (2.847ha, Tân An Luông, Hiếu Phụng, Hiếu Nhơn, Trung Hiếu,...), trồng bưởi da xanh (40,5ha, Thanh Bình, Quới Thiện), trồng bắp lai dưới ruộng (1,8ha, Tân Quới Trung), trồng xoài Xiêm núm (gần 50ha, Quới An, Trung Chánh) và dự án chăn nuôi bò cũng ở 2 xã này dành cho hộ nghèo, cận nghèo. Trong đó mới nhất là trồng bắp lai và trồng xoài Xiêm núm.

“Đảng ủy, UBND xã sẽ đưa mô hình sản xuất xoài Xiêm núm, cùng với bưởi da xanh vào kế hoạch tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp ở địa phương trong năm nay”- ông Nguyễn Quang Khiêm thông tin thêm.

Tuy vậy, đối với xoài Xiêm núm cũng như các mô hình vùng sản xuất cây ăn trái sản xuất quy mô lớn theo hướng GAP, gắn với nhãn hiệu hàng hóa và tiêu thụ nông sản, theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, cái khó hiện nay là nông dân đa phần còn thiếu vốn đầu tư cho sản xuất và tái sản xuất. Và vấn đề cũng đáng quan tâm là “có khả năng tổn thương cao do tác động của biến đổi khí hậu”.

Vùng nguyên liệu xoài Xiêm núm đạt tiêu chí cánh đồng lớn

Theo bà Huỳnh Kim Định- Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, đến nay đã xây dựng được 6 vùng nguyên liệu (năm 2015) thuộc Dự án “Xây dựng vùng sản xuất cây ăn trái quy mô lớn theo hướng GAP, gắn với nhãn hiệu hàng hóa và tiêu thụ nông sản giai đoạn 2015- 2020”.

Trong đó có một vùng nguyên liệu đạt tiêu chí cánh đồng lớn, là vùng nguyên liệu xoài Xiêm núm 47,56ha và được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Các vùng nguyên liệu được doanh nghiệp, công ty thu mua nông sản đặt hàng vì sản phẩm kiểm tra đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng ngon, mẫu mã hàng hóa đẹp. Các mặt hiệu quả xã hội, kinh tế, môi trường cũng được ghi nhận từ các vùng nguyên liệu sản xuất này.

Bài, ảnh: MINH THÁI