Kinh doanh rau an toàn- nhìn từ dự án thi khởi nghiệp

Cập nhật, 07:55, Thứ Bảy, 22/01/2022 (GMT+7)

 

Cần có “dấu hiệu phân biệt”, tạo niềm tin để rau an toàn ngày càng được lựa chọn, tin dùng. Trong ảnh: Rau ăn lá thủy canh trong nhà màng.
Cần có “dấu hiệu phân biệt”, tạo niềm tin để rau an toàn ngày càng được lựa chọn, tin dùng. Trong ảnh: Rau ăn lá thủy canh trong nhà màng.

Thế nào là rau an toàn, triển khai một dự án rau an toàn sao cho hiệu quả? Nhìn từ một dự án kinh doanh rau an toàn tại vòng chung kết cuộc thi ý tưởng, dự án khởi nghiệp tỉnh Vĩnh Long lần thứ IV năm 2021, các câu hỏi trên phần nào được giải đáp.

Với mong muốn đóng góp một phần vào việc bảo bệ sức khỏe cộng đồng bằng cách đem đến những cọng rau thật sự an toàn cho bữa ăn hàng ngày, chị Đặng Thị Anh Đào (Long Hồ) dự thi “Phương án kinh doanh rau an toàn trên địa bàn huyện Long Hồ”.

Theo chị Đào trình bày, Long Hồ là huyện làm nông nghiệp lâu đời, có điều kiện tự nhiên thuận lợi với diện tích đất rộng lớn, sông ngòi giàu nước ngọt. Việc phát triển nông nghiệp từ xưa đã được bà con chú trọng và hiện nay đang phát triển, góp phần cải thiện phần nào đời sống bà con nơi đây.

Chị cũng cho rằng, người tiêu dùng, nhất là người có mức thu nhập từ khá thường tìm kiếm các sản phẩm sạch, an toàn, vừa tốt cho sức khỏe và vừa có tác dụng làm đẹp. Sau giờ làm việc mệt mỏi, họ cần bổ sung thêm nhiều dưỡng chất, các vitamin… như các loại rau quả sạch, an toàn. Vì thế, đây chính là thị trường tiềm năng cho sản phẩm rau an toàn.

Chị Đào cho biết thêm, khách hàng mục tiêu đầu tiên chị hướng đến là các nhân viên văn phòng, vì đây là tầng lớp được tiếp cận với công nghệ tiên tiến, có thu nhập ổn định. Và chị cũng hy vọng “với đặc điểm sản phẩm an toàn, tin rằng sẽ đến được với người tiêu dùng, vấn nạn rau bẩn sẽ hoàn toàn bị loại trừ”.

Dự án dự kiến thực hiện trên 5 công đất, vốn đầu tư 2 tỷ đồng. Thời gian thực hiện là 3 năm, giá bán sản phẩm dự kiến là 30.000 đ/kg, “bán riêng từng mớ hoặc theo combo” (hình thức bán hàng kết hợp nhiều sản phẩm- PV). “Dự án lấy tên chọn sống xanh và tạo khác biệt bằng việc gói rau bằng túi giấy hay túi lá tre, in tên mình lên bao bì…”- chị Đào nói.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT- Nguyễn Văn Liêm cho rằng, kinh doanh rau an toàn là ý tưởng, dự án khá quen thuộc đối với cuộc thi khởi nghiệp của tỉnh nên “4 lần thi đều có”. Tuy nhiên, ông cho rằng, cái khó nhất là hiện nay các quầy bán rau an toàn không tồn tại được lâu.

“Thực ra, nói nhu cầu sử dụng các sản phẩm rau an toàn ngày càng tăng là đúng nhưng để phân biệt được rau an toàn trên thị trường rất khó, từ đó ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng đối với các sản phẩm rau an toàn”- ông Liêm cho biết.

Ông Liêm cho biết thêm, chiến lược kinh doanh rau an toàn cần thiết là phải tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Có nghĩa là phải có bao bì, nhãn mác sao cho cầm bó rau lên là người ta biết là bó rau an toàn và có niềm tin, chấp nhận bỏ tiền ra để mua.

Thế nào là rau an toàn? Ông Liêm cho biết, hiện có nhiều cấp độ chứng nhận rau an toàn, rau hữu cơ... Để làm được rau an toàn, phải sử dụng phân vi sinh, hạn chế phân hóa học, đảm bảo thời gian cách ly.

Để chứng nhận được rau an toàn thì có 4 tiêu chuẩn: hàm lượng về thuốc bảo vệ thực vật, lượng đạm nitrat, hàm lượng kim loại nặng, vi sinh vật phải dưới ngưỡng cho phép. Muốn sản xuất rau an toàn thì đất phải sạch, nguồn nước sạch, canh tác đảm bảo quy trình. Để được chứng nhận, hiện có nhiều góc độ. Ví dụ, chứng nhận vùng sản xuất rau an toàn thì ngành nông nghiệp cấp chứng nhận.

Tuy nhiên, chỉ chứng nhận được quy trình chớ chưa chứng nhận sản phẩm an toàn vì sản phẩm qua quá trình vận chuyển có thể bị xâm nhiễm ở giai đoạn trung gian… Còn để chứng minh cho người tiêu dùng đó là sản phẩm an toàn thì phải có bao bì, nhãn mác gắn liền với tiêu chuẩn được chứng nhận.

Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ- Nguyễn Tường Nam cho rằng, kinh doanh rau an toàn chưa phải là câu chuyện dễ dàng. Theo đó, có thể nghiên cứu tạo quy trình khép kín để lấy ngắn nuôi dài, kết hợp mở điểm tham quan, chế biến các món ăn…

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư- Nguyễn Khắc Nhu thì nói, để triển khai dự án kinh doanh rau an toàn cần có lộ trình, có thể bắt đầu từ quy mô nhỏ rồi dần dần nhân rộng. Đồng thời, cần được cơ quan nhà nước hỗ trợ xác lập vùng trồng- phải có mã vùng, có quy trình sản xuất…

Bài, ảnh: SÔNG HẬU

Các tin khác: