Kho bạc Nhà nước Vĩnh Long: Tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ

Cập nhật, 16:42, Thứ Năm, 20/01/2022 (GMT+7)

 

Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời (người ngồi bên bìa trái) cùng các lãnh đạo tỉnh dự kiểm kê quỹ tiền mặt ngày cuối năm tại Kho bạc Nhà nước Vĩnh Long.
Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời (người ngồi bên bìa trái) cùng các lãnh đạo tỉnh dự kiểm kê quỹ tiền mặt ngày cuối năm tại Kho bạc Nhà nước Vĩnh Long.

Năm 2021, dịch bệnh COVID-19 gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế- xã hội. Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn nhưng hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) Vĩnh Long đã nỗ lực thực hiện thắng lợi nghị quyết, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ.

Theo KBNN Vĩnh Long, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021 là gần 7.503 tỷ đồng, đạt 101% so Nghị quyết HĐND tỉnh giao.

KBNN đã tăng cường kiểm soát chặt chẽ các khoản chi thường xuyên (nhất là các khoản chi khánh tiết, hội nghị, hội thảo); ưu tiên kiểm soát thanh toán nhanh, kịp thời cho phòng, chống dịch COVID-19, chi đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội, chi cấp bách…

Tổng chi thường xuyên là 5.214,4 tỷ đồng, đạt hơn 102% so Nghị quyết HĐND tỉnh giao. Riêng chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 68 của Thủ tướng về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch bệnh là 217,5 tỷ đồng.

Đồng thời, đã phối hợp với các sở, ngành liên quan và chủ đầu tư kịp thời tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng. Tính đến 31/12/2021, đã giải ngân 4.357,9 tỷ đồng, đạt 80% kế hoạch năm 2021, cao hơn 4,7% so cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, giải ngân 276,9 tỷ đồng, đạt 91% kế hoạch năm 2020 kéo dài.

Trong năm, đã thực hiện tất toán được 132 dự án đã có quyết định phê duyệt quyết toán và đã thực hiện xong công tác xử lý công nợ, với tổng giá trị quyết toán 1.579,8 tỷ đồng. Bên cạnh, đã từ chối thanh toán 58 khoản chi với hơn 25 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Phước Lộc- Phó Giám đốc KBNN Vĩnh Long cho biết, nhằm tạo bước đột phá mạnh trong thu nộp và điều tiết kịp thời cho NSNN các cấp, KBNN không ngừng cải cách thủ tục hành chính.

Theo đó, hiện đã phối hợp thu NSNN ổn định với 5 hệ thống ngân hàng và chuẩn bị mở rộng thêm 3 hệ thống ngân hàng khác nhằm tăng thêm sự lựa chọn, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân nộp NSNN. Mặt khác, duy trì phối hợp thanh toán song phương điện tử với Ngân hàng Vietcombank Vĩnh Long, góp phần kéo giảm giao dịch tiền mặt qua KBNN.

Theo số liệu thống kê, lượng tiền mặt thu chi trực tiếp từ các đơn vị trong hệ thống KBNN tỉnh giảm đáng kể. Tổng thu tiền mặt là 170 tỷ đồng, giảm 63,5% so cùng kỳ; tổng chi tiền mặt là 178 tỷ, giảm hơn 62% so cùng kỳ.

Cho thấy, việc hạn chế thanh toán tiền mặt trực tiếp qua KBNN đã được kết quả đáng khích lệ. Phấn đấu đến năm 2022 trong điều kiện bình thường, không còn phát sinh các khoản chi tiền mặt tại Kho bạc tỉnh. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng góp phần đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 của KBNN.

Ông Mai Đăng Khuê- Giám đốc KBNN Vĩnh Long cho biết, năm 2022, KBNN Vĩnh Long tích cực thực hiện các mục tiêu phát triển KBNN giai đoạn 2021- 2030, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, duy trì 100% các thủ tục hành chính được cung cấp qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và cổng dịch vụ công quốc gia. Tiếp tục nâng chất đội ngũ công chức, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng dịch vụ của hệ thống KBNN.

Tại hội nghị giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội; kế hoạch vốn đầu tư công và dự toán thu, chi ngân sách nhà nước của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời nhấn mạnh: Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng tăng trưởng, khôi phục kinh tế và thực hiện các mục tiêu quan trọng của kế hoạch 5 năm (2021- 2025) với nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng chưa từng có do tác động của dịch bệnh. Nghị quyết số 33 ngày 9/12/2021 của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2022 đã đề ra 21 chỉ tiêu chủ yếu.

Năm 2022, phấn đấu phát triển kinh tế, đạt tổng thu ngân sách 6.503 tỷ đồng.
Năm 2022, phấn đấu phát triển kinh tế, đạt tổng thu ngân sách 6.503 tỷ đồng.

Trong đó, một số chỉ tiêu cần quyết tâm, nỗ lực rất lớn để thực hiện như: tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 6%, GRDP bình quân đầu người 61 triệu đồng, tổng thu ngân sách 6.503 tỷ đồng, tổng kim ngạch xuất khẩu 630 triệu USD, tỷ lệ hộ nghèo giảm: 0,41%, thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Tỉnh kiên định thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội một cách linh hoạt, hiệu quả. Theo đó, tiếp tục tập trung cao độ cho công tác phòng chống dịch COVID-19.

Bên cạnh, chủ động triển khai thực hiện tốt các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh. Đặc biệt là Nghị quyết số 01/NQ- CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và Dự toán NSNN năm 2022; Nghị quyết số 33 ngày 9/12/2021 của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2022.

“Các ngành, các cấp chủ động xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội phù hợp với tình hình của đơn vị, địa phương, phấn đấu hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu được giao. Bên cạnh đó, chủ động xây dựng dự toán, lập kế hoạch chi tiêu đúng quy định, đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị năm 2022”- Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo.

Tiến tới xây dựng “Kho bạc số”

Toàn tỉnh hiện có 1.176 đơn vị tham gia dịch vụ công trực tuyến, đạt tỷ lệ 105%. Việc áp dụng hệ thống dịch vụ công trực tuyến KBNN có ý nghĩa lớn trong cải cách hành chính, giúp đơn vị sử dụng ngân sách giao dịch với KBNN 24/24 giờ (kể cả ngày nghỉ, ngày lễ). Đây là tiền đề tiến tới thực hiện quy trình kiểm soát chi điện tử của KBNN, phù hợp định hướng chiến lược xây dựng “Kho bạc số”.

Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN

Các tin khác: