Chương trình OCOP: "Sân chơi" cho sản phẩm chất lượng cao

Cập nhật, 11:53, Thứ Sáu, 14/01/2022 (GMT+7)

 

Sản phẩm OCOP dần khẳng định vị thế trên thị trường.
Sản phẩm OCOP dần khẳng định vị thế trên thị trường.

(VLO) Thời gian qua, chương trình “mỗi xã một sản phẩm”- OCOP đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm OCOP.

Tuy nhiên, theo ngành chức năng, để phát triển đúng định hướng và đạt được các mục tiêu đề ra cần đi vào thực chất và các sản phẩm phải gắn với lợi thế vùng miền. Đảm bảo sản phẩm OCOP là một sản phẩm hoàn thiện với đầy đủ các yếu tố về giá trị cốt lõi.

Sản phẩm OCOP của Vĩnh Long rất có thế mạnh

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, đánh giá chung những kết quả đạt được từ chương trình OCOP cho thấy: Chương trình đã tạo một kênh riêng cho các sản phẩm tìm được thị trường và nâng cao kỹ năng trong sản xuất và kinh doanh.

Qua đó nâng cao giá trị, đáp ứng được với nhu cầu ngày càng cao của thị trường, đặc biệt là các sản phẩm đã qua chế biến, sản phẩm khởi nghiệp. Từ đó giúp cho các tổ chức, cá nhân chào hàng, tìm kiếm thị trường và khẳng định thế mạnh thương hiệu được nhiều nơi biết đến.

Đánh giá về cơ hội phát triển các sản phẩm OCOP, ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh, cho hay: Thị trường tiêu thụ các sản phẩm OCOP luôn được rộng mở, sự quan tâm, đón nhận của người tiêu dùng ngày càng lớn.

Việt Nam đang trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, đây là những điều kiện, cơ hội tốt để phát triển sản phẩm OCOP.

“Trong thời gian qua, nông sản Vĩnh Long đã hình thành các chuỗi giá trị nông sản. Đối với các loại cây trồng chủ lực, các sản phẩm chế biến được xây dựng và phát triển rõ nét hơn các sản phẩm khác qua dự án, thông qua các bước thực hiện mô hình, chuyển giao kỹ thuật, khuyến khích nông dân chuyển đổi giống cây trồng chất lượng, có giá trị kinh tế cao, xây dựng vùng chuyên canh cây ăn trái,… hướng sản xuất an toàn và chất lượng.

Mặt khác, các sản phẩm OCOP cũng được ưu tiên phát triển theo các làng nghề như: sản phẩm làng nghề, sản phẩm phát triển theo chuỗi giá trị ngành hàng, trái cây đặc sản, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm khởi nghiệp…

Vì vậy, sản phẩm OCOP của Vĩnh Long rất có thế mạnh để đa dạng chuỗi giá trị ngành hàng, tập trung phát triển theo các chương trình, dự án của tỉnh” - ông Liêm đánh giá.

Được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, chị Nguyễn Thị Trúc Linh- Cơ sở sản xuất và phân phối Tuấn Linh (Tam Bình), cho hay: Có sản phẩm được chứng nhận OCOP và được sử dụng, in, dán nhãn hiệu và thứ hạng sao OCOP lên bao bì sản phẩm, nhờ đó, tiêu thụ sản phẩm ngày càng tăng lên.

Cơ sở cũng đã và đang dần khẳng định được giá trị và hướng đến thị trường trong và ngoài nước ngày càng nhiều hơn.

Thời gian qua, cơ sở cũng đã không ngừng nỗ lực đầu tư máy móc thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm để phục vụ người tiêu dùng. Thời gian tới cơ sở cũng sẽ hoàn thiện quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn HACCP để “nâng sao”.

Xác định lợi thế, không thể vội vàng

Dù đã đạt được nhiều kết quả khả qua, song, phát triển sản phẩm OCOP vẫn còn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. 

Theo Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp- PTNT), sản xuất nông nghiệp, ngành nghề nông thôn còn manh mún, nhỏ lẻ; ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh đối với sản xuất nông nghiệp ngày càng lớn và khó dự đoán, phòng ngừa, đặc biệt là an ninh phi truyền thống là những trở ngại lớn trong thực hiện Chương trình OCOP.

Các doanh nghiệp cần tiếp tục nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã
Các doanh nghiệp cần tiếp tục nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã

Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ, thay đổi mẫu mã sản phẩm, xúc tiến thương mại… nên chưa đủ điều kiện phát triển với số lượng lớn và đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Đó là chưa kể một số địa phương vẫn còn lúng túng trong cách làm, xác định lợi thế, tiềm năng và chủ thể sản xuất. Quan niệm xác định, đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP chưa thật sự nhất quán.

Nhân lực thực hiện chương trình tại địa phương còn mỏng và yếu nên chưa đủ khả năng hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm, phát triển thị trường.

Ông Nguyễn Quốc Phong- Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, cho biết: Trong thời gian qua đã có nhiều tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia Chương trình OCOP nhưng quy mô, năng lực quản trị còn nhỏ và yếu, thiếu kiến thức về kinh tế thị trường và phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị. Việc xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường chưa được các chủ thể sản xuất quan tâm.

Các chủ thể sản xuất mới chỉ tập trung vào hoàn thiện hồ sơ mà chưa quan tâm cải thiện chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực quảng cáo tìm kiếm thị trường vì vậy, khả năng cạnh tranh của sản phẩm OCOP chưa được như mong đợi.

Theo các chuyên gia kinh tế, chương trình OCOP- được xem là sân chơi của các sản phẩm chất lượng cao. Đây sẽ là điều kiện để các sản phẩm nông nghiệp có cơ hội vươn ra thị trường thế giới và có tiềm năng phát triển mạnh đến năm 2030 tuy nhiên, các địa phương cần phải đi vào thực chất có thể nâng tầm sản phẩm OCOP phát triển một các bền vững.

“Việc triển khai thực hiện chương trình OCOP không thể vội vàng và phải được thực hiện liên tục theo chu trình để thúc đẩy sự sáng tạo.

Đây là chương trình không chỉ dành riêng cho vùng nông thôn mà còn cho cả khu vực thành thị, thông qua việc thực hiện thúc đẩy phát triển kinh tế, phát huy nguồn lực tại địa phương.

Bên cạnh đó đề xuất Trung ương cần sớm ban hành cơ chế, chính sách cụ thể, đồng bộ giữa các tỉnh thành trong cả nước để tạo điều kiện cho các tỉnh bố trí kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách tỉnh cho Chương trình OCOP” - ông Nguyễn Văn Liêm cho biết thêm.

Sau 3 năm thực hiện Chương trình OCOP, Vĩnh Long đã đạt nhiều kết quả. Có 74 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP (27 sản phẩm đạt 4 sao và 47 sản phẩm đạt 3 sao) với 56 chủ thể (12 hợp tác xã, 13 công ty và 31 hộ kinh doanh). 

Bài, ảnh: TRÀ MY

Các tin khác: