Phát triển chăn nuôi theo định hướng thị trường, phát huy thế mạnh của từng vùng

Cập nhật, 09:17, Thứ Bảy, 09/10/2021 (GMT+7)

 

Ngày 8/10/2021, Bộ Nông nghiệp- PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến “Phát triển chăn nuôi các tháng cuối năm 2021 và kế hoạch năm 2022” (ảnh).

Nhìn chung, sản xuất chăn nuôi 9 tháng đầu năm đã cơ bản chủ động được nhu cầu thực phẩm hiện tại của người dân các địa phương trên cả nước. Nhiều địa phương đã chủ động xây dựng và áp dụng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi theo hướng hữu cơ theo chuỗi tuần hoàn trong nông nghiệp, áp dụng khoa học công nghệ với kỹ thuật thích ứng biến đổi khí hậu.

9 tháng qua, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 4,7 triệu tấn, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2020; trên 12 tỷ quả trứng và gần 900.000 tấn sữa. Sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp 8 tháng đầu năm tăng khoảng 5,5%.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, lĩnh vực chăn nuôi đối mặt với nhiều khó khăn. Chi phí sản xuất tăng, khâu lưu thông bị gián đoạn, nhu cầu thị trường giảm nên các cơ sở chăn nuôi gặp khó trong khâu tiêu thụ, lượng vật nuôi tồn đọng cao, tăng nguy cơ thua lỗ. Năm 2021, chỉ tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất chăn nuôi bình quân đạt 5- 6%; sản lượng thịt các loại khoảng 6,2 triệu tấn.

Trong năm 2022, mục tiêu giá trị sản xuất ngành chăn nuôi là tăng 5,5- 6% so với năm 2021, tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp (ngành hẹp) đạt mức 33- 34%. Tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt 6- 6,5 triệu tấn,...

Thời gian tới, tiếp tục thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2045 phù hợp với bối cảnh mới, tiến trình hội nhập ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng; phát triển chăn nuôi theo định hướng thị trường; phát huy thế mạnh của từng vùng, từng vật nuôi chủ lực; đa dạng hóa kênh phân phối sản phẩm chăn nuôi.

NGUYÊN KHANG