Máy tính hút hàng do nhu cầu học online

Cập nhật, 19:26, Thứ Sáu, 15/10/2021 (GMT+7)

 

 Các dòng máy tính phổ thông có giá 10- 20 triệu đồng/máy hiện rất được lựa chọn.
Các dòng máy tính phổ thông có giá 10- 20 triệu đồng/máy hiện rất được lựa chọn.

(VLO) Ảnh hưởng dịch COVID-19, các trường học ở Vĩnh Long tổ chức việc dạy và học bằng hình thức online (trực tuyến), nhu cầu sử dụng máy tính của học sinh, sinh viên theo đó cũng tăng cao. Đó cũng là lý do khiến mặt hàng máy tính xách tay trở nên khan hiếm trong thời gian gần đây.

Để kích cầu, các cửa hàng điện máy lớn trên địa bàn tỉnh như: DNTN Đỗ Gia computer, DNTN Kỹ thuật công nghệ Dương Long, điện máy xanh,… đều có các chương trình khuyến mãi cho máy tính xách tay, máy tính bảng như: chương trình trả góp 0%, tặng phụ kiện, phiếu mua hàng, giảm giá,….

Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh, khâu vận chuyển khó khăn, hàng lưu thông chậm hơn bình thường, nên nhiều mẫu mã ở phân khúc giá tầm trung của các cửa hàng đôi lúc “hụt hơi”, không có máy để khách hàng tham khảo trực tiếp mà phải chờ đặt hàng trong vài ngày.

Tại DNTN Đỗ Gia computer (đường Phạm Thái Bường, Phường 4, TP Vĩnh Long) những ngày gần đây, có khá nhiều người đến mua hàng. Chủ yếu khách hàng là các phụ huynh, sinh viên đến tìm mua máy tính xách tay hoặc máy tính bảng để phục vụ cho việc học trực tuyến.

Anh Đỗ Trọng Nghĩa- chủ DNTN Đỗ Gia Computer cho hay: “Lượng khách hàng tăng gấp đôi so với mọi khi, chủ yếu khách hàng mua để phục vụ việc học trực tuyến.

Dòng máy được ưa chuộng nhất là: Dell, HP có mức giá từ 10- 20 triệu đồng/máy. Song, với nhu cầu như hiện nay, đôi lúc chúng tôi cũng bị hụt hàng, nên một số khách phải đặt máy rồi đến nhận hàng sau vài hôm”.

Tương tự, DNTN Kỹ thuật công nghệ Dương Long (Phạm Thái Bường, Phường 4) cũng có khá đông khách hàng tím đến mua máy tính. Theo chị Nguyễn Bảo Trân- nhân viên bán hàng, nhu cầu mua máy tính của khách hàng bắt đầu sôi động nhất vào thời điểm tháng 9 đến tháng 10.

“Lượng khách hàng tăng khoảng 100%, các dòng máy tính: Dell, HP hạng phổ thông rất được ưa chuộng và có sự dao động giá cả. Cụ thể, máy hãng Dell, HP dòng Cod i3, thế hệ 11 hiện có giá 14- 15 triệu đồng/máy (tăng 3 triệu đồng/máy). Nhưng đến thời điểm này thì hiện tượng sốt hàng đã hạ nhiệt hơn rất nhiều”.

Qua ghi nhận, các siêu thị, cửa hàng điện máy luôn có lượng lớn khách hàng đến tham khảo và chọn mua máy tính xách tay. Các dòng máy thuộc những thương hiệu nổi tiếng như: Acer, Dell, Asus, HP... mức giá từ 10 đến hơn 30 triệu đồng/máy rất được ưa chọn.

Trong đó, các dòng máy phổ thông có mức giá từ 10- 20 triệu đồng/ máy được nhiều phụ huynh học sinh chọn mua cho con học trực tuyến, còn một số sinh viên lại chọn máy có cấu hình cao hơn với giá trên 20- 30 triệu đồng/ máy.

Tìm mua máy tính cho con, nhưng chị Nguyễn Kim Thoa (Phường 9- TP Vĩnh Long) vẫn chưa chọn lựa được máy tính như ý muốn.

Chị cho biết: “Giá máy tính tôi nhận thấy còn khá cao so với bình thường, do nhu cầu học online nên tôi nghĩ dòng máy cấu hình vừa phải có giá từ 15- 20 triệu đồng là tốt. Nhưng giờ chỉ còn máy từ 20 triệu đồng trở lên, với giá này thì vượt khả năng chi tiêu của gia đình. Chắc tôi sẽ tham khảo thêm một số cửa hàng khác”.

Là sinh viên năm 2 Trường ĐH Văn Lang TP Hồ Chí Minh, em Lương Hoàng Thanh Xuân hiện (ngụ tại xã Tân An Luông, huyện Vũng Liêm) cho hay, em về quê và giờ thì vẫn bị “kẹt” lại. Để phục vụ cho việc học trực tuyến em đã chọn mua dòng máy tính có giá khoảng 30 triệu đồng.

“Sau một hồi đắn đo thì em quyết định mua dòng máy cấu hình cao tí để phục vụ việc học tập của em sau này luôn. Vả lại giờ muốn mua dòng máy phổ thông em phải đợi đặt hàng mất thời gian mà còn phải di chuyển lên cửa hàng lần nữa.”- Thanh Xuân nói.

Trước nhu cầu tăng cao của người tiêu dùng trong việc tìm mua máy tính phục vụ nhu cầu học online, trên các trang hội nhóm kinh doanh, cửa hàng,… rao bán rất nhiều dòng máy gắn mác “trưng bày”, “đã qua sử dụng” với giá rẻ.

Tuy nhiên, để mua những dòng máy này người tiêu dùng cần lựa chọn những địa điểm uy tính và xem xét hàng kỹ trước khi quyết định, để tránh phải mua hàng kém chất lượng.

Bài, ảnh: NGỌC LIỄU