Blog thị trường

Lo giá cả "té nước theo mưa"

Cập nhật, 06:22, Thứ Sáu, 15/10/2021 (GMT+7)

(VLO) “Ủa, xăng tăng giá nữa hả anh?”- “lên chiều hôm qua rồi chị”. “Đầu tháng gas tăng giá, giờ tới xăng, mai mốt tui lo rau củ, thịt cá cũng leo thang theo cho mà coi”…

Đó là mẫu chuyện của khách hàng với nhân viên mà chúng tôi nghe được tại trạm xăng. Người phụ nữ trung niên có lẽ chưa xem tin tức báo mạng, chỉ bất ngờ khi đổ 50.000đ nhưng kim đồng hồ đo xăng bữa nay đã “giựt một khúc”.

Xăng dầu, gas là mặt hàng quan trọng đối với đời sống kinh tế, của mỗi gia đình, người dân. Thực tế nhiều loại hàng hóa đã có bước tăng đáng kể khi dịch COVID-19 bùng phát do phải “gánh” thêm nhiều chi phí phát sinh trong sản xuất, vận tải, nhân công, giao hàng… nên lo ngại giá cả nhiều mặt hàng khác “leo thang” theo giá xăng dầu là điều dễ hiểu.

Giá xăng E5 RON 92 từ 15 giờ ngày 11/10 lên mức 21.680 đ/lít (tăng 970đ); RON 95 là 22.870 đ/lít (tăng 930đ). Giá các mặt hàng dầu cũng tăng từ 510- 980 đ/lít.

Như vậy, với lần tăng giá thứ ba từ giữa tháng 8 này, mỗi lít xăng RON 95 đã sát ngưỡng 23.000 đ/lít. Sau 3 lần tăng giá, xăng RON 95 đắt thêm 1.740 đ/lít, còn xăng E5 RON 92 là 1.790 đ/lít.

Trong khi đó, nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường nội địa những tháng cuối năm 2021, Vụ Thị trường trong nước- Bộ Công thương vừa có các công văn gửi đến Tổng cục Quản lý thị trường, Sở Công thương các tỉnh- thành và các doanh nghiệp, đầu mối kinh doanh xăng dầu nhằm giám sát chặt chẽ, bảo đảm nguồn cung xăng dầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.

Trong đó nêu rõ, sau thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội do ảnh hưởng của dịch COVID-19 lần thứ 4, nhiều địa phương trên cả nước đang dần quay trở lại trạng thái bình thường mới khiến tình hình tiêu thụ xăng dầu tại thị trường nội địa đang có dấu hiệu phục hồi và tăng mạnh.

Vụ Thị trường trong nước cũng đề nghị các đầu mối kinh doanh xăng dầu chủ động tìm kiếm nguồn hàng, cung cấp đầy đủ cho thị trường nội địa các loại xăng dầu doanh nghiệp đang sản xuất và kinh doanh, không để gián đoạn nguồn cung trong hệ thống kinh doanh của doanh nghiệp.

LÝ AN