Blog thị trường

OCOP- phát triển sản phẩm địa phương

Cập nhật, 21:47, Thứ Sáu, 26/03/2021 (GMT+7)

Tổng kết Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018- 2020 đánh giá việc nhận diện và phát triển trục sản phẩm OCOP của Bộ Nông nghiệp- PTNT là hết sức đúng đắn và thực tiễn.

Đến nay, đã có 2.439 tổ chức kinh tế tham gia sản xuất sản phẩm OCOP được xếp hạng, trong đó khu vực kinh tế tư nhân chiếm 59% (27,5% là doanh nghiệp), còn lại là kinh tế tập thể, hợp tác xã chiếm 41%, cho thấy OCOP là thành tố kinh tế quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn.

Theo báo cáo của 59 tỉnh- thành đã đánh giá, công nhận 4.469 sản phẩm. Số sản phẩm đạt 3- 4 sao cấp tỉnh chiếm 98,3%. Sản phẩm OCOP được phát triển đa dạng theo 6 nhóm (thực phẩm; đồ uống; thảo dược; vải- may mặc; lưu niệm- nội thất- trang trí; du lịch) không chỉ là sinh kế của người dân mà còn là con đường phát triển kinh tế đa dạng, phát huy lợi thế, tính đặc sắc và văn hóa của mỗi một địa phương từ xã, đến huyện, đến tỉnh…

Việc tiếp tục phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, phát triển nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng. Do đó, việc đẩy mạnh chương trình OCOP có vai trò quan trọng, là hạt nhân để đẩy mạnh các sản phẩm có chất lượng cao, khối lượng lớn, có giá trị gia tăng cao. Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế nông thôn, đời sống người dân ở nông thôn sẽ cải thiện.

Để thực hiện mục tiêu đó, cần xác định OCOP là một chương trình phát triển kinh tế nông thôn trọng tâm, cần được ưu tiên trong chính sách phát triển gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững. Phải xác định đây là chương trình mang tính dài hạn. Hơn nữa, cần tránh chạy theo phong trào mà phải theo quy luật cung cầu, gắn với nhu cầu cả trong nước, khu vực và quốc tế, gắn với phát huy lợi thế, tiềm năng, văn hóa của từng địa phương.

LÝ AN