Hoàn thành nhà máy điện mặt trời đóng góp gần 400 triệu kWh cho lưới điện quốc gia

Cập nhật, 22:12, Thứ Tư, 13/01/2021 (GMT+7)

Chiều 12/1, Tập đoàn Sao Mai đã tổ chức công bố hoàn thành Nhà máy điện mặt trời Sao Mai - An Giang, tại xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang với tổng công suất 210 MWp, với tổng vốn đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng. Nhà máy hoàn thành sẽ đóng góp gần 400 triệu kWh mỗi năm cho lưới điện quốc gia.

Nhà máy điện mặt trời Sao Mai - An Giang.
Nhà máy điện mặt trời Sao Mai - An Giang.

Dự án do Tập đoàn Sao Mai làm chủ đầu tư được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung vào điều chỉnh Quy hoạch điện VII; Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung quy hoạch lưới điện đấu nối vào hệ thống điện quốc gia. Dự án cũng được UBND tỉnh An Giang phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 3511/QĐ-UBND ngày 23/11/2017.

Dự án được triển khai trong 2 năm 2019 - 2020 trên diện tích 275 ha tại huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang với tổng công suất 210 MWp. Trong đó, giai đoạn I, công suất 104 MWp, đóng điện vào tháng 6/2019. Giai đoạn II với công suất của dự án là 106 MWp, được hòa vào lưới điện Quốc gia vào ngày 2/12/2020 đúng với chủ trương đầu tư được các cấp thẩm quyền phê duyệt. Nhà máy hoàn thành, từ năm 2021 trở đi sẽ đóng góp gần 400 triệu kWh mỗi năm cho lưới điện quốc gia.

Ông Trương Vĩnh Thành, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Sao Mai cho biết, công trình hoàn thành ghi nhận sự nỗ lực của nhà đầu tư trước những hạn chế về quỹ thời gian thi công, khó khăn vì COVID-19, nhất là sự thiếu hụt, tăng giá thiết bị và giải phóng mặt bằng. Nhà máy đi vào hoạt động đã đóng góp tích cực về kinh tế - xã hội và giải quyết việc làm cho huyện biên giới Tịnh Biên của tỉnh An Giang.

Phát biểu tại lễ hoàn thành dự án, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nhấn mạnh, dự án đã mang đến cơ hội mới cho người dân huyện Tịnh Biên có đất trong dự án, giúp bà con có thêm nguồn vốn để mua đất làm 3 vụ lúa, xây cất, sửa chữa nhà thay vì bám trụ làm chỉ một vụ lúa trong năm.

"Dự án hoàn thành góp phần giải quyết việc làm cho người dân trong khu vực, khi nhà máy đang sử dụng hơn 100 lao động địa phương và sẽ tăng lên hơn 500 lao động trong thời gian tới. Mỗi năm dự án cũng sẽ bổ sung nguồn thu cho ngân sách An Giang khoảng 80 tỷ đồng tiền thuế VAT và hơn 40 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp", ông Bình cho biết.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cũng đề nghị thời gian tới Tập đoàn Sao Mai tiếp tục ưu tiên, tạo điều kiện cho người dân trong vùng dự án là huyện Tịnh Biên, Tri Tôn, được vào làm việc trong nhà máy cũng như các dự án khác của doanh nghiệp đã và đang đầu tư trên địa bàn tỉnh An Giang, nhằm góp phần đảm bảo chính sách an sinh xã hội, ổn định kinh tế - chính trị cho tỉnh.

Hiện tiềm năng phát triển các dự án năng lượng tái tạo và điện mặt trời trên địa bàn tỉnh An Giang còn rất lớn. Tỉnh An Giang cũng đã kiến nghị Chính phủ và Bộ Công Thương xem xét đầu tư lưới điện 500kV từ Ô Môn, thành phố Cần Thơ đi An Giang trong giai đoạn 2021-2025. Nếu được Chính phủ chấp thuận đầu tư thì nhiều dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh An Giang sẽ có cơ hội phát triển.

Theo Đề án phát triển nguồn năng lượng mặt trời của tỉnh An Giang, giai đoạn sau năm 2020, dự kiến công suất lắp đặt lũy kế đạt khoảng 807 MWp, với sản lượng trên 1,1 triệu kWh.

Theo Thanh Sang (TTXVN)