Biogas- lợi ích kinh tế và môi trường

Cập nhật, 05:02, Thứ Ba, 12/01/2021 (GMT+7)

 

Vĩnh Long có đàn gia súc, gia cầm mà nếu tận dụng chất thải ủ khí biogas thì sẽ thu khoảng 13,5 triệu m3 khí đốt hàng năm.
Vĩnh Long có đàn gia súc, gia cầm mà nếu tận dụng chất thải ủ khí biogas thì sẽ thu khoảng 13,5 triệu m3 khí đốt hàng năm.

Ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm ở Vĩnh Long đã và đang phát triển mạnh. Nhưng chất thải trong quá trình sản xuất, chế biến do ngành này gây ra đối với môi trường nông thôn đang là vấn đề bức xúc, cần giải quyết. Xây dựng công trình khí sinh học (KSH)- biogas sẽ mang lại nhiều lợi ích và là một trong những giải pháp vừa phát triển chăn nuôi bền vững, vừa bảo vệ môi trường.

Lợi ích về kinh tế và môi trường

Biogas là hỗn hợp KSH (trong đó chiếm tới 70% là khí mê tan), được tạo từ quá trình phân hủy những chất thải của người, động vật và cả thực vật trong điều kiện được ủ kín. Theo tính toán, 1m3 khí này tương đương với 2,2KWh điện năng, nên có thể dùng để đun nấu, thắp sáng hoặc có thể được sử dụng làm nguồn nhiên liệu để chạy các loại động cơ máy bơm nước, máy phát điện...

Ở tỉnh Vĩnh Long, cuối năm 2020 với tổng đàn heo hơn 232.000 con, đàn bò khoảng 89.000 con, đàn gia cầm trên 9,5 triệu con nuôi trong 712 trang trại và hơn 71.000 hộ nuôi riêng lẻ, thì lượng phân thải ra khoảng hơn 500.000 tấn/năm.

Theo tính toán của các nhà chuyên môn, mỗi con heo thải ra môi trường khoảng 1 tấn phân/năm. Nếu thu gom hết, sử dụng sản xuất biogas thì mỗi năm có thể sản xuất được 13,5 triệu m3 khí mê tan, cung cấp gần 30 triệu KWh điện năng!

Ở mỗi gia đình nông thôn, nếu biết cách sử dụng biogas có thể tiết kiệm được vài triệu đồng, làm giảm đáng kể giá thành chăn nuôi (khoảng 7- 10%).

Ngoài ra, chất thải từ công trình biogas gồm nước thải lỏng và phụ phẩm đặc (bã thải) là những sản phẩm có giá trị được sử dụng vào nhiều mục đích, làm phân bón, nuôi cá, nuôi trùn... Sau khi được lấy ra từ hầm, túi ủ, chất thải này hầu như không còn các loại vi sinh vật gây bệnh như trước khi đưa vào bể ủ. Kết quả nghiên cứu cho thấy, dùng phụ phẩm lỏng phun trên lá giúp tăng năng suất cây trồng khoảng 10% so với bón trực tiếp vào đất.

Ngoài ra, bón bã thải kết hợp với phân vô cơ sẽ làm tăng độ hòa tan và hấp thu phân bón hóa học của đất; đồng thời hạn chế sự suy giảm chất dinh dưỡng, tăng hiệu suất sử dụng NPK lên 10- 30%...

Thực tế, ở nông thôn trong tỉnh, bà con nông dân, nhất là những hộ chăn nuôi tập trung, những lò giết mổ tập trung, quy mô tương đối lớn đã có xây dựng công trình để sử dụng khí biogas như túi ny lông và xây dựng công trình kiên cố bằng gạch xây, bê tông cốt thép theo kiểu hộp chữ nhật hoặc hình vòm cầu.

Hầm biogas theo kiểu này tốn khoảng 1,2- 2 triệu đồng, dung tích trên 3m3, tuổi thọ trung bình khoảng 10- 15 năm, kỹ thuật xây dựng hầm khá đơn giản, các gia đình ở nông thôn có thể tự làm dựa trên những bản vẽ thiết kế đơn giản, diện tích xây dựng hầm ủ không lớn, có thể làm chìm dưới đất.

Hiện tại trên thị trường có nhiều loại hầm bằng vật liệu mới (nhựa composite) các kích thước khác nhau, rất bền và nhẹ. Có 4 loại hầm: hầm loại nhỏ (đường kính 1,9m), hầm loại trung bình (đường kính 2,25m), hầm trung bình (đường kính 2,45m), hầm đại (đường kính 2,9m), giá từ 10- 15 triệu đồng/hầm, phù hợp cho những hộ chăn nuôi quy mô lớn, từ 20 con trở lên. Thông thường sử dụng 5- 7 con heo, 2- 3 con bò/hầm.

Dù sử dụng loại nào cũng cho hiệu quả kinh tế đáng kể, thay thế nguồn nguyên liệu truyền thống, giúp giảm chi phí, tăng thu nhập cho nông hộ. Theo tính toán của những hộ sử dụng công trình hầm biogas, nếu chuồng nuôi từ 20- 25 con heo, xây dựng một hầm cỡ 6- 8m3, gia đình sử dụng để nấu ăn, thắp sáng, đun nấu khác thì tiết kiệm chi phí sinh hoạt gia đình khoảng 280.000- 300.000 đ/tháng. Mỗi năm tiết kiệm được 4- 5 triệu đồng/năm… 

Về lợi ích môi trường, chất thải từ chăn nuôi gồm chất thải rắn (như phân, thức ăn dư thừa, phụ phẩm gia súc, gia cầm sau khi giết mổ) và chất thải lỏng (nước tiểu, nước uống dư thừa, nước vệ sinh chuồng trại và nước rửa trong khi giết mổ).

Nếu không được thu gom để đưa vào hầm ủ khí biogas thì chẳng những chúng ta bỏ đi nguồn nhiên liệu quý giá mà còn góp phần làm ô nhiễm môi trường nông thôn. Biogas giúp hạn chế mùi hôi thối, ruồi nhặng, giảm lượng khí CO2 thải ra môi trường xung quanh khu chăn nuôi.

Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ sử dụng

Qua nhiều giai đoạn, trung ương và tỉnh Vĩnh Long đã triển khai nhiều chương trình, dự án KSH với mục đích bảo vệ môi trường, cải thiện kinh kế và chất lượng cuộc sống cho người dân nông thôn. Hộ dân đủ điều kiện tham gia được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí để xây dựng công trình KSH và được đào tạo, truyền thụ kiến thức về sử dụng công trình hiệu quả.

Từ năm 2009- 2011, Cục Chăn nuôi thực hiện dự án “Chương trình KSH cho ngành chăn nuôi Việt Nam” với sự hỗ trợ kỹ thuật và quản lý từ Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) nhằm mục tiêu: Cải thiện sinh kế và chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn Việt Nam từ các lợi ích thị trường và phi thị trường của việc xây dựng các công trình KSH và phát triển ngành KSH định hướng thị trường. Dự án triển khai thực hiện từ năm 2003- 2020 trên khắp cả nước.

Dự án đã hỗ trợ xây dựng trên 180.000 công trình KSH mang lại lợi ích cho 889.160 người, đào tạo trên 1.000 kỹ thuật viên tỉnh và huyện, 1.700 đội thợ xây và thợ lắp đặt KSH và tổ chức trên 140.000 ngàn hội thảo tuyên truyền và tập huấn cho hàng trăm ngàn người sử dụng KSH. 

Dự án đã phát hành trên 3 triệu tín chỉ các bon theo cơ chế tiêu chuẩn vàng tự nguyện và trên 2,9 triệu tín chỉ các bon đã được bán ra thị trường các bon toàn cầu thu về doanh thu khoảng 160 tỷ đồng để tái đầu tư vào các hoạt động của dự án.

Tỉnh Vĩnh Long triển khai thực hiện từ tháng 7/2009 đến năm 2011, Trung tâm Khuyến nông tỉnh được giao theo dõi kết quả thực hiện, giám sát xây dựng, quản lý chất lượng công trình và xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ KSH...

Theo kế hoạch từ năm 2009- 2011, dự án sẽ hỗ trợ xây dựng 900 công trình trên toàn tỉnh, đồng thời đào tạo kỹ thuật viên, đội thợ xây. Hộ ở các huyện- thành tham gia dự án được hỗ trợ tiền xây là 1,2 triệu đồng/hầm và được hướng dẫn cách sử dụng khí sau khi xây hầm. Mỗi hầm có dung tích 5m3 chứa ủ 20kg phân heo, trung bình chi phí xây dựng mỗi hầm biogas cũng trên 7 triệu đồng. Các năm sau, hộ tham gia được hỗ trợ nhiều hơn (2 triệu đồng/hầm).

Chất thải từ chăn nuôi nếu được thu gom đưa vào hầm ủ khí biogas là nguồn nhiên liệu quý giá làm giảm ô nhiễm môi trường nông thôn.
Chất thải từ chăn nuôi nếu được thu gom đưa vào hầm ủ khí biogas là nguồn nhiên liệu quý giá làm giảm ô nhiễm môi trường nông thôn.

Từ năm 2017- 2020, hộ chăn nuôi trong tỉnh được tiếp tục hỗ trợ xây công trình KSH biogas từ Công ty TNHH 1TV Xổ số kiến thiết tỉnh Vĩnh Long với số lượng là 2.298 công trình. Riêng năm 2020, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (thuộc Sở Nông nghiệp- PTNT) đã thực hiện 700 công trình. Công trình KSH hỗ trợ lần này bằng chất liệu composite có định mức hỗ trợ 5 triệu đồng/công trình/hộ, tổng vốn hỗ trợ tương đương 11,490 tỷ đồng.

Các hộ tham gia công trình đa số là quy mô chăn nuôi với quy mô nhỏ lẻ, điều kiện vệ sinh thấp, chất thải chăn nuôi được thải trực tiếp ra môi trường.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, từ khi tham gia chương trình KSH, chất thải chăn nuôi được xử lý, chuồng trại được vệ sinh sạch sẽ, phân gia súc sau khi xử lý qua hầm biogas đưa ra ao lắng trước khi ra bên ngoài, môi trường được cải thiện đáng kể, giúp người dân tăng thu nhập giá trị kinh tế mà lượng KSH đem lại phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Qua đó góp phần chủ động phòng, chống một số bệnh truyền nhiễm trên đàn vật nuôi, con người do ảnh hưởng của chất thải trong chăn nuôi gây ra, tạo môi trường chăn nuôi an toàn, phát triển bền vững.

Bài, ảnh: TRUNG CHÁNH