Thị trường rộng mở nhưng yêu cầu khắt khe

Cập nhật, 05:10, Thứ Sáu, 02/10/2020 (GMT+7)

Đó là tình cảnh của trái cây cả nước và ĐBSCL nói riêng. Hiện nhiều quốc gia trên thế giới như: Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc... đã có quy định bắt buộc trái cây tươi từ các nước khác muốn xuất khẩu vào nước họ phải được cấp mã code vùng trồng và cơ sở đóng gói. 

Đặc biệt, một số thị trường xuất khẩu trái cây vốn được xem là “dễ tính” như Trung Quốc nay cũng đã đặt ra yêu cầu trên.

Mục tiêu của việc cấp mã code là nhằm đảm bảo truy xuất được nguồn gốc. Tuy nhiên, mã số vùng trồng được cấp không phải là vô thời hạn mà theo định kỳ, cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành giám sát để đảm bảo vùng trồng đó vẫn đang được quản lý tốt, đáp ứng yêu cầu đặt ra. Trường hợp không đạt mã số sẽ bị thu hồi.

Theo đó, đối với thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn cao như: EU, Mỹ, New Zealand, Hàn Quốc... các quy định về vùng trồng, cơ sở đóng gói được thể hiện trong các bản điều kiện nhập khẩu đối với từng loại nông sản cụ thể.

Riêng thị trường Trung Quốc yêu cầu trái cây xuất khẩu chính ngạch sang họ phải xuất phát từ vùng trồng, cơ sở đóng gói được Bộ Nông nghiệp- PTNT cấp mã số và Tổng cục Hải quan Trung Quốc chấp thuận.

ÐBSCL có hơn 362.000ha cây ăn trái, chiếm hơn 34% tổng diện tích cây ăn trái cả nước, với khả năng cung cấp cho thị trường trên 4 triệu tấn trái cây các loại phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.

Việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- Liên minh Châu Âu (EVFTA) thông qua có ý nghĩa quan trọng, giúp mở ra những cơ hội lớn về mở rộng thị trường cho xuất khẩu nông sản Việt Nam nói chung, trong đó có xuất khẩu trái cây.

Tuy nhiên, để “đầu xuôi đuôi lọt” nông dân, doanh nghiệp cần chú trọng cải tiến sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, bảo quản, đóng gói, vận chuyển, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của các thị trường xuất khẩu.

N. HOÀNG