Vĩnh Long tạo "hệ sinh thái" cho đầu tư phát triển

Cập nhật, 12:06, Thứ Hai, 28/09/2020 (GMT+7)

Cùng với việc tích cực huy động các nguồn vốn cho đầu tư phát triển kinh tế- xã hội, đặc biệt những năm gần đây, tỉnh Vĩnh Long không ngừng tạo lập “hệ sinh thái”- môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, khuyến khích khởi nghiệp.

Doanh nghiệp được tạo điều kiện thuận lợi phát triển và hội nhập.
Doanh nghiệp được tạo điều kiện thuận lợi phát triển và hội nhập.

Huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển

Cuối tháng 8/2020, Ngân hàng TMCP Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh Vĩnh Long khai trương và đi vào hoạt động Phòng giao dịch Long Hồ (tại Khu công nghiệp Hòa Phú). Đây là điểm giao dịch thứ 75 của các NHTM trên địa bàn nông thôn trong tỉnh và là NHTM thứ 4 có mặt ở Khu công nghiệp Hòa Phú.

Ông Nguyễn Trọng Nghiệp- Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Vĩnh Long- nhấn mạnh: “Hòa Phú là khu vực có nhiều lợi thế và tiềm năng phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ, đồng thời có một lực lượng lớn công nhân có thể mở rộng tín dụng tiêu dùng phục vụ người lao động”.

Đánh giá của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Vĩnh Long, những năm qua, mạng lưới giao dịch của các tổ chức tín dụng phát triển mạnh, đặc biệt có 81/118 điểm giao dịch tại địa bàn nông thôn, chiếm 69%/tổng số điểm giao dịch toàn tỉnh.

Nguồn vốn huy động duy trì tăng trưởng khá và ổn định, nhất là tiền gửi tiết kiệm đã giúp tỉnh chủ động được nguồn vốn để đầu tư phát triển kinh tế- xã hội. Ước đến cuối năm 2020, số dư nguồn vốn huy động đạt 44.337 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016- 2020 đạt 15,47%/năm.

Cũng giai đoạn này, các chính sách tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, cơ cấu lại ngành nông nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ cho các đối tượng chính sách thực hiện chính sách giảm nghèo… đúng theo chỉ đạo. Ước dư nợ cho vay đến cuối năm 2020 đạt 31.368 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 13,69%/năm.

Bên cạnh, mặt bằng lãi suất cho vay từng bước giảm đã hỗ trợ tích cực cho vay vốn sản xuất kinh doanh, đáp ứng tương đối đủ và kịp thời nhu cầu vốn đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn góp phần vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh, thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn, thực hiện công nghiệp hóa- hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn của tỉnh, góp phần hạn chế “tín dụng đen” ở nông thôn.

Theo đánh giá của Sở Kế hoạch- Đầu tư, những năm qua, nhất là kể từ năm 2001 và thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về “tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân”, kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh ngày càng được tạo điều kiện thuận lợi, ngày càng phát triển và đóng góp ngày càng nhiều cho phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Bình quân hàng năm có khoảng 250 doanh nghiệp mới thành lập với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 1.000 tỷ đồng.

Đồng thời với việc tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và khuyến khích khởi nghiệp; Vĩnh Long không ngừng nỗ lực, thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng cường thu hút, huy động nguồn lực này, tạo động lực thúc đẩy, đóng góp quan trọng nhất vào quá trình phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Giai đoạn 2016- 2020, tỉnh đã phát triển 1.683 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký là 12.995 tỷ đồng, 576 chi nhánh và văn phòng đại diện, 1.160 địa điểm kinh doanh. Đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 105 dự án với tổng số vốn đăng ký là 21.389 tỷ đồng; trong đó, có 39 dự án FDI, với tổng mức vốn đăng ký 507,74 triệu USD.

Hệ thống tổ chức tín dụng đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn, thực hiện công nghiệp hóa- hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn của tỉnh.
Hệ thống tổ chức tín dụng đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn, thực hiện công nghiệp hóa- hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn của tỉnh.

Khơi thông những tiềm lực tương lai

Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015- 2020, Vĩnh Long đã đạt được mục tiêu tỉnh khá khu vực ĐBSCL. Để đạt được mục tiêu này, Vĩnh Long đã chủ động, tích cực, phấn đấu cao để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của năm 2020 nói riêng và cả giai đoạn 2016- 2020 nói chung.

Đánh giá ý nghĩa của việc Vĩnh Long quyết tâm trở thành tỉnh khá khu vực ĐBSCL, ông Lữ Quang Ngời- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh- nhận định: “Tôi có thể khẳng định, những thành quả tỉnh đã đạt và đang hướng tới là nỗ lực không mệt mỏi, sự đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động của cả hệ thống chính trị và người dân, cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh trước những khó khăn, thách thức.

Để đánh giá trình độ phát triển là phải xem xét tổng thể, đồng bộ 3 yếu tố: kinh tế, xã hội và môi trường. Do đó, khi Vĩnh Long phấn đấu từ trình độ phát triển trung bình khá lên trình độ khá đồng nghĩa với việc 3 yếu tố trên cũng bước sang một cấp độ mới.

Đó là, kinh tế đang từng bước được hiện đại hóa, hội nhập và tăng trưởng bền vững hơn; đời sống, thu nhập của người dân cải thiện nhiều và khá hơn so với bình quân khu vực; tài nguyên được quản lý, khai thác hợp lý, môi trường sống được đảm bảo”.

Vĩnh Long đã tăng cường hỗ trợ đào tạo, tăng chất lượng nguồn nhân lực.
Vĩnh Long đã tăng cường hỗ trợ đào tạo, tăng chất lượng nguồn nhân lực.

Ông Lữ Quang Ngời cũng cho rằng: “Những nỗ lực trên cho thấy sự phát triển của tỉnh dần mang tính toàn diện, bền vững hơn. Chúng ta đã quy tụ được sự đoàn kết thống nhất của nhân dân trong quá trình phát triển; đã thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ công bằng xã hội và bảo đảm môi trường. Chúng ta không vì tăng trưởng nhanh mà để chênh lệch giàu nghèo quá lớn, không để ai bị bỏ lại phía sau và đặc biệt là không vì phát triển kinh tế mà hy sinh môi trường sống”.

Những nỗ lực, phấn đấu trên đây của tỉnh Vĩnh Long đã được người dân, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá tích cực. Ông Nguyễn Tường Nam- Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Vĩnh Long- nhận xét: “Trong những năm qua, Đảng bộ và chính quyền địa phương đã đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính, tăng cường đối thoại doanh nghiệp và thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế.

Đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI) những năm gần đây cho thấy Vĩnh Long duy trì ở mức cao và trong nhóm điều hành kinh tế rất tốt. Những nỗ lực của chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp địa phương thời gian qua đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận”.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Tường Nam cho rằng, tổng thể quy mô kinh tế của tỉnh nhìn chung và các doanh nghiệp còn khá nhỏ so sánh trong khu vực và cả nước; sức cạnh tranh của doanh nghiệp chưa cao cùng nhiều thách thức với cơ quan chính quyền và cả doanh nghiệp.

Thực tế, quy mô nền kinh tế của tỉnh nhỏ, đa số các doanh nghiệp trong tỉnh có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, năng lực cạnh tranh cải thiện chậm, tinh thần khởi nghiệp của người dân chưa cao; chưa thu hút, triển khai được những dự án lớn, tạo động lực lan tỏa, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Xét về vi mô và yếu tố nội tại, Vĩnh Long khởi đầu thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2016- 2020 trong bối cảnh hết sức khó khăn. Vị trí địa lý thuận lợi nhưng cũng là rào cản lớn cho sự phát triển, mở rộng quy mô kinh tế của tỉnh... 

Đây cũng là những thách thức cần có định hướng, quyết sách để đưa nền kinh tế của tỉnh vượt qua những rào cản, phát huy thế mạnh và khơi thông những tiềm lực trong lương lai.

Đánh giá của Tỉnh ủy trong giai đoạn 2016- 2020 cho thấy, tỉnh đã tích cực huy động các nguồn vốn cho đầu tư phát triển kinh tế- xã hội, cơ cấu nguồn vốn chuyển dịch theo hướng tích cực, vốn ngân sách nhà nước chỉ đầu tư các ngành, lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế, chủ yếu tập trung đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng, khẩn cấp với tổng vốn huy động khoảng 65.614 tỷ đồng.

 

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC