Giảm thuế thu nhập hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó

Cập nhật, 12:32, Thứ Tư, 30/09/2020 (GMT+7)

 

Nghị quyết về giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp “tiếp sức” cho hoạt động doanh nghiệp.
Nghị quyết về giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp “tiếp sức” cho hoạt động doanh nghiệp.

Nghị quyết số 116 của Quốc hội về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) có hiệu lực từ ngày 3/8. Theo đó, 30% thuế TNDN của những DN có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng sẽ được giảm, áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2020.

Giảm thuế TNDN 30%

Trong bối cảnh khó khăn do tác động của COVID-19, nghị quyết hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, tiếp thêm động lực hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều này được cho là đặc biệt có ý nghĩa với các DN trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh.

Theo nghị quyết, các DN nhỏ và vừa, hợp tác xã có doanh thu không quá 200 tỷ đồng/năm sẽ được hưởng ưu đãi này. Giảm thuế TNDN 30% đồng nghĩa với việc DN sẽ không phải đóng số thuế này để dành nguồn lực cho sản xuất, kinh doanh.

Việc giảm thuế TNDN là động thái tiếp theo của Đảng và Nhà nước nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Trước đó, nhiều biện pháp hỗ trợ khác đã được triển khai như: hoãn giãn nộp thuế, hỗ trợ lãi suất ngân hàng…

Theo đại diện Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, 98% DN là nhỏ và vừa, hạn chế về vốn, cần được hỗ trợ. Do ảnh hưởng dịch COVID-19, những DN có lãi năm nay chưa nhiều. Nghị quyết ban hành áp dụng mức xét doanh thu DN lên gấp 4 lần so với dự kiến ban đầu được nhận định là sẽ bao phủ hầu hết DN đang gặp khó.

Tại thời điểm Nghị quyết chính thức có hiệu lực, trước những băn khoăn DN sẽ được giảm thuế theo quy trình như thế nào, đại diện Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho biết: “DN nào có lãi thì cuối mỗi quý I, II năm nay đã tạm nộp thuế TNDN ở mức 20%, nhưng quý III, IV này sẽ tạm nộp ở mức 14%”.

Cũng theo đại diện Hội Tư vấn thuế Việt Nam, với việc giảm thuế nêu trên, số thu ngân sách năm nay sẽ giảm khoảng 23.000 tỷ đồng, tương ứng với đó, DN được tăng trưởng vốn và không phải đi vay để duy trì hoạt động.

Xác định tiêu chí DN

Về tiêu chí xác định DN nhỏ và siêu nhỏ được giảm thuế, Nghị định số 39/2018/NĐ-CP quy định cụ thể việc phân loại DN siêu nhỏ, DN nhỏ được sử dụng đồng thời nhiều tiêu chí (lao động, doanh thu, vốn) và có sự phân biệt theo ngành nghề, lĩnh vực hoạt động.

Tuy nhiên, việc sử dụng tiêu chí vốn kết hợp với tiêu chí lao động và có sự phân biệt theo lĩnh vực, ngành nghề làm cơ sở xác định đối tượng DN được giảm thuế có bất cập khi đặt trong xu thế DN kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực như hiện nay.

Do đó, để đảm bảo đúng mục tiêu, đúng đối tượng cần hỗ trợ, phù hợp với quy định của Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa và thực tế áp dụng chính sách hỗ trợ đối với nhóm DN quy mô nhỏ thời gian qua, Bộ Tài chính đề xuất giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với DN có tổng doanh thu năm 2020 không quá 3 tỷ đồng và có số lao động tham gia BHXH bình quân năm 2020 không quá 10 người (thuộc nhóm DN siêu nhỏ); DN có tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia BHXH bình quân năm 2020 không quá 100 người (thuộc nhóm DN nhỏ).

Theo ước tính, DN nhỏ và siêu nhỏ chiếm tới hơn 93% tổng số DN tại Việt Nam và các DN này có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế cũng như ổn định xã hội. Ngoài ra, các DN càng có quy mô nhỏ thì càng dễ bị tổn thương trước những biến động của nền kinh tế, môi trường kinh doanh, trước sự cạnh tranh khi hội nhập kinh tế quốc tế.

Phòng Tuyên truyền- Hỗ trợ người nộp thuế (Cục Thuế tỉnh) cho biết:

Theo Nghị quyết số 116, từ ngày 3/8/2020 nhiều đối tượng sẽ được giảm tới 30% TNDN phải nộp năm 2020. Nghị quyết này áp dụng đối với người nộp thuế TNDN là tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật Thuế TNDN.

Theo Nghị quyết, việc giảm thuế TNDN chỉ áp dụng cho thu nhập phát sinh trong năm 2020 của các DN có tổng doanh thu năm không quá 200 tỷ đồng. Đây được xem là đối tượng dễ bị tổn thương trước tác động tiêu cực của nền kinh tế cần được hỗ trợ theo đúng quy định của Nghị quyết. Trong trường hợp DN mới thành lập trong năm 2020 (kỳ tính thuế năm 2020 không đủ 12 tháng) thì cần quy định phân bổ doanh thu theo thời gian thực tế DN hoạt động trong năm 2020.

Khi quyết toán thuế TNDN, trường hợp số thuế tạm tính giảm của các quý cao hơn số thực tế được giảm, thì DN phải kê khai nộp bổ sung số tiền thuế còn thiếu và tiền chậm nộp theo quy định. Trường hợp số thuế tạm tính giảm của các quý thấp hơn số thực tế được giảm, thì cơ quan thuế xử lý số tiền thuế nộp thừa theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC