Blog thị trường

Tín hiệu vui từ lúa gạo

Cập nhật, 14:41, Thứ Sáu, 28/08/2020 (GMT+7)

Giá lúa tươi tại ĐBSCL tiếp tục tăng do nhu cầu thu mua phục vụ xuất khẩu. Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, giá gạo Việt Nam dẫn đầu trong nhóm nước xuất khẩu gạo như: Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan và Myanmar.

Theo đó, giá gạo 5% tấm của Việt Nam hiện khoảng 493 USD/tấn, trong khi đó giá gạo cùng loại của Thái Lan khoảng 473 USD/tấn; gạo 25% tấm của Việt Nam 468 USD/tấn thì gạo 25% tấm của Thái Lan 452 USD/tấn.

Trong 7 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu ước đạt gần 4 triệu tấn, mang về giá trị 2 tỷ USD, tăng 11% về giá trị và giảm 1,5% về khối lượng so với cùng kỳ 2019. Hiện Philippines vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm 37% thị phần. Đáng chú ý, giá gạo xuất khẩu Việt Nam trong 7 tháng đầu năm đã vượt qua Thái Lan.

Giá gạo xuất khẩu tăng cao kéo theo giá lúa thu mua tăng, khiến nông dân phấn khởi. Tại nhiều tỉnh- thành vùng ĐBSCL, đến thời điểm này đã thu hoạch cơ bản xong vụ lúa Hè Thu, với giá lúa được duy trì ổn định mức cao. Lúa tươi IR 50404 ở mức 5.800 đ/kg; lúa Jasmine 6.000 đ/kg; OM 957 và OM 9582 khoảng 5.850 đ/kg…

Theo các chuyên gia, có nhiều yếu tố dẫn tới giá trị gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng cao như: gạo Việt Nam ngày càng đạt chất lượng cao, logistics được cải thiện, đồng thời dịch COVID-19 bùng phát lại nên nhiều nước tăng sản lượng nhập khẩu. Mặt khác, một phần nhờ hiệu ứng tích cực từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA). Một khi đã xuất được vào EU với thương hiệu riêng thì tên tuổi gạo Việt Nam sẽ được thế giới chú ý. Thêm nữa, phải khẳng định là Việt Nam có rất nhiều chủng loại gạo thơm được công nhận ngon nhất thế giới như: ST24, ST25... đủ sức cạnh tranh với các loại gạo thơm từ Thái Lan, Ấn Độ.

Đây thật sự là những tín hiệu vui, tạo cú hích giúp gạo Việt Nam tạo lợi thế cạnh tranh không chỉ tại thị trường EU, mà còn nhiều thị trường khác nữa.

NGUYỄN HOÀNG