Làm nông ở phố: nâng giá trị trên đơn vị diện tích

Cập nhật, 10:43, Thứ Tư, 01/04/2020 (GMT+7)

Tận dụng những thuận lợi và “chinh phục” khó khăn, nhiều nhà nông ở phố đang tìm cách để khai thác “diện tích nhỏ nhưng hiệu quả cao” nhằm tăng giá trị trên đơn vị diện tích.

Theo Phòng Kinh tế TP Vĩnh Long, thời gian qua, được sự quan tâm của Nhà nước, các ngành, các cấp; hệ thống đê bao, thủy lợi nội đồng khép kín tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hóa nhanh, giá đất địa bàn thành phố liên tục biến động theo xu hướng tăng, đất nông nghiệp vốn đã ít và nhỏ lẻ lại càng bị thu hẹp, diện tích sản xuất nông nghiệp ngày càng giảm kéo theo tỷ lệ lao động nông nghiệp chuyển dần sang lao động phổ thông và dịch vụ.

Trong khi đó, thời tiết bất thường, thiên tai, dịch bệnh… ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của thành phố.

Khu vườn công nghệ cao mát mắt, cho hiệu quả kinh tế cao của anh Huỳnh Phú Lộc ở Phường 5.
Khu vườn công nghệ cao mát mắt, cho hiệu quả kinh tế cao của anh Huỳnh Phú Lộc ở Phường 5.

Tận dụng những thuận lợi và “chinh phục” khó khăn, nhiều nhà nông ở phố dốc sức tăng giá trị trên đơn vị diện tích. Từ 1- 2 công vườn trồng cây ăn trái chuyển đổi sang trồng các loại mai chiếu thủy, kim quýt,...

Sau hơn 20 năm, vườn nhà anh Đỗ Mạnh Cường (phường Tân Hòa) đã mở rộng thành 2ha trồng nguyệt quế, mai vàng, vạn niên tùng,… “Giá bán từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng/gốc tùy vào kỹ thuật chăm sóc, tạo dáng… giúp cải thiện kinh tế gia đình so trước đây”- anh Cường vui vẻ nói.

Cũng “trải nghiệm” chăn nuôi, trồng trọt nhiều năm nhưng hiệu quả kinh tế không cao, năm 2012, anh Võ Văn Trang (phường Trường An) chuyển sang trồng hoa.

Từ 500 cây hoa ban đầu, nhận thấy trồng hoa chỉ tốn diện tích nhỏ nhưng hiệu quả cao nên anh mở rộng dần thành 4 công. Hoa được trồng “rải vụ” nên nhổ đều đặn hàng ngày để bán lẻ và giao sỉ ở các chợ trong tỉnh và Đồng Tháp, Tiền Giang...

Bên cạnh trồng hoa, hộ anh Trang còn 6 công vườn trồng ổi nữ hoàng và nhãn Ido... Sau khi trừ chi phí, anh thu lợi nhuận khoảng trên 300 triệu đồng/năm.

Anh Trang cho hay, anh luôn quan tâm tìm hiểu kỹ thuật trồng sao cho năng suất tăng nhưng giảm chi phí và công chăm sóc.

Đồng thời, tìm tòi áp dụng các cách làm nông nghiệp hiệu quả để tăng lợi nhuận trên khuôn viên vườn hiện có, trong đó có trồng rau an toàn trong lưới.

Cũng ở phường Trường An, anh Trương Bảo Quốc có gần 20 năm tìm hiểu và gắn bó với cây cam sành. Từ lúc còn khó khăn, được người thân giúp vốn “mua vỏ lãi rong ruổi các tỉnh vùng ĐBSCL mua xoài lá xử lý ra trái bán kiếm lời”, đến nay, anh Quốc có 19 công vườn trồng cam sành, xoài Đài Loan và gần đây trồng thêm chanh.

Anh Quốc cho hay, mấy năm nay anh không mở rộng diện tích vườn nhưng tăng năng suất vườn cây hiện có, trồng thêm cây mới để “sinh thêm lời”.

Vườn cây cho thu hoạch hàng chục tấn trái/năm nên nếu giá cả thuận lợi thì trừ chi phí, cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/năm.

Anh Quốc đúc kết: “Ngay cả khi chọn được cây trồng vật nuôi phù hợp thổ nhưỡng, có giá trị kinh tế cao thì vẫn cần nắm vững kỹ thuật, đặc tính... để hạn chế rủi ro và tìm hiểu thêm giống cây mới để khi cần thì chuyển đổi sang dễ dàng”.

Không chỉ chú trọng nâng cao năng suất, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, không ít nông dân ở phố còn tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật, bắt nhịp- đón đầu xu hướng làm nông mới.

Giữa lúc nhiều nhà vườn đang lao đao vì giá cả nhiều nông sản xuống thấp do ảnh hưởng của dịch COVID- 19 thì anh Huỳnh Phú Lộc (Phường 5- TP Vĩnh Long) cho hay, “vườn dưa lưới còn 15 ngày nữa thu hoạch, giá cả và tiêu thụ ít bị ảnh hưởng bởi dịch”.

Khu vườn công nghệ cao có diện tích 2.000m2 của anh Lộc dựng lên ven sông Cổ Chiên từ cuối năm 2017. Chỉ cần thông qua một chiếc điện thoại thông minh có kết nối mạng Internet, các thiết bị cảm ứng và phần mềm điều khiển từ xa, anh Lộc có thể biết được tình hình để kích hoạt hệ thống tưới, bón phân, chăm sóc khu vườn.

Khởi đầu, anh Lộc trồng xà lách nhưng xà lách dễ bị hư, giập khi vận chuyển. Vì vậy, anh nghiên cứu kỹ thuật chuyển sang trồng cà chua và một số loại rau, rồi tiếp tục thử nghiệm trồng thêm dưa lưới.

Các sản phẩm chủ yếu như cà chua Hà Lan, cà chua đen Nga, dưa lưới Úc... được các siêu thị, chuỗi cửa hàng sạch ở ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh thu mua với giá cả ổn định, cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/năm.

Anh Lộc cho hay, anh vừa hoàn thành thêm một khu vườn ở tỉnh An Giang và chuẩn bị làm thêm một vườn nữa ở huyện Long Hồ. “Tôi luôn học hỏi kỹ thuật, tạo mối quan hệ tốt với nông dân và các công ty giống, từ đó có thể học các kiến thức, kỹ thuật mới, giúp sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn”- anh Lộc nói.

Theo Phòng Kinh tế TP Vĩnh Long, giá trị sản phẩm trồng trọt trên 1 đơn vị diện tích đất canh tác năm 2019 đạt 136,98 triệu đồng, tăng 2,45% so năm 2018. Những năm qua các mô hình có hiệu quả như: trồng lan cắt cành; cúc đồng tiền; rau các loại, dưa lưới, cà chua bi trong nhà lưới, nhà màng; sản xuất nấm ăn; trồng rau thủy canh… Trong đó, các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã cho hiệu quả bước đầu, mở ra hướng đi mới cho phát triển nông nghiệp đô thị.

Năm 2020, phấn đấu giá trị sản phẩm trồng trọt trên một đơn vị diện tích đất canh tác tăng 5% so với năm 2019.

 

Bài, ảnh: SÔNG HẬU