Hạ lãi suất, cơ cấu thời hạn trả nợ...

Cập nhật, 07:22, Thứ Năm, 16/04/2020 (GMT+7)

 

Ngoài chống dịch, cần dành nhiều sự quan tâm đến việc ổn định đời sống người dân, đảm bảo an ninh trật tự. Ảnh minh họa
Ngoài chống dịch, cần dành nhiều sự quan tâm đến việc ổn định đời sống người dân, đảm bảo an ninh trật tự. Ảnh minh họa

Gia hạn nợ, giảm lãi suất cho vay... là những giải pháp cấp bách để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và người dân bị ảnh hưởng dịch COVID-19 có thể tồn tại và vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Khả năng cầm cự nhiều DN đã tới thời hạn

Theo Bộ Kế hoạch- Đầu tư, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa, hợp tác xã và các hộ kinh doanh trong nhiều lĩnh vực.

Số lượng DN thành lập mới quý I/2020 giảm 1,6% so cùng kỳ, thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây; DN rút lui khỏi thị trường tăng hơn 55%, đăng ký ngừng kinh doanh có thời hạn tăng 78,6%. Và trong đầu tuần tháng 4 này, số DN tạm dừng kinh doanh có thời hạn tăng 95% so cùng kỳ 2019 và dự báo số lượng sẽ còn tăng nghiêm trọng hơn do khả năng cầm cự nhiều DN đã tới thời hạn, đặc biệt với DN nhỏ và vừa.

Trong khi doanh thu bị giảm nặng nề, nhiều DN- nhất là DN sử dụng nhiều lao động- vẫn gánh chịu các khoản chi phí lớn. Theo kết quả khảo sát về tình hình DN bị tác động, phần lớn các DN được khảo sát đều ước tính doanh thu giảm mạnh từ 40- 50% so năm 2019 do ảnh hưởng giảm mạnh cả về đầu vào và đầu ra, dẫn đến dự kiến cắt giảm lao động trong năm.

Tình trạng DN có nguy cơ đóng cửa, giải thể, phá sản rất cao. Thực tế có nhiều nhà hàng, khách sạn, DN phải rao bán. Và nếu tiếp tục kéo dài, việc mua bán sáp nhập DN diễn ra mạnh mẽ hơn, nguy cơ các DN tiềm năng của Việt Nam sẽ bị thâu tóm bởi các nhà đầu tư nước ngoài giá rẻ.

Dịch bệnh cũng ảnh hưởng tới thu hút đầu tư, nhất là đầu tư FDI. Từ những tác động nêu trên, Bộ Kế hoạch- Đầu tư nhận định: “Năm 2020 sẽ là năm khó khăn đối với kinh tế Việt Nam”. Các tổ chức quốc tế đều đánh giá Việt Nam không đạt mục tiêu tăng trưởng 6,8% đề ra.

Khó khăn rải đều các địa phương. Tại Vĩnh Long, trong tháng 3- theo Cục Thống kê- chỉ có 29 doanh nghiệp (DN) thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 682,24 tỷ đồng và có 6 DN tạm ngừng hoạt động và 7 DN hoàn tất thủ tục giải thể tự nguyện.

Còn trong cả quý I cũng ghi nhận 62 DN gặp khó khăn tìm kiếm thị trường, sản xuất kinh doanh không hiệu quả nên buộc phải tạm ngừng hoạt động; trong đó, nhiều nhất là loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên tư nhân.

Đồng hành cùng DN

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, cho biết đã chủ động đưa ra đề xuất và các giải pháp nhằm gỡ khó khăn, hỗ trợ cho DN. Đơn cử như gói hỗ trợ về giá điện, đã được chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ đề xuất phương án giảm giá điện cho các đối tượng khách hàng sử dụng điện trong vòng 3 tháng (từ 1/4- 1/7/2020). Ước tính số tiền được giảm này lên tới gần 11.000 tỷ đồng.

Trong giai đoạn khó khăn về nguyên liệu, thị trường và suy giảm đơn hàng, ngoài tháo gỡ khó khăn cho DN- theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh- với các thị trường đang ổn định thì tiếp tục khai thác và phát huy, các thị trường vẫn đang duy trì thì hỗ trợ tối đa cho các DN, đặc biệt các DN trong lĩnh vực công nghiệp cơ bản và những ngành phụ trợ, đảm bảo không chỉ về doanh thu trong sản xuất mà còn giữ thị phần tại những thị trường này.

“Những ngày tới tôi sẽ cùng Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam lên biên giới để khảo sát các vấn đề cụ thể, đồng thời điện đàm với Bộ trưởng cũng như Tổng cục trưởng Cục Hải quan Trung Quốc để khơi thông xuất khẩu, đưa ra các giải pháp hữu hiệu cho các hoạt động thuận lợi hóa thương mại”- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Lê Minh Hưng cho biết, đảm bảo đủ vốn vay, khi toàn ngành ngân hàng đã và đang triển khai quyết liệt, mạnh mẽ và có hiệu quả các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ DN và người vay vốn bị thiệt hại bởi dịch bệnh.

“Trong bất cứ tình huống nào, NHNN cũng sẽ điều hành hoạt động ngân hàng để đảm bảo cung ứng đầy đủ vốn cho nền kinh tế, kể cả trong giai đoạn phòng chống dịch cũng như phục hồi sau dịch với mức lãi suất cho vay thấp hơn”- Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng khẳng định.

Ngành ngân hàng cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó khăn.
Ngành ngân hàng cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó khăn.

Từ tháng 3/2020, NHNN đã điều chỉnh giảm các lãi suất điều hành ở mức giảm khá mạnh từ 0,5- 1% các mức lãi suất điều hành; chủ động thực hiện một số biện pháp hỗ trợ DN và người dân, đặc biệt là ban hành Thông tư 01 ngày 13/3/2020 tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, kể cả khoản gốc và lãi đối với khoản vay đến hạn trả nợ trong thời gian từ ngày 23/1/2020 là ngày Thủ tướng Chính phủ tuyên bố dịch cho đến sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng công bố hết dịch mà không bị chuyển nợ quá hạn không phải trả gốc, lãi trong giai đoạn này và vẫn tiếp tục được vay mới.

Kết quả triển khai cho đến nay, đối với các tổ chức tín dụng, tổng số tiền cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và miễn giảm lãi cho vay mới khoảng trên 300.000 tỷ đồng. Trong đó cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là khoảng 18.000 tỷ, miễn giảm lãi và điều chỉnh lãi suất là khoảng 126.500 tỷ và cho vay mới với doanh số cho vay là khoảng xấp xỉ 180.000 tỷ đồng.

“Toàn bộ hệ thống các tổ chức tín dụng cũng như NHNN sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp mạnh mẽ hơn trong thời gian tới để đồng hành, hỗ trợ cùng nền kinh tế như chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ”- Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng nhấn mạnh.

NHNN sẽ chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với trên 40.000 khách hàng với dư nợ tín dụng khoảng 1.400 tỷ. Cho vay mới với hơn 275.000 khách hàng, doanh số cho vay là khoảng 12.000 tỷ.

Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG