Doanh nghiệp giữ ổn định sản xuất, ngân hàng hoạt động thông suốt

Cập nhật, 07:31, Thứ Ba, 07/04/2020 (GMT+7)

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, một số doanh nghiệp (DN) sản xuất cho biết vẫn giữ vững ổn định sản xuất đồng thời tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng chống dịch. Trong khi đó, hệ thống các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đảm bảo hoạt động thông suốt tại các điểm giao dịch và các máy ATM.

Hệ thống ngân hàng đảm bảo hoạt động kinh doanh liên tục, không để gián đoạn trong mọi tình huống.Ảnh minh họa
Hệ thống ngân hàng đảm bảo hoạt động kinh doanh liên tục, không để gián đoạn trong mọi tình huống.Ảnh minh họa

Sản xuất ổn định, an toàn cho người lao động

Công ty TNHH Sản xuất- Thương mại Phước Thành IV đã được Bộ Công thương cấp phép xuất khẩu gạo trực tiếp từ năm 2019.

Đây là điều kiện giúp DN mở rộng thị trường phân phối tại Philippines và DN đang tiếp tục phát triển tại các thị trường Hong Kong, Đài Loan. Tuy nhiên, từ cuối tháng 3/2020, hoạt động xuất khẩu của DN gặp khó vì đề xuất tạm dừng xuất khẩu gạo của Bộ Công thương.

“Hiện chúng tôi đang còn vướng 1 lô hàng đóng ngoài cảng chưa xuất đi được khiến đội thêm các chi phí như lưu container, lãi suất ngân hàng… Trong khi hợp đồng xuất khẩu đã ký với đối tác đến tháng 4, nên DN xuất khẩu gạo khá khó khăn”- ông Nguyễn Văn Thành- Giám đốc Công ty Phước Thành IV cho biết.

Ông cho rằng, Bộ Công thương yêu cầu giãn tiến độ hợp đồng xuất khẩu trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến căng thẳng, hạn mặn xảy ra và nhu cầu lương thực thế giới tăng cao.

“Chúng tôi cho rằng việc rà soát số lượng gạo tồn kho và ưu tiên đảm bảo an ninh lương thực trong nước là cần thiết. Hơn nữa, việc kiểm tra số lượng gạo cụ thể để cân đối bao nhiêu cho an ninh lương thực, bao nhiêu dành cho xuất khẩu… để cần có giải pháp phù hợp tháo gỡ cho DN xuất khẩu”- ông Nguyễn Văn Thành nói.

Thời gian này, Công ty Phước Thành IV chú trọng sản xuất cung ứng đầy đủ lượng gạo đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước.

“Các cửa hàng chính thức và các đại lý phân phối khắp cả nước của Phước Thành IV luôn cung cấp đầy đủ mặt hàng gạo. Bà con đừng lo thiếu gạo, đừng mua dự trữ quá nhiều, vì gạo để lâu không đảm bảo chất lượng. Phước Thành IV luôn có 8.000- 10.000 tấn gạo trong kho sẵn sàng can thiệp bình ổn giá thị trường khi cần”- Giám đốc Công ty Phước Thành IV bảo vậy.

Số liệu của Sở Công thương cũng cho thấy trên địa bàn tỉnh sản lượng lúa Đông Xuân quy ra khoảng 150.000 tấn gạo, lượng gạo tồn kho của các công ty khác trên địa bàn tỉnh khá lớn.

Trong khi đó, một số DN sản xuất thực phẩm trên địa bàn tỉnh cũng đang giữ ổn định sản xuất phục vụ thị trường, chú trọng an toàn cho người lao động.

Ông Nguyễn Tường Nam- Giám đốc DNTN Chế biến Thực phẩm và Thương mại Hồng Hương- cho biết mặc dù tiêu thụ có giảm chút ít nhưng DN vẫn duy trì sản xuất mặt hàng thiết yếu nước mắm, nước tương... Theo ông: “Hiện nay, DN chỉ không tiếp thị phát triển thị trường, còn các mặt hàng nước chấm vẫn giao đại lý, cửa hàng bình thường. Các nơi đặt hàng thì mình vẫn giao”.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tác động của tình hình dịch COVID-19, “sau khối dịch vụ thì hiện nay bên sản xuất cũng bắt đầu ảnh hưởng”, ông Nam nhận định: “Hiện các chính sách về thuế, bảo hiểm, giảm chi phí cho DN khi áp dụng cho hệ thống thì DN cũng dễ được thụ hưởng. Quan trọng trong điều hành kinh tế là kiềm chế tối đa lạm phát. Chắc sẽ có một số mặt hàng phải kiềm giá hoặc giảm giá”.

Hệ thống NH bảo đảm hoạt động liên tục, thông suốt

Theo ông Thi Thanh Bình- Giám đốc NH Phương Đông (OCB) chi nhánh Vĩnh Long, thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, OCB Vĩnh Long đã bố trí cán bộ, nhân viên làm việc tại điểm giao dịch và tại nhà tỷ lệ 50/50 nhằm tăng cường phòng chống, ngăn ngừa lây lan dịch COVID-19.

Cùng với quy định nhân viên, khách hàng phải đeo khẩu trang, bố trí điểm rửa tay sát trùng, đo thân nhiệt tại điểm giao dịch, vệ sinh thường xuyên nơi làm việc; NH cũng tạo điều kiện lắp đặt mạng, thiết bị cho nhân viên làm việc tại nhà hiệu quả, hạn chế ra ngoài tiếp xúc khi không thật cần thiết.

Cũng theo ông Thi Thanh Bình, bên cạnh thực hiện nghiêm chỉ đạo của NHNN, OCB Vĩnh Long đang triển khai dịch vụ “Trực tuyến hơn trực tiếp”- OCBOMNI, việc thanh toán hóa đơn điện, cáp, Internet, nạp điện thoại, chuyển tiền, tiết kiệm… khách hàng đều có thể giao dịch ở nhà.

NHNN chi nhánh Vĩnh Long cho biết để triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách của ngành NH nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch COVID-19, NHNN đã chỉ đạo các biện pháp đảm bảo hệ thống NH hoạt động thông suốt tại các điểm giao dịch và các máy ATM.

Theo NHNN, dịch vụ NH là lĩnh vực thiết yếu cần phải duy trì hoạt động nhằm phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trên cơ sở đó, NHNN chỉ đạo toàn hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai nghiêm túc, quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phòng chống dịch như đảm bảo an toàn hoạt động tại nơi giao dịch; các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

NHNN cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng xây dựng các kịch bản kinh doanh chi tiết nhằm mục tiêu đảm bảo hoạt động kinh doanh liên tục, không để gián đoạn trong mọi tình huống.

Tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp mở rộng tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là cho vay để duy trì và khôi phục các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch. Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt...

Như vậy, hệ thống NH vẫn đảm bảo mọi hoạt động thông suốt tại các điểm giao dịch và các máy ATM. Trong trường hợp xấu nhất phải cách ly theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, các tổ chức tín dụng sẽ có kịch bản hướng dẫn khách hàng đến địa điểm gần nhất để giao dịch, đồng thời khách hàng có thể giao dịch trực tuyến, giao dịch qua các ATM.

Theo ông Nguyễn Văn Thành, hiện nay thị trường tiêu thụ trong nước ổn định, việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa vẫn rất tốt. DN gặp vài trục trặc nhỏ khi một số bạn hàng hiểu chưa đúng về cách ly xã hội nên từ chối nhận hàng, nhưng khi hiểu rồi thì mọi giao dịch đã trở nên bình thường. Nên theo ông, cần hiểu đúng chủ trương cách ly (giãn cách) xã hội đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh chỉ đạo.

Đó là: cách ly xã hội là một tình huống pháp lý không trái pháp luật để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Cách ly xã hội mang ý nghĩa là giữ khoảng cách trong xã hội để đối phó với tình huống nguy hiểm, bùng phát dịch bệnh, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng, không phải là ngăn cấm giao thông, không phải “ngăn sông cấm chợ”, chưa phải phong tỏa xã hội.

“Điều quan trọng là đảm bảo an toàn cho người lao động”- Thủ tướng nêu rõ. Không phải ngăn cấm giao thông, không phải hạn chế sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cần thiết, không phải là dừng các công trình xây dựng mà quan trọng là bảo đảm an toàn cho công nhân, người lao động.

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC