Chuyển đổi để nâng cao hiệu quả sản xuất

Cập nhật, 06:50, Thứ Ba, 28/04/2020 (GMT+7)

Cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cây trồng trên đất lúa hay tích tụ ruộng đất từ việc đi thuê để sản xuất lớn hơn. Những thay đổi từ trong tư duy sản xuất hứa hẹn nâng cao kinh tế nông hộ.

Người dân cải tạo vườn tạp, nạo vét mương liếp để trồng cây ăn trái.
Người dân cải tạo vườn tạp, nạo vét mương liếp để trồng cây ăn trái.

Cải tạo vườn tạp

Đầu tháng 5 này, chị Lê Thị Thủy (xã Trung Hiệp- Vũng Liêm) sẽ nhập cây giống kiểng phong thủy để thử nghiệm mô hình mới. Theo đó, loại cây kiểng này được chị trồng theo hình thức gia công từ nhà cung cấp và được bao tiêu sản phẩm hẳn hoi.

Đang loay hoay chuẩn bị làm nhà lưới che mát, hệ thống tưới, khung giàn tại khu vực trồng cây, chị Thủy cho biết đã đầu tư hơn 100 triệu đồng và hiện tại có thể bắt tay vào sản xuất.

Theo chị Thủy, mô hình làm ăn mới này được “chuyển giao” từ người quen là đầu mối cung cấp cây giống, tư vấn kỹ thuật và thu mua thành phẩm. Mỗi chậu cây giống ban đầu được mua vào giá 30.000đ, đây cũng là giá thành phẩm được đầu mối bao tiêu.

Tuy nhiên, từ những chậu cây giống này có thể chiết ra nhiều cây con để nhân giống. Bước đầu thực hiện mô hình, chị Thủy dự tính mua khoảng 3.000 chậu để chiết ra trồng lâu dài.

Khu vực trồng cây khoảng 200m2, với diện tích này sau khi đã hoàn thiện, chị Thủy nhẩm tính có khả năng trồng khoảng 5.000 chậu cây giống.

Thời gian chăm sóc từ cây giống đến lúc đạt kích cỡ để bán được là khoảng 8 tháng. Sau đó có thể bán đều đặn mỗi tháng khi chiết giống vì có nhiều cỡ cây khác nhau.

Chị Thủy cho biết thêm, phần đất vườn nhà cập tuyến đường liên xã thuận tiện giao thông nhưng trước đây nơi này chủ yếu là cây tạp, chỉ có một số loại cây trái được trồng theo kiểu để ăn trong nhà nên hầu như không mang lại thu nhập gì.

Được tư vấn trồng loại cây trồng mới có đầu ra, chị Thủy quyết định cải tạo lại vườn, thử nghiệm mô hình mới để nâng cao hiệu quả kinh tế gia đình.

Cây kiểng phong thủy tuy không cần tưới nhiều nước nhưng phải đảm bảo đủ nước liên tục trong tất cả các giai đoạn phát triển. Khu vực trồng cây của chị Thủy nằm cách hệ thống kinh, rạch để lấy nước tưới khoảng 100m nên chị cũng đã lắp máy bơm để dẫn nước.

Trong khi đó hệ thống thủy lợi khu vực này vẫn đang phục vụ chủ yếu cho việc sản xuất lúa nên nhu cầu nước tưới sẽ khác nhau trong từng thời điểm.

Để phòng tình huống thiếu nước, chị Thủy cũng đã kết nối hệ thống tưới với ao dự trữ nước tự nhiên trong vườn nhà để đảm bảo nguồn nước tưới, nhất là các tháng mùa khô hoặc khi kinh thủy lợi xiết nước để làm lúa.

Chuyển đổi trên đất lúa đi thuê

Do gia cảnh đơn chiếc, từ khi thu hoạch xong lúa Đông Xuân vừa rồi, bà Tạ Thị Sáu (xã Trung Hiệp- Vũng Liêm) quyết định cho thuê 2,5 công đất vì nhiều năm canh tác không hiệu quả. Người thuê đất là ông Lê Văn Thiện (ngụ cùng địa phương) với giá 5 triệu đồng/công/năm.

Ông Thiện cho biết, hiện ông đã đưa máy cuốc vào để đào rãnh, lên liếp để chuẩn bị xuống giống cây kèn hồng. Đây là loại cây kiểng công trình thân gỗ, trổ hoa màu hồng sặc sỡ, được trồng nhiều tại các tuyến đường giao thông ở các đô thị trong cả nước.

Thời gian trồng cây kèn hồng từ cây giống đến khi đạt kích cỡ thương phẩm là khoảng 2 năm, giá được nhà cung cấp giống và bao tiêu sản phẩm lên đến 1 triệu đồng mỗi cây.

Hiện giá cây giống kèn hồng là 8.000 đ/cây. Mật độ trồng khoảng 700 cây cho 1.000m2. Ông Thiện cũng dự tính trồng xen cây tắc vào khu vực trồng kèn hồng để lấy ngắn nuôi dài. Do khu vực chuyển đổi sản xuất của ông Thiện nằm kề những ruộng lúa nên ông cũng khá băn khoăn về nguồn nước tưới.

Trước mắt, nước sẽ được dự trữ trong hệ thống mương liếp đã đào, ông Thiện cũng đang tính đến phương án trữ nước trong túi nhựa dung tích lớn để chủ động nguồn nước, bên cạnh đầu tư hệ thống tưới phun để sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả, không để xảy ra xung đột nhu cầu nguồn nước tưới đối với sản xuất lúa.

Vài năm trở lại đây, anh Nguyễn Văn Khiêm (xã Trung Hiệp- Vũng Liêm) đã đi thuê diện tích đất lúa đáng kể ở địa phương để trồng nhiều loại cây ăn trái hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo anh Khiêm, sau thời gian chuyển sang trồng cây ăn trái trên ruộng nhà, anh quyết định thuê đất để mở rộng diện tích vườn cây ăn trái khi thấy nhiều hộ dân lân cận không có ý định làm lúa.

Anh quyết định thuê đất những hộ này và đến nay diện tích gần chục héc ta. Có được diện tích lớn liền ranh, anh Khiêm đã đưa máy móc vào lên liếp trồng một số loại cây ăn trái như cam, bưởi, sầu riêng, mít Thái.

Sau gần 2 năm thuê đất ruộng lên vườn, đến nay một số diện tích vườn cây của anh Khiêm lên xanh và một số diện tích đã bắt đầu cho thu hoạch.

Với kỹ thuật sản xuất được trang bị sau nhiều năm học hỏi, anh Khiêm rất hy vọng sẽ thu lợi cao sau những vụ mùa thu hoạch từ vườn cây ăn trái trong tương lai gần.

Với những thay đổi trong tư duy sản xuất thông qua việc thể nghiệm cách làm mới, điều kiện đảm bảo về kỹ thuật sản xuất, kết nối chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ ngay từ đầu đang mở ra triển vọng nâng cao hiệu quả sản xuất, phát triển kinh tế nông hộ.

Bài, ảnh: THÀNH LONG