Blog thị trường

Lỗ hổng bảo quản, sơ chế...

Cập nhật, 15:13, Thứ Sáu, 17/04/2020 (GMT+7)

Ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều ngày qua chứng kiến cảnh trái cây rớt giá và khó tiêu thụ, mới thấy khâu sơ chế, bảo quản và chế biến trái cây ở nước ta cần thiết và quan trọng.

Về quê, vào những vườn cây ăn trái, nhất là vườn xoài những ngày này tôi tin chắc ai cũng “tiếc hùi hụi” vì thấy cảnh “trái rụng trắng đất”. Trái rụng một phần vì sâu đục trái, nhưng phần lớn là không có thương lái mua- “mà có mua giá cũng rẻ bèo, hái bán lỗ công”. Hỏi thăm một số tỉnh lân cận, giá cũng bèo bọt- xoài Đài Loan bán xô tại vườn chỉ còn ở mức 2.000- 4.000 đ/kg.

Một nhà vườn có 2 công trồng xoài Đài Loan ở Tam Bình, nói: “Cùng kỳ năm trước, tôi bán xoài được giá 12.000 đ/kg, còn hiện giảm chưa được nửa giá nhưng khó tiêu thụ. Tới lứa thu hoạch hơn 1 tuần rồi nhưng chờ mãi không thấy thương lái tới, gọi điện nhưng họ cứ hứa mà chẳng thấy đâu!”

Không chỉ có trái xoài, giá nhiều loại trái cây khác cũng giảm giá mạnh so với cùng kỳ. Giá dưa hấu, cóc, ổi… cùng chung cảnh ngộ, phổ biến chỉ 3.000- 7.000 đ/kg. Hiện giá cam mật được nông dân bán tại vườn chỉ còn mức 5.000 đ/kg, giảm khoảng 50% so các tháng trước và cùng kỳ. Những tháng trước, giá ổi lê bán được tới 8.000 đ/kg thì nay giá chỉ còn 4.000- 5.000 đ/kg nhưng cũng khó kêu bán vì “ít tiểu thương đi mua hoặc có đi mua họ cũng hạn chế số lượng vì sợ tiêu thụ không hết hàng”.

Thực tế cho thấy, nhiều loại trái cây không chỉ gặp khó về đầu ra trong xuất khẩu mà việc tiêu thụ tại thị trường nội địa cũng chậm so với trước.

Việc trái cây ĐBSCL rớt giá là vấn đề không mới vì năm nào cũng có. Ngành chức năng cũng thấy hạn chế này và có những điều chỉnh trong quy hoạch vùng trồng hay thu hút đầu tư vào khâu bảo quản và chế biến, nhưng xem ra còn rất chậm và hạn chế. Bên cạnh, một thực tế là nhiều nông dân còn phát triển trồng cây ăn trái tự phát, chưa gắn sát với nhu cầu thị trường nên rất dễ xảy ra rủi ro về đầu ra.

Đây là những vấn đề ngành chức năng cần quan tâm có giải pháp kịp thời, nhất là việc phát triển các sản phẩm chế biến từ trái cây để nâng cao giá trị sản phẩm, tránh điệp khúc “thừa hàng, dội chợ” khi bước vào các thời điểm trái cây thu hoạch rộ.

NGUYỄN HOÀNG