Nhiều ngân hàng giảm phí, miễn phí khi giao dịch online

Cập nhật, 22:41, Thứ Hai, 17/02/2020 (GMT+7)

Để chung tay giảm rủi ro lây nhiễm dịch bệnh khi giao dịch tiền mặt, nhiều ngân hàng đã đồng loạt giảm phí, miễn phí cho khách hàng khi giao dịch online.

Các chuyên gia y tế nhận định, với thói quen sử dụng tiền mặt lên đến 90% dân số như hiện nay thì tiền giấy hay tiền polymer đều có nguy cơ là nguồn gốc của các tác nhân gây bệnh và là rủi ro đối với sức khỏe cộng đồng. Bởi theo phân tích mới đây của nhóm nghiên cứu thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, trong một gam tiền giấy có tới 210 triệu vi khuẩn hiếu khí và 32.000 vi khuẩn gram âm.

Mặc dù chưa có nghiên cứu chính thức tiền mặt có là mối lo ngại lây lan virus mang dịch bệnh hay không, song, nhiều chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân nên cẩn trọng trong việc sử dụng tiền mặt cũng như tiếp xúc với các đồ vật thông dụng khác.

Nhiều ngân hàng đồng loạt giảm, miễn phí cho người dân khi giao dịch trực tuyến. (Ảnh minh họa: KT)
Nhiều ngân hàng đồng loạt giảm, miễn phí cho người dân khi giao dịch trực tuyến. (Ảnh minh họa: KT)

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh, để hạn chế rủi ro do bị nhiễm dịch khi giao dịch bằng tiền mặt, các ngân hàng đã khuyến khích người dân chuyển qua các hình thức thanh toán khác như: ví điện tử, Mobile Banking. 

Bên cạnh đó, một số ví điện tử như MoMo cũng khuyến cáo khách hàng hạn chế sử dụng tiền mặt, ưu tiên chọn lựa các phương thức, các kênh thanh toán điện tử để hạn chế tối đa các nguy cơ tiếp xúc với mầm bệnh, phòng chống dịch Covid-19.

Trước đó, ngày 13/2, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản về áp dụng chính sách miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt và đẩy mạnh thanh toán điện tử đối với dịch vụ công theo nghị quyết của Chính phủ.

Cụ thể, Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) đã xây dựng chương trình miễn, giảm phí dịch vụ, gồm: Miễn phí chuyển mạch đối với các giao dịch thanh toán trực tuyến các dịch vụ công (dự kiến áp dụng đến hết tháng 12/2020); giảm phí chuyển mạch từ 1.800 đồng/giao dịch xuống còn 500 đồng/giao dịch đối với các giao dịch chuyển tiền nhanh liên ngân hàng có giá trị nhỏ từ 500.000 đồng/giao dịch trở xuống, dự kiến áp dụng từ ngày 25/2.

Việc giảm mạnh tới 70% phí chuyển mạch có thể khiến doanh thu của NAPAS giảm khoảng 15%. Tuy vậy, NAPAS xác định đây là việc làm cần thiết để giảm dần các thanh toán tiếp xúc bằng tiền mặt, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Các ngân hàng như Quân đội (MB), Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng đã khuyến khích khách hàng tăng cường giao dịch trên kênh ngân hàng điện tử với chính sách hoàn 100% phí giao dịch online...

Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) "nổi tiếng" với mức phí cao nay cũng áp dụng giảm phí cho khách hàng. Cụ thể, mức phí hiện tại được áp dụng cho các giao dịch chuyển tiền lần lượt là 2.200 đồng và 7.700 đồng cho mỗi giao dịch chuyển khoản nội bộ và liên ngân hàng. Để góp phần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, các loại phí giao dịch sẽ được điều chỉnh giảm khoảng 70% so với mức phí hiện tại.

Ngoài ra, một số ngân hàng như: Techcombank, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeABank)... cũng có các chính sách miễn phí dịch vụ cho khách hàng./.

Theo Chung Thủy/VOV