Truyền cảm hứng để tạo bứt phá khởi nghiệp

Cập nhật, 06:13, Thứ Năm, 09/05/2019 (GMT+7)

Theo Hội đồng Tư vấn khởi nghiệp tỉnh, đây là năm thứ 3 Vĩnh Long triển khai chương trình khởi nghiệp của tỉnh, nên cần rút kinh nghiệm và tích hợp nhiều giải pháp tốt hơn.

Cần tạo cảm hứng để thu hút các ý tưởng đổi mới, sáng tạo khởi nghiệp và tạo ra môi trường thuận lợi để ý tưởng, dự án đi tới thành công.
Cần tạo cảm hứng để thu hút các ý tưởng đổi mới, sáng tạo khởi nghiệp và tạo ra môi trường thuận lợi để ý tưởng, dự án đi tới thành công.

Chung tay xây môi trường khởi nghiệp

Theo Hội đồng Tư vấn khởi nghiệp, năm 2018, chương trình khởi nghiệp của tỉnh có sự quan tâm, chỉ đạo thực hiện của các cấp ủy đảng, các ngành, địa phương, tỉnh đã ban hành triển khai đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025.

Trong đó, đáng chú ý là tổ chức thành công cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp lần thứ I, phát triển mới 352 doanh nghiệp và 25 hợp tác xã.

Năm 2019, tỉnh tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phát động phong trào, hoạt động khởi nghiệp, đào tạo cập nhật kiến thức, tổ chức cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp, sáng tạo trong kinh doanh, phát huy và nâng cao hệ sinh thái khởi nghiệp; hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, hợp tác xã và người khởi nghiệp.

Vừa qua, tỉnh đã triển khai đề án Thành lập Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp, vốn điều lệ ban đầu 10 tỷ đồng, để hỗ trợ một phần vốn ban đầu (thông qua hình thức cho vay tín chấp hoặc thế chấp) với lãi suất ưu đãi.

Ông Nguyễn Tường Nam- Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh- cho hay, thời gian qua, các hội viên Hội Doanh nhân trẻ tỉnh đã hỗ trợ các doanh nghiệp và các bạn trẻ khởi nghiệp.

Theo đó, hội đã mở cửa hàng bán những sản phẩm đặc trưng địa phương, xây dựng website giới thiệu về các sản phẩm Vĩnh Long, về du lịch, văn hóa và con người Vĩnh Long,… Mục đích là nhằm giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh… của tỉnh đến cộng đồng khởi nghiệp.

“Trên cơ sở am hiểu về quê hương, con người Vĩnh Long, người dân có thể chọn phương thức khởi nghiệp phù hợp”- ông Nguyễn Tường Nam nói.

Cũng theo ông, đối với hoạt động khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo thì không nên chỉ tiếp cận người trong tỉnh mà cần thông qua các chuyên gia, các trung tâm hỗ trợ… để “xúc tiến” những ý tưởng, dự án từ những tỉnh- thành khác bằng cơ chế chính sách hỗ trợ, tinh thần cầu thị thông qua các trung tâm về hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hay các chuyên gia. Không chỉ quan tâm lực lượng thanh niên khởi nghiệp, mà cần mở rộng đối tượng và độ tuổi tham gia…

“Thực tế từ cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp lần thứ I năm 2018 cho thấy, các ý tưởng, dự án còn thiên về các giải pháp kỹ thuật, chưa phải là một dự án kinh doanh hoàn chỉnh.

Tôi cho rằng, ý tưởng khởi nghiệp chỉ chiếm 20%, quyết tâm đeo bám mục tiêu hay không mới dẫn tới thành công. Tỉnh cần có giải pháp hỗ trợ các bạn về các khóa tập huấn kỹ năng, đặc biệt là về tư duy khởi nghiệp”- ông Nam đề xuất.

Cần hiểu rõ về khởi nghiệp

Anh Huỳnh Phú Lộc (phải) chọn mô hình khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao ở Phường 5
Anh Huỳnh Phú Lộc (phải) chọn mô hình khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao ở Phường 5

Điều ông Nguyễn Tường Nam quan tâm là những ý tưởng, dự án khai thác tài nguyên bản địa, nguyên liệu tại địa phương cũng cần được quan tâm hỗ trợ…

Bởi hiện nay làm ra sản phẩm không quá khó nhưng làm sao đưa được những sản phẩm đó ra thị trường, cách thức thương mại nó như thế nào- đó mới là chuyện quan trọng.

Đồng thời, cần truyền cảm hứng tinh thần khởi nghiệp, về tâm huyết của các cấp lãnh đạo, cộng đồng doanh nghiệp đến rộng rãi người dân, giới trẻ.

Ở góc nhìn thực tế, bà Huỳnh Thiên Trang- Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ- cho rằng theo kinh nghiệm của VCCI thì còn một số cán bộ ở một số địa phương vùng ĐBSCL đang thực hiện hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp mà chưa hiểu rõ về khởi nghiệp, trong khi nhiều bạn trẻ chưa phân biệt được khởi nghiệp và lập nghiệp.

Thực tế, trong 3 năm qua, VCCI Cần Thơ tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp cấp vùng thì số lượng các dự án chưa có tính mới chiếm hơn 90%, các dự án có tính mới- khởi nghiệp sáng tạo chưa đầy 10%. Mặt khác, các dự án ở lĩnh vực giải pháp kinh doanh thông thường chiếm tỷ lệ rất cao hơn 50%.

Về phía Vĩnh Long, bà Huỳnh Thiên Trang cho rằng tỉnh vừa có 1 năm hoạt động khởi nghiệp khá sôi nổi. Việc Vĩnh Long thành lập Hội đồng Tư vấn khởi nghiệp để tư vấn, hỗ trợ kịp thời cho chương trình khởi nghiệp của tỉnh là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, đây mới là giai đoạn khuyến khích tinh thần khởi nghiệp là chủ yếu.

Bà Huỳnh Thiên Trang đề xuất, Hội đồng Tư vấn khởi nghiệp tỉnh có thể tập trung phát triển thêm các kênh thông tin mới như website, fanpage… vì đây là những kênh thông tin hiệu quả, nhất là đối với giới trẻ.

Vĩnh Long có thể phối hợp với mạng lưới khởi nghiệp ĐBSCL để cùng hợp tác thực hiện hoạt động khởi nghiệp của tỉnh. Trong đó, có đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ; thành lập CLB khởi nghiệp, tổ hỗ trợ tư vấn khởi nghiệp; hội thảo cấp vùng và hội thảo chuyên sâu về khởi nghiệp.

Ông Trần Hoàng Tựu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh

Các đơn vị phải rà soát lại các nhiệm vụ đang và sẽ hoàn thành để các nhân tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp hình thành, bổ sung cho nhau tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động khởi nghiệp phát triển. Hội đồng Tư vấn khởi nghiệp tỉnh cần có những đề xuất mang tính bứt phá để tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền tạo cảm hứng cho khởi nghiệp, cũng như đảm bảo thực hiện hoàn thành các mục tiêu đã được UBND tỉnh giao theo Chương trình khởi nghiệp giai đoạn 2016- 2020.

Bà Huỳnh Thiên Trang- Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ

Khó khăn, rào cản lớn nhất của các nhóm khởi nghiệp hiện nay là tâm lý sợ rủi ro, không dám chấp nhận thất bại. Chúng tôi đề nghị phải mạnh dạn đưa các chương trình đào tạo về kinh doanh, về khởi nghiệp vào bậc phổ thông, sau đó là các trường trung học, CĐ và ĐH. Cần liên kết để phát triển trong các hoạt động khởi nghiệp, cũng như tạo điều kiện hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp.

Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN