Nên để dành rơm cho đất lúa!

Cập nhật, 05:56, Thứ Năm, 21/03/2019 (GMT+7)

Sau khi thu hoạch lúa- nhất là vào vụ Đông Xuân, nông dân thường cho cuộn rơm lại (trữ hay bán) hoặc đốt rơm trước khi bắt đầu vụ mới. Tuy nhiên, theo phân tích của TS. Dương Minh Viễn- Phó Trưởng Bộ môn Khoa học đất (Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng- Trường ĐH Cần Thơ), nông dân nên ủ rơm lại để dành cho vụ sau.

Với sự tiện lợi của máy móc, người dân nên tận dụng rơm trên đồng.
Với sự tiện lợi của máy móc, người dân nên tận dụng rơm trên đồng.

Nên để dành rơm cho đất lúa!

Mấy năm nay, “cộng đồng trữ rơm” phấn khởi bởi không còn phải vác “rơm thô” tốn nhiều công lao động, dễ hao hụt… mà đã có máy cuộn rơm. Không chỉ nông dân trữ rơm ở các ruộng quanh nhà, rơm cuộn còn được bán đi nơi khác.

Do đó, cứ đến thời điểm thu hoạch lúa, trên các cánh đồng xuất hiện rất nhiều máy cuộn rơm. Dọc các tuyến đường tỉnh, đường huyện xuất hiện rất nhiều điểm “tập kết rơm”, cảnh mua bán nhộn nhịp, xe tải chở rơm lưu thông tấp nập. Trong đó, rơm mùa Đông Xuân được chuộng nhất bởi thời tiết thuận lợi- nắng nhiều, cọng rơm vàng đẹp…

Ghi nhận của chúng tôi sau vụ thu hoạch vụ lúa Đông Xuân, dọc QL 53 và các tuyến đường qua các huyện như Tam Bình, Long Hồ, Mang Thít,... rất nhiều xe tải biển số trong và ngoài tỉnh chở đầy ắp rơm.

Anh Phạm Thanh Đức ở xã Thạnh Quới (Long Hồ) cho biết, rơm của mấy công ruộng nhà anh đều thuê máy cuộn mang về nhà để dành cho đàn bò ăn, có mùa còn mua thêm ruộng khác. Giá thuê máy là 7.000 đ/cuộn, vận chuyển thêm khoảng 3.000 đ/cuộn. Giá bán rơm thì khoảng 50.000- 70.000 đ/công tùy theo ruộng xa hay gần.

Đốt rơm rạ gây lãng phí và ô nhiễm môi trường.
Đốt rơm rạ gây lãng phí và ô nhiễm môi trường.

Vừa đem về 200 cuộn rơm, anh Trần Văn Hưởng ở ấp Nhơn Trí (xã Nhơn Bình-Trà Ôn) cho biết, anh nuôi 4 con bò nên sau mỗi vụ đều tìm mua hoặc xin rơm. Mùa này giá rơm khoảng 100.000 đ/công. Tuy nhiên, không phải ai cũng muốn bán bởi vụ này rất nhiều bà con ở đây đốt rơm, sạ chay.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Quang ở Ấp 8 (xã Mỹ Lộc- Tam Bình) cho biết: Giá rơm ở đây tùy vào quãng đường, từ 20.000-50.000 đ/công. Giá rẻ vậy nên những người nuôi bò cuộn đem về dự trữ, còn lại bán hoặc đốt rơm, mà “đốt thì chiếm số nhiều”.

Theo ông, không đốt thì lúa lộn còn trong đất nhiều lắm, đốt thì nó nổ cháy hư hết nên sẽ giảm lúa lộn. Nhiều nông dân chọn đốt rơm, rạ sau thu hoạch với lý do diệt mầm bệnh (cỏ và lúa cỏ) và sạch ruộng…

Trao đổi với phóng viên Báo Vĩnh Long, TS. Dương Minh Viễn cho biết, đốt rơm có những cái được và không được. Khi đốt thì khoáng chất được tạo ra ngay lập tức và cây sử dụng ngay, một số nấm bệnh sẽ chết đi…

Tuy nhiên, đốt rơm không chỉ làm ô nhiễm môi trường mà còn mất đi của đất nhiều thứ. Đặc biệt là mất đi chất hữu cơ và diệt luôn vi sinh vật có lợi cho đất khi tham gia chuyển hóa dinh dưỡng trong đất. Do đó, phân tích thì lợi ít hại nhiều nên “theo tôi là không nên đốt rơm”.

Thay vào đó, nông dân lấy rơm sau thu hoạch ủ lại, bón lại cho ruộng của mình vào vụ sau. Đó là cách rẻ tiền nhất và quan trọng là có thể tăng chất hữu cơ cho đất. Bởi lẽ, thay vì nông dân bán rơm để mua phân hữu cơ thì rõ ràng là đang bán nguyên liệu thô giá rẻ và mua phân với giá cao. Do đó, nông dân cần tính toán hiệu quả kinh tế để tránh thiệt thòi.

Ủ rơm cho hoai mục

Ngoài việc lấy rơm làm nấm hoặc thức ăn cho bò thì ủ rơm tạo nguồn phân rất tốt cho cây. Theo đó, sau khi gom rơm lại một nơi, để cho nhanh hoai mục, chúng ta có thể xử lý bằng các chế phẩm sinh học như nấm trichoderma; hoặc có thể sử dụng phân chuồng rải trộn vô trong rơm; hay có thể lấy phân urê hòa tan nước tưới. Sau khoảng 3 tháng, rơm rạ hoai mục dùng bón cho ruộng sẽ rất tốt. Tốt nhất là ủ vụ này, bón cho vụ sau.

Bài, ảnh: THẾ QUÂN- SÔNG HẬU