Chuỗi cung ứng khoai lang- nhìn từ giải pháp đồng bộ giao thông

Cập nhật, 06:09, Thứ Sáu, 15/03/2019 (GMT+7)

Tại hội thảo khoa học “Thiết kế và xây dựng hiệu quả chuỗi cung ứng chuỗi khoai lang” do Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh)- cơ quan chủ trì thực hiện đề tài “Nghiên cứu chuỗi cung ứng cho sản phẩm khoai lang tỉnh Vĩnh Long”, phối hợp Sở Công thương, Sở Khoa học- Công nghệ tổ chức ngày 12/3/2019, cho thấy hoạt động sản xuất và tiêu thụ khoai lang còn quá nhiều vấn đề cần giải quyết.

Trong bài viết này, chúng tôi đề cập đến một trong những vấn đề đó, nhìn từ giải pháp đồng bộ giao thông.

Cần nâng cấp tải trọng 23 cầu

Theo đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2017- 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, xác định khoai lang là 1 trong 3 cây trồng chủ lực.

Phòng Nông nghiệp- PTNT Bình Tân cho biết, cùng với dưa hấu, rau màu các loại, khoai lang đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông hộ, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Năm 2018, toàn huyện có trên 13.000ha trồng khoai lang, chiếm gần 95% diện tích khoai lang của tỉnh.

Khoai lang đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông hộ, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Khoai lang đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông hộ, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Qua các hội thảo chuyên đề, đã có nhiều nội dung đề xuất hoạt động sản xuất và tiêu thụ khoai lang cần một thiết kế hoàn chỉnh cho chuỗi cung ứng sản phẩm, cần tổ chức lại sản xuất cho khoai lang, cần mở rộng hạn điền, hình thành cánh đồng lớn, liên kết hộ nông dân.

Sử dụng bộ tiêu chí VietGAP của nhóm nghiên cứu để đánh giá chất lượng sản phẩm. Yếu tố công nghệ là một trong những giải pháp then chốt trong tổ chức sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời phát triển thị trường mới... Cùng với đó, việc đồng bộ hóa hạ tầng giao thông cũng là giải pháp hiệu quả giảm thành khoai lang.

Ông Nguyễn Quang Khải- Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải- cho biết hiện nay khoai lang được vận chuyển từ Bình Tân đi ra thị trường nội địa, xuất khẩu chủ yếu bằng đường bộ.

Cụ thể là các tuyến đường nội đồng, đường liên ấp đến Đường tỉnh (ĐT) 908, xe tải nhỏ thu gom theo ĐT 908 tập trung ở TX Bình Minh, sau đó vận chuyển bằng xe container đi trên QL1 đến cửa khẩu Lạng Sơn.

Hiện nay, ĐT 908 vừa được nâng cấp nền, mặt đường lên thành đường cấp IV, tải trọng trục xe 12 tấn. Tuy nhiên, 23 cầu trên tuyến chưa được nâng cấp, mở rộng đồng bộ, để vận chuyển khoai lang trên ĐT 908 phải dùng xe tải nhỏ dưới 10 tấn, khiến chi phí vận chuyển cao, dẫn đến giá thành tăng theo.

ĐT 908 đã cải tạo phần đường, nhưng 23 cầu trên tuyến chưa được nâng cấp, mở rộng đồng bộ.
ĐT 908 đã cải tạo phần đường, nhưng 23 cầu trên tuyến chưa được nâng cấp, mở rộng đồng bộ.

Trong khi đó, QL54 không khống chế tải trọng, các cầu đã được mở rộng lên 9m, nhưng mặt đường chỉ rộng 5,5m và mặt đường đang hư hỏng nhiều nên vận chuyển rất khó khăn.

Hơn nữa, vận chuyển tuyến QL54 xa hơn 10km, kéo dài hơn 15 phút nên giá vận chuyển cao hơn so với ĐT 908.

Từ phân tích trên, ông Nguyễn Quang Khải đề xuất sớm đầu tư xây dựng trung tâm logistics vùng ĐBSCL để giảm thất thoát hàng hóa trong vận chuyển, giảm chi phí.

Cần cải tạo, mở rộng và nâng cấp tải trọng 23 cầu trên ĐT 908 đồng bộ với đường; cần nâng cấp, mở rộng QL 54; xây dựng cảng biển và nhà máy sơ chế khoai lang tại cụm công nghiệp Tân Quới; kết nối ĐT 908 với cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ… 

“Với các giải pháp đồng bộ hạ tầng giao thông, tôi tin rằng sẽ góp phần giảm chi phí vận chuyển. Qua đó, giảm giá thành sản phẩm khoai lang, tăng tính cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế”- ông Nguyễn Quang Khải đúc kết.

Trung tâm phân phối (TTPP) logistics khoai lang

Đề xuất mô hình hoạt động hiệu quả cho TTPP cho chuỗi cung ứng khoai lang tỉnh Vĩnh Long, ông Trần Chí Dũng- Phó Viện trưởng Viện Quản trị logistics Toàn Cầu- đưa ra 3 vấn đề là lựa chọn vị trí trung tâm logistics, chế biến sâu sản phẩm từ khoai lang và ứng dụng nguyên lý cung ứng hiện đại cho TTPP. 

Tác giả cho rằng, vị trí TTPP logistics khoai lang đặt tại Khu công nghiệp Hòa Phú đáp ứng các mục tiêu cực tiểu chi phí và cực tiểu thời gian vận tải.

Khu công nghiệp Hòa Phú tiếp giáp QL1A và cách đường cao tốc khoảng 60km; cách TP Vĩnh Long 10km, TP Cần Thơ 20km, TP Hồ Chí Minh 145km; cách sân bay Cần Thơ 25km.

Khoảng cách đến các bến cảng gần nhất như: cảng Vĩnh Long 10km, tiếp nhận tàu có tải trọng đến 5.000 tấn; cảng Bình Minh 20km, tiếp nhận tàu có trọng tải đến 10.000 tấn; cảng Cần Thơ 35km, tiếp nhận tàu có tải trọng đến 20.000 tấn.

Ông Trần Chí Dũng cũng cho rằng, nhóm nghiên cứu nên xem xét mô hình hoạt động cung ứng nông sản để đưa ra mô hình hoạt động sát thực tế nhất cho Vĩnh Long.

Theo PGS.TS Hồ Thanh Phong- Chủ nhiệm đề tài, sau hội thảo thứ nhất tại huyện Bình Tân, nhóm nghiên cứu đã ghi nhận rất nhiều ý kiến đóng góp cho việc phát triển sản xuất, tiêu thụ khoai lang bền vững.

Qua đó, giúp cho nhóm nghiên cứu xem xét, chắt lọc và điều chỉnh để hoàn thiện kết quả nghiên cứu sao cho phù hợp thực tiễn. Để vận hành chuỗi cung ứng khoai lang, nhóm nghiên cứu sẽ đưa ra những chiến lược cụ thể để thực thi theo 2 giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến
năm 2030.

Đến nay, diện tích khoai lang của tỉnh dao động từ 10.000- 14.500ha, năng suất bình quân 25- 30 tấn/ha, sản lượng từ 300.000- 400.000 tấn/năm, trong đó giống khoai tím Nhật chiếm trên 80% diện tích, thị trường tiêu thụ khoai lang của tỉnh chủ yếu xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc.

Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro về giá cả, thị trường. Tháng 12/2018, phát biểu kết thúc buổi tọa đàm giữa đại diện Hiệp hội và doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam và Trung Quốc ở TP Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Trần Thanh Nam cho biết, sau 8 loại trái cây được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc (dưa hấu, thanh long, chuối, vải, mít, nhãn, xoài, chôm chôm), sầu riêng và khoai lang cũng đã được phép nhập khẩu chính ngạch.

Trước đó, tháng 10/2018, UBND tỉnh Vĩnh Long đã có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp- PTNT đề nghị tìm hướng ra cho sản phẩm khoai lang của tỉnh và đàm phán với phía Trung Quốc đưa khoai lang vào danh mục hàng hóa được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này.

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC