ĐBSCL

Trữ ngọt linh hoạt, chủ động thích ứng hạn mặn

Cập nhật, 08:34, Thứ Bảy, 23/02/2019 (GMT+7)

Theo dự báo của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, mùa khô năm 2018- 2019 ở miền Tây, diễn biến mặn tương đối phức tạp: xâm nhập khá sớm, sâu, biến động bất thường so với năm 2018 và trung bình nhiều năm.

Theo đó, các nhà khoa học khuyến cáo các tỉnh ĐBSCL cần có chiến lược trữ ngọt, chủ động giải pháp ứng phó hạn, xâm nhập mặn với tâm thế thích ứng và “sống chung” hài hòa.

Mặc dù dự báo hạn mặn năm nay ở mức độ ít nghiêm trọng hơn so với mùa khô năm 2015- 2016, nhưng các tỉnh khu vực ĐBSCL không chủ quan.

Thực tế, chúng tôi ghi nhận công tác phòng chống hạn mặn ở các địa phương đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, thể hiện qua các biện pháp trữ ngọt linh hoạt, chủ động thích ứng từ các cấp chính quyền lan tỏa đến nhận thức của người dân.

Hơn nữa, việc rút kinh nghiệm sâu sắc từ đợt hạn mặn lịch sử năm 2016, người dân miền Tây dần thích nghi và ứng xử “thuận thiên” trong điều kiện khí hậu biến đổi.

Kỳ 1: Chủ động để không còn sợ mặn

Cống Cầu Cò đảm bảo trữ ngọt, ngăn mặn cho khu vực trồng cây ăn trái hơn 80ha.
Cống Cầu Cò đảm bảo trữ ngọt, ngăn mặn cho khu vực trồng cây ăn trái hơn 80ha.

Người dân ở các xã cù lao Thanh Bình, Quới Thiện của huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long) cho biết vẫn còn “sợ lắm” đợt xâm nhập mặn lịch sử năm 2016. Vì vậy năm nay, họ đã rất chủ động với nhiều biện pháp. Ngành nông nghiệp, chính quyền các cấp luôn trong thế “theo dõi mặn thường xuyên”, để thông báo kịp thời và trả lời cho mối quan tâm của người dân.

Nhiều cách trữ ngọt, tiết kiệm nước

Mùa khô năm nay tại Vũng Liêm, dự báo hướng xâm nhập mặn từ sông Cổ Chiên sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ cù lao Dài (thuộc 2 xã Thanh Bình, Quới Thiện).

Đồng thời, mặn sẽ xâm nhập vào các sông nối với sông Cổ Chiên như Cái Hóp, Nàng Âm (2 sông này đã xây cống ngăn mặn), sông Vũng Liêm, Trường Định và sông Măng Thít ảnh hưởng các xã Trung Thành Tây, Trung Thành Đông, thị trấn Vũng Liêm, Trung Hiếu, Trung An, Quới An, Trung Hiệp, Trung Chánh, Tân Quới Trung. UBND huyện đã ban hành kế hoạch phòng chống thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn phục vụ dân sinh và bảo vệ sản xuất vụ Hè Thu 2019.

Ông Lê Văn Quân- chuyên viên Phòng Nông nghiệp- PTNT Vũng Liêm cho biết, ngành nông nghiệp thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng- thủy văn, tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn để thông tin nhanh chóng, kịp thời đến các cấp, ngành, địa phương và người dân chủ động lấy và trữ nước.

Cũng theo ông Lê Văn Quân, rút kinh nghiệm từ đợt mặn chưa từng có năm 2016, người dân đã nâng cao ý thức trong phòng chống hạn mặn. Hơn nữa, nhiều giải pháp trữ ngọt chủ động cũng được ngành nông nghiệp khuyến cáo và nông dân ứng dụng hiệu quả.

Chẳng hạn, năm 2017- ông Lê Văn Quân cho hay- ngành nông nghiệp huyện đã thí điểm mô hình trữ nước trong túi nhựa biogas.

“Rất rẻ và hiệu quả. Túi nhựa trải dài trong mương vườn, rồi bơm nước ngọt vào là “bá phát”, đảm bảo chất lượng nước. Mô hình này người dân có thể tận dụng mọi cái có sẵn tại chỗ”- ông Quân thông tin thêm- tại cù lao Dài, hiện nay người trồng cây ăn trái cũng quan tâm áp dụng tưới phun, nhỏ giọt tiết kiệm nước hơn.

Trong khi đó, để chủ động với điều kiện thực tế, ông Hồ Văn Trọn- Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Bình- cho biết cùng với hệ thống đê bao khép kín, nhiều tuyến đê bao đã được gia cố, sửa chữa. Hiện 1.330ha trồng cây ăn trái sầu riêng, bưởi… có đê bao khép kín đảm bảo trữ ngọt và ngăn mặn chủ động.

Cũng vậy, tại xã Quới Thiện, bên cạnh việc Nhà nước quan tâm gia cố các mặt đập, tuyến đê bao xung yếu, thì “người dân cũng chung tay làm mặt cống, chủ động nạo vét kinh, mương vườn trữ nước.

Cùng với hệ thống đê bao chung, việc trữ nước trong mương vườn cũng giúp người dân chủ động nước tưới 7-10 ngày, nếu bên ngoài sông nước mặn lên”- ông Huỳnh Văn Mười Anh- công chức Địa chính- Nông nghiệp xã cho biết.

Cán bộ chuyên trách xã Quới Thiện thường xuyên đo độ mặn, kịp thời thông báo cho người dân.
Cán bộ chuyên trách xã Quới Thiện thường xuyên đo độ mặn, kịp thời thông báo cho người dân.

Đảm bảo nhu cầu nước sản xuất, sinh hoạt

Theo kế hoạch phòng chống thiếu nước và hạn hán, xâm nhập mặn của tỉnh Vĩnh Long, phải đảm bảo nhu cầu nước sản xuất trong điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra gay gắt trong mùa khô năm 2018- 2019. Đảm bảo nước tưới cho 56.000ha lúa, trên 22.400ha màu vụ Đông Xuân; 53.000ha lúa và gần 20.000ha màu vụ Hè Thu; 56.377ha cây lâu năm. Đảm bảo ngăn mặn, cấp nước tưới cho diện tích lúa, rau màu ở các huyện bị ảnh hưởng xâm nhập mặn là Vũng Liêm, Trà Ôn và Mang Thít.

Đặc biệt, đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân, nhất là hơn 62.065 hộ ở nông thôn hiện chưa có nước máy sử dụng, ở nội đồng xa kinh rạch.

Chính quyền chủ động, người dân ý thức cao

Với đặc điểm “mặn lên có thời gian, theo con nước triều cường, chứ không ở lâu dài” nên theo ông Mười Anh, hiện phải theo dõi con nước, đo độ mặn thường xuyên.

Bên cạnh, người làm vườn còn cẩn thận “vài ba hộ hùn tiền mua máy để đo độ mặn trước khi bơm tưới, chứ không “tưới đại” như trước. Ngoài hệ thống tưới phun, người dân còn áp dụng để cỏ chân vườn giúp giữ độ ẩm cho cây”- ông Mười Anh bảo vậy.

Ông Mười Anh đăng nhập mật khẩu trang web thông tin khí tượng- thủy văn quốc gia để xem thông tin mặn.
Ông Mười Anh đăng nhập mật khẩu trang web thông tin khí tượng- thủy văn quốc gia để xem thông tin mặn.

Tại các vườn cây ăn trái ở cù lao Dài, từ tháng 12 năm trước, người dân bắt đầu vét mương, dọn vườn. Nhiều nhà vườn cho biết trước đây chỉ vét mương bồi cây, còn hiện nay mương vườn có thêm chức năng quan trọng là trữ nước mùa hạn mặn.

“Lúc rày người dân liên tục hỏi cán bộ xã mặn tới chưa, độ mặn bao nhiêu? Tại bị đợt mặn 2016 quá trớn nên giờ ai cũng rất quan tâm”- ông Mười Anh nói, vừa bấm điện thoại thao tác, nhập mật khẩu vào trang web thông tin khí tượng- thủy văn quốc gia để xem.

Chúng tôi hỏi ông sao không cài chương trình sẵn trên điện thoại để mở cho nhanh? Ông Mười Anh bảo: “Lần nào tui cũng đăng nhập vậy cho quen, cho nhớ mật khẩu, cách làm để chỉ cho bà con. Nếu điện thoại lên mạng được bà con có thể truy cập thông tin bất cứ lúc nào, còn điện thoại “cùi bắp” thì đã có tin nhắn”.

Trong năm 2018, Viện Công nghệ Nano (INT- thuộc ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) đã bàn giao 3 hệ thống quan trắc và cảnh báo xâm nhập mặn tự động tại huyện Vũng Liêm. Trong đó, xã Quới Thiện có 2 hệ thống được lắp đặt tại ấp Phước Lý Nhất, Phước Thạnh và 1 hệ thống ở khu vực cống Nàng Âm (ấp Đại Nghĩa, xã Trung Thành Đông).

Hệ thống này sử dụng năng lượng mặt trời và đầu đo cảm biến nano, cung cấp thông tin về độ mặn của nước sông tức thời và liên tục 24/24 thông qua điện thoại và mạng Internet, qua đó giúp chính quyền địa phương và người dân nắm bắt thông tin xâm nhập mặn kịp thời.

Ông Hồ Văn Trọn cho hay, từ trước tết xã thường xuyên đo độ mặn trên sông lớn tại vàm Bình Thủy, Thanh Lương và Thanh Bình. Bởi loại cây ăn trái chính cho giá trị kinh tế cao của xã là sầu riêng và bưởi rất nhạy cảm với mặn, nên người dân rất cẩn trọng.

Anh Huỳnh Hữu Cảnh- Trưởng ấp Thanh Khê (Thanh Bình)- dẫn chúng tôi ra cống Cầu Cò hoàn thành năm 2018. Anh cho biết trước đây khu vực này chỉ đê bao tạm bợ, sau khi được Nhà nước đầu tư làm cống bê tông, bà con góp ngày công, hùn tiền cùng làm nắp cống cho chắc chắn.

“Hơn 80ha đã chủ động nước tưới tiêu, nhiều vườn đã trồng lại mới tốt tươi”- anh Cảnh chỉ chúng tôi vườn cây ăn trái nằm trọn trong cống Cầu Cò đã hồi phục mạnh mẽ sau đợt mặn 2016.

Cùng với ý thức người dân nâng cao, ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT cho biết tỉnh đã có kế hoạch phòng chống thiếu nước và hạn hán, xâm nhập mặn phục vụ dân sinh, đảm bảo sản xuất vụ Đông Xuân năm 2018-2019 và vụ Hè Thu năm 2019. Hiện nay, các khu vực cảnh báo trên địa bàn tỉnh mặn chưa đến 2‰, nguồn nước vẫn đáp ứng phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp.

Theo kế hoạch, tỉnh Vĩnh Long đề ra 3 kịch bản phòng chống hạn mặn với những mức độ ảnh hưởng khác nhau và kèm theo đó là biện pháp ứng phó tương ứng. Hiện nay, độ mặn đang ở mức kịch bản 1 (xâm nhập mặn nhẹ, mực nước sông, rạch sụt giảm nhẹ). Vì vậy, tỉnh cũng đã chủ động trữ ngọt tại các vùng có nguy cơ nhiễm mặn, cập nhật độ mặn liên tục để kịp thời phương án ứng phó và cảnh báo cho người dân.

Ông Nguyễn Văn Liêm: Xem mặn là nguồn lợi để khai thác

Hiện đáng lo là đang vào mùa khô, không mưa, nước từ thượng nguồn đổ về ít, nếu tình trạng hạn kéo dài thì mặn sẽ lên cao do triều cường.

 

Hiện nay, vấn đề nước mặn không có gì ghê gớm nếu biết khai thác, bởi mặn cũng là tài nguyên. Các tỉnh như Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu... đã biết tận dụng khai thác nước mặn, có những mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả cao như trồng cây chịu mặn, nuôi tôm, có các biện pháp công trình và phi công trình để sống chung với mặn. Trong khi đó, Vĩnh Long từ trước đến nay quen ngọt, chưa thích nghi và chưa quen được với mặn.

 

Theo tôi, đừng nghĩ mặn là đáng sợ, đừng “chạy” mặn để đến nơi “ngọt” sống mà phải biết thích ứng, xem đó là nguồn lợi để khai thác.


Ông Hà Thành Thặng- Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi

Mức độ mặn cao nhất đo được từ đầu năm đến nay là 2‰ vào ngày 20/12/2018. Từ tháng 1 đến nay, độ mặn dưới 2‰, được đo tại cống Nàng Âm, cống Cái Hóp, vàm Vũng Liêm, ngã tư Hựu Thành... Độ mặn chưa lên cao, nhưng do có gió chướng nên dự đoán mặn sẽ lên.

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC- TUYẾT HIỀN- THẢO LY

 
>> Kỳ sau: Trữ ngọt linh hoạt dưới vườn dừa