Tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư

Cập nhật, 12:54, Thứ Năm, 17/01/2019 (GMT+7)

Kết quả phát triển kinh tế năm 2018 của tỉnh được đánh giá là một dấu mốc và có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế tỉnh nhà. Trong đó, đáng chú ý môi trường đầu tư kinh doanh dần được cải thiện, công tác xúc tiến và thu hút đầu tư thành công.

Vĩnh Long mời gọi các thành phần kinh tế để phát triển các kết cấu hạ tầng khu- cụm công nghiệp.
Vĩnh Long mời gọi các thành phần kinh tế để phát triển các kết cấu hạ tầng khu- cụm công nghiệp.

Nhiều nhà đầu tư chọn Vĩnh Long làm điểm đến

Theo số liệu của Sở Kế hoạch- Đầu tư, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Vĩnh Long năm 2018, ngoài việc thực hiện tài trợ cho công tác an sinh xã hội, tỉnh đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 32 dự án đầu tư với tổng vốn 23.903 tỷ đồng.

Bên cạnh, nhận tài trợ 1.000 tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội của địa phương và 5 ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh trao cam kết cho vay gần 1.805 tỷ đồng.

Từ thành công của Hội nghị Xúc tiến đầu tư, thông qua các hoạt động xúc tiến đầu tư đã có nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu môi trường đầu tư, các chính sách hỗ trợ của tỉnh Vĩnh Long.

Qua đó, tỉnh đã tiếp xúc và làm việc với 58 lượt nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong đó có 18 lượt nhà đầu tư nước ngoài (FDI) gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Malaysia.

Sau khi đàm phán có 28 dự án được cấp chủ trương đầu tư/giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với vốn đăng ký trên 3.213 tỷ đồng và 158,96 triệu USD, trong đó, có 10 dự án FDI. Một số dự án đang hoàn chỉnh thủ tục đầu tư, chuẩn bị triển khai như: dự án chế biến rau củ quả xuất khẩu của Công ty Hatchando (Nhật Bản), dự án Nhà máy may mặc của Công ty Boker (Malaysia), dự án sản xuất giày xuất khẩu của Công ty Tỷ Bách,…

Đối với 32 dự án tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư, hiện đã có 3 dự án đi vào hoạt động, 8 dự án đã khởi công, 8 dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện thủ tục khởi công…

Một số dự án đang triển khai, chuẩn bị đi vào hoạt động như dự án sản xuất giày dép công suất 3 triệu sản phẩm/năm tại xã Tân Ngãi (TP Vĩnh Long). Dự án đầu tư Nhà máy sản xuất bột gạo và các sản phẩm từ bột gạo, công suất 15.000 tấn/năm tại ấp Phú An (xã Phú Thịnh- Tam Bình) của Công ty TNHH Bột mì Đại Nam.

Dự án Nhà máy chế biến thủy sản của Công ty CP Thủy sản Biển Đông tại ấp Thanh Mỹ 2 (xã Thanh Đức- Long Hồ). Dự án Đầu tư nâng quy mô Nhà máy chế biến thức ăn gia súc, gia cầm chi nhánh 2 Công ty TNHH De Heus từ 300.000 tấn/năm lên 360.000 tấn/năm tại ấp Chợ (xã Mỹ An- Mang Thít).

Bên cạnh đó, một số dự án đầu tư quy mô lớn sẽ triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng trong năm 2019, dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2020 như: dự án Nhà máy sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản tại Khu công nghiệp Hòa Phú (giai đoạn 2), vốn đầu tư 20 triệu USD của Công ty TNHH Hải Đại Vĩnh Long; dự án sản xuất và gia công sản phẩm may mặc các loại của Công ty TNHH May mặc Bowker (Vĩnh Long), vốn đầu tư 24 triệu USD; dự án sản xuất và gia công sản phẩm may mặc các loại của Công ty TNHH May mặc Bright Global (Vĩnh Long), vốn đầu tư 18 triệu USD.

Tạo dựng môi trường đầu tư tin cậy, an toàn

Ông Trương Đặng Vĩnh Phúc- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư, cho rằng các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong thời gian qua đã góp phần lớn trong việc nâng cao giá trị sản xuất ngành công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu, tạo việc làm cho người lao động và gia tăng nguồn thu cho ngân sách của tỉnh.

Vĩnh Long xác định cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp là những mục tiêu quan trọng thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh giai đoạn 2015- 2020 theo Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ X.

Để thúc đẩy kinh tế tỉnh nhà phát triển, tỉnh Vĩnh Long ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, có hàm lượng tri thức cao, thân thiện với môi trường, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, các dự án có sản phẩm thế mạnh cạnh tranh của địa phương. Bên cạnh, tăng cường đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư; tranh thủ, huy động tối đa các nguồn vốn; khuyến khích xã hội hóa ở một số lĩnh vực.

Tỉnh cũng chú trọng khai thác tiềm năng nguồn vốn ngoài nhà nước, các thành phần kinh tế để phát triển các kết cấu hạ tầng khu- cụm công nghiệp, du lịch, đô thị, các hạ tầng công nghệ thông tin, thương mại, dịch vụ… nhất là thu hút được các dự án lớn, tạo điểm nhấn và đầu tư nghiêm túc để góp phần thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững.

“Hiện nay, ngoài việc tập trung triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách, chỉ đạo đã có của trung ương về phát triển kinh tế tư nhân và các chủ trương chính sách có liên quan về hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ...

Tỉnh Vĩnh Long cũng tập trung thực hiện, cải thiện các chỉ số cải cách hành chính, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cùng với việc tập trung thực hiện tốt các nghị quyết có liên quan của Chính phủ (Nghị quyết 19, Nghị quyết 35...) và duy trì đối thoại, giải quyết những khó khăn vướng mắc kịp thời cho doanh nghiệp.

Dự kiến trong quý I/2019, tỉnh Vĩnh Long sẽ đưa Trung tâm Hành chính công đi vào hoạt động, đồng thời sẽ triển khai bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở ngành và địa phương trong tỉnh. Sớm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hoàn thành chính quyền điện tử”- ông Trương Đặng Vĩnh Phúc cho biết.

Để thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2019, Chủ tịch UBND tỉnh ngày 24/12/2018 ban hành Chỉ thị số 16, yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X và kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm (2016- 2020) của tỉnh. Các ngành, các cấp tổ chức các phong trào thi đua gắn với kế hoạch, chương trình mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh và của từng ngành, từng cấp, trong năm 2019; đồng thời tiếp tục nâng cao chất lượng phong trào sản xuất kinh doanh giỏi, thi đua phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, thi đua cải cách hành chính,… với mục tiêu đưa tỉnh Vĩnh Long trở thành tỉnh khá của khu vực ĐBSCL vào năm 2020.

Bài, ảnh: LÝ AN