​Phát triển mô hình trồng màu theo hướng an toàn

Cập nhật, 12:46, Thứ Năm, 17/01/2019 (GMT+7)

 

Những luống rau xanh mướt, tươi tốt của phụ nữ xã Phú Lộc.
Những luống rau xanh mướt, tươi tốt của phụ nữ xã Phú Lộc.

Sử dụng sản phẩm sạch, an toàn, chất lượng cao là vấn đề mà mọi người ngày càng quan tâm. Từ thực tế đó, Hội LHPN huyện Tam Bình triển khai thực hiện mô hình “Trồng màu theo hướng an toàn” đến chị em hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện để nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng sống.

Cùng trồng màu theo hướng an toàn

Thực hiện nhiệm vụ vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế, Hội LHPN huyện Tam Bình đã tạo điều kiện về nhiều mặt như hỗ trợ cho vay vốn, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm… giúp hội viên phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững. Bên cạnh, hội còn phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, vận động thành lập các mô hình mới chuyển đổi cơ cấu kinh tế đạt hiệu quả.

Trong đó, có mô hình trồng màu theo hướng an toàn ở các xã Phú Lộc, Tường Lộc, Hòa Thạnh, Tân Phú và Ngãi Tứ với tổng diện tích 27,4ha cùng sự tham gia của 146 hộ và đạt hiệu quả tích cực.

Các chị có điều kiện tiếp cận kỹ thuật trồng trọt mới, hạn chế tối đa phân thuốc, ít chi phí, nâng cao chất lượng cây trồng.

Chị Nguyễn Thị Hồng Phương- Chủ tịch Hội LHPN xã Phú Lộc- cho biết, hội tuyên truyền đến chị em phụ nữ thông qua các cuộc họp lệ và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình. Đồng thời, Hội LHPN huyện Tam Bình phối hợp với Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật những giống cây mới, rau màu các loại để hội viên phụ nữ có kiến thức về trồng rau an toàn một cách hiệu quả và đạt chất lượng.

Đến thăm hộ tham gia mô hình với diện tích lớn nhất ấp Cây Điều (xã Phú Lộc), màu xanh mướt của từng thửa màu trên rẫy của chị Nguyễn Thị Vân Anh khiến chúng tôi không thể rời mắt.

Với 2 công đất ruộng trồng dưa leo, khổ qua, đậu que… theo từng mùa, bình quân thu về cho chị Vân Anh khoảng 15 triệu đồng/năm/công, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Ấp Cây Điều hiện đã có 20 hộ phụ nữ tham gia mô hình trồng màu theo hướng an toàn, chủ yếu theo hướng đem cây màu xuống ruộng.

​Phát triển mô hình trồng màu theo hướng an toàn
​Phát triển mô hình trồng màu theo hướng an toàn

Chúng tôi gặp chị Lê Thị Hồng Phương (ấp An Phong, xã Ngãi Tứ) khi chị đang chăm sóc giàn dưa leo vừa xuống giống hơn 10 ngày và hàng bí hồ lô giai đoạn trổ bông. Vừa thoăn thoắt chăm bón, chị Phương vừa nói: “Bí hồ lô đợt vừa rồi cân được 8.000 đ/kg. Bông bí cũng được 16.000- 17.000 đ/kg”.

“Mô hình đem màu xuống ruộng giúp chị em phụ nữ thu nhập mỗi năm từ 7- 8 triệu đồng/công” - chị Huỳnh Thị Thu Nguyệt- Chủ tịch Hội LHPN xã Ngãi Tứ- cho biết thêm.

Lan tỏa, nhân rộng mô hình

Là địa bàn khởi xướng, Hội LHPN xã Phú Lộc giữ vững mô hình trồng màu theo hướng an toàn và không ngừng mở rộng hội viên. Sau 3 năm triển khai thực hiện mô hình, với thời gian thu hoạch ngắn, chi phí thấp, lợi nhuận khá cao, nhiều chị em phụ nữ tại ấp Long Công đã vươn lên cải thiện cuộc sống.

Cô Nguyễn Thị Cam (ấp Long Công) là hộ gia đình trực tiếp tham gia mô hình trồng màu theo hướng an toàn do Hội LHPN xã vận động. Với hơn 4 công màu trồng quanh năm, trừ chi phí, mỗi năm cô Cam thu hơn 10 triệu đồng/công. Cô Cam mỉm cười chia sẻ: “Tui trồng màu hơn chục năm rồi.

Mấy năm nay trồng theo hướng an toàn như mấy chị em ở hội vận động, tui thấy hiệu quả lắm. Gia đình tui nuôi 4 đứa con thành tài nhờ rẫy màu này”.

“Mô hình này sau khi trừ chi phí cho thu nhập khoảng 14 triệu đồng/công/năm. Nhận thấy hiệu quả, từ 5 hộ tham gia, đến nay, mô hình được mở rộng với hơn 40 hộ. Hội đang phấn đấu đến cuối năm 2018 sẽ có 50 hộ hội viên tham gia mô hình”- chị Nguyễn Thị Hồng Phương- Chủ tịch Hội LHPN xã Phú Lộc- chia sẻ.

Với ưu điểm “xứ rẫy” của huyện, Hội LHPN xã Ngãi Tứ có nhiều điều kiện trong việc vận động chị em tham gia mô hình với diện tích lớn. Hiện xã Ngãi Tứ có hơn 30 hộ tham gia với tổng diện tích 12ha.

“Thời gian tới, hội tiếp tục mở rộng hội viên tham gia mô hình. Đồng thời, xây dựng kế hoạch thành lập tổ trồng rau an toàn đạt tiêu chuẩn để đem đến tiêu thụ tại điểm chợ an toàn thực phẩm”- chị Huỳnh Thị Thu Nguyệt- Chủ tịch Hội LHPN xã Ngãi Tứ nói.

Mô hình trồng màu theo hướng an toàn bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế. Đồng thời, nó dần tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của chị em phụ nữ, giúp họ hiểu được rằng trong sản xuất kinh doanh thì chất lượng sản phẩm là điều kiện tiên quyết để duy trì và phát triển bền vững.

Chị Nguyễn Thị Thu Trang- Chủ tịch Hội LHPN huyện Tam Bình- cho biết: Thời gian tới, hội tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình qua việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cán bộ, hội viên về hiệu quả của mô hình cũng như tầm quan trọng của sản phẩm sạch trong sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, mở rộng các loại hình huy động vốn tại chỗ (vốn hỗ trợ mua giống, vốn xoay vòng…) giúp đỡ những hộ khó khăn có điều kiện sản xuất. Từ đó, thu hút thêm nhiều hội viên tham gia mô hình.

 

Bài, ảnh: YẾN- NGA