Những người của đam mê

Cập nhật, 05:05, Thứ Năm, 17/01/2019 (GMT+7)

Chúng tôi đã gặp họ- những người có tuổi đời, hoàn cảnh khác nhau nhưng có điểm chung là đầy đam mê, kiên trì với lựa chọn của mình. Với họ, thất bại không đáng xấu hổ mà là những bài học quý.

Triệu phú, tỷ phú mai vàng

Ở miền Nam, thấy hoa mai nở là thấy tết. Và có lẽ, không nơi nào… tết nhiều như thủ phủ mai vàng. Chúng tôi đến làng mai Phước Định (xã Bình Hòa Phước- Long Hồ) hớp ngụm trà, nghe chuyện cha truyền con nối và chuyện về những 8x, 9x… chọn những lối riêng- đáp ứng nhu cầu mới mà xã hội cần rồi vươn lên thành triệu phú và tỷ phú.

Anh Lê Văn Hòa và niềm đam mê bất tận với mai vàng.
Anh Lê Văn Hòa và niềm đam mê bất tận với mai vàng.

Đó là anh Lê Văn Hòa (38 tuổi) sinh ra và lớn lên ngay làng mai. 15 tuổi, anh đã chập chững uốn mai. 18 tuổi, anh có thể tự mình “làm chủ” để “ra dáng” một cây mai hoàn chỉnh.

“Càng làm càng mê nên ngoài chạy quanh xóm học hỏi cô bác sửa mai, anh còn “bỏ túi” kỹ thuật, kiểu dáng khi có dịp đi đây đó hay lên mạng cập nhật, nghiên cứu “xu hướng mới”.

Không chỉ được công nhận nghệ nhân làng mai, anh còn là thợ chính của một tổ sửa mai- đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo dưỡng mai vàng ngày càng cao. Anh chia sẻ: “Thật ra, nếu chỉ làm vườn nhà hoặc chỉ sửa mai cũng đủ sống nhưng tôi làm đủ thứ, vì mê dữ lắm! Chăm sóc, uốn tỉa, tạo dáng một cây mai cho “có hồn” là thương luôn.

Nhiều đêm thao thức đi quanh vườn ngắm nghía, tìm ý tưởng. Bán đi một cây là trong bụng nhớ vô cùng nên có khi lên tới Sài Gòn hay ra tận Phú Quốc… chăm sóc tiếp mới yên lòng”.

Trong khi đó, chị Lê Thị Thúy An (23 tuổi) vốn là “con nhà tông” mạnh dạn phá bỏ 2 công vườn trồng cây ăn trái kém hiệu quả của nhà chồng để dành đất “nuôi” mai.

Không chỉ đã có thâm niên trong uốn nắn và tạo dáng cho mai, hiện chị An đã là tỷ phú nhờ mua bán mai. Ngoài việc đến tận vườn “coi mắt”, chị còn tận dụng Internet, mạng xã hội để trao đổi thông tin, giới thiệu hình ảnh mai đi khắp nơi, thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng.

Ông Lê Văn Tý- Trưởng ban Làng nghề mai vàng Phước Định- cho biết: Ban đầu, có những hộ đến với cây mai vì kinh tế, nhưng qua thời gian càng làm càng cảm nhận được sự độc đáo nên trở thành niềm đam mê.

Hầu như nhà nào cũng có người nối nghiệp. Lớp trẻ ngoài noi theo cách làm của thế hệ trước thì còn tự mày mò nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm từ thực tế, qua mạng…

Từ đó, biết ứng dụng công nghệ trong chăm sóc, nhiều ý tưởng sáng tạo trong uốn tỉa, tạo dáng… Không ít người nhờ gắn bó với cây mai mà thành triệu phú, tỷ phú.

Đam mê, bền chí mới “nên chuyện”

Chúng tôi gặp Trương Minh Trung (33 tuổi, ở ấp Mỹ Thới 2, xã Mỹ Hòa- TX Bình Minh) vào một ngày giữa tháng 8 và bị cuốn vào câu chuyện lấp lánh niềm đam mê nông nghiệp của anh.

Từ việc nuôi trùn quế thử nghiệm trong 10m2, hiện anh đã mở rộng hơn 700m2, doanh thu từ phân trùn trên 500 triệu đồng/năm. Trùn quế thịt ngoài làm thức ăn cho lươn, anh còn bán ra thị trường.

Anh Trung chia sẻ: “Lúc đầu có người thấy tôi học đủ thứ mà lại về nhà đi… mót phân nuôi trùn thì cười tôi khùng. Nhưng tôi nhận thấy nếu biết cách chăm sóc, trùn quế rất ít rủi ro và cho lợi nhuận cao nên cứ làm. Nuôi, nhân giống trùn quế ngày một phát triển, mở rộng… riết thành mê lúc nào không hay”.

Để tận dụng phế phẩm, tạo quy trình khép kín, bên cạnh nuôi lươn không bùn cho doanh thu hơn 500 triệu đồng/năm, anh còn tận dụng thức ăn thừa của lươn để nuôi ếch, ếch phát triển chậm làm mồi nuôi rắn…

Anh còn trồng rau quả để tận dụng nguồn phân sẵn có. Anh tâm sự “từ ghét tôi đã chuyển qua mê nông nghiệp, thắng thua gì tôi cũng quyết làm nông”. Hiện anh đang mày mò, ấp ủ nhiều dự định khác.

Sau 8 năm từ bỏ công việc vị trí cao, mức lương nhiều người mơ ước ở thành phố lớn để về quê nuôi lươn, anh Nguyễn Thanh Tân (ấp Bình Hòa 1, xã Bình Hòa Phước- Long Hồ) khẳng định “đó là quyết định đúng”.

Theo anh Tân, khởi nghiệp nông nghiệp không dễ vì rất dễ trùng lắp ý tưởng, cách làm với nhiều người. Muốn thành công, phải đi theo hướng mới, không theo lối mòn. Đó là lý do anh chọn mô hình “nuôi lươn giống bán nhân tạo và hướng dẫn kỹ thuật quy trình nuôi lươn không bùn”.

Nguyễn Thanh Tân với mô hình nuôi lươn giống thu về tiền tỷ mỗi năm.
Nguyễn Thanh Tân với mô hình nuôi lươn giống thu về tiền tỷ mỗi năm.

Theo đó, anh tập trung chất lượng con giống tốt và hướng dẫn quy trình chuẩn (kiểm soát nguồn nước, kiểm soát nguồn thức ăn...) để nuôi thành công, trong đó “chỉ khách hàng có đam mê mới bán”. Năm 2017, ghi dấu mốc 1 triệu con giống, lợi nhuận 1 tỷ đồng.

Xác định điểm nhấn khởi nghiệp là tận dụng Internet để tạo kênh liên lạc, tăng tương tác với khách hàng, mấy năm qua, anh Tân xây dựng trang web mang tên luongiongvinhlong.com, mở tài khoản facebook, zalo, chia sẻ kỹ thuật nuôi lươn lên youtube,…

Anh cho biết, khởi đầu gặp không ít khó khăn như sản lượng không đạt, thâm hụt vốn… nhưng anh chưa bao giờ có ý định bỏ cuộc. Hiện, anh dự kiến mở rộng hơn, xây dựng thương hiệu và nghiên cứu một số vật nuôi tiềm năng khác.

“Tôi đang từng bước tiến tới kế hoạch dài hạn. Sau khi tự tạo nguồn lươn giống tốt, tôi dự định nuôi thương phẩm số lượng lớn, rồi chế biến… Cuối cùng là thành lập công ty”- anh Tân vui vẻ nói.

Ông Nguyễn Tường Nam- Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh- cho rằng, trong khởi nghiệp vốn chỉ chiếm 20%, nhân sự 20%, cách thức thực hiện 40%. Nhiều khi ý tưởng không đặc biệt nhưng những phần còn lại góp nên thành công.

Trong đó, tố chất con người quan trọng, nhiều khi ý tưởng tốt nhưng khi bắt tay vào làm va chạm rồi giữa chừng anh chán, nghỉ, không đeo bám mục tiêu thì không được. Quá trình làm, không ai chia sẻ được hết mọi thứ mà phải tự mình nhận ra những bài học quý.

Trương Minh Trung

Phải tận dụng tuổi trẻ để khởi nghiệp. Trước tiên, cần xác định sở thích, đam mê- nuôi dưỡng nó, chịu khó học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, tính toán mức độ và thời điểm phù hợp để “khởi sự”. Hiện với những người liên hệ mua, nuôi trùn quế, tôi sẵn sàng chia sẻ cách nuôi, nhất là chỉ cho họ thấy cái thất bại, cái sai tôi từng gặp để họ tránh...


Nguyễn Thanh Tân

 

Một khi đã xác định chiến lược dài hạn và đạt được những cột mốc mà mình tính toán thì thất bại trên đường là do những yếu tố khác. Quan trọng là cần biết mình thất bại ở đâu để khắc phục. Muốn thành công, vươn ra biển lớn thì không thể sợ thất bại và phải quyết đoán- thấy cái đó đúng thì phải làm bằng mọi cách.

Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN- XUÂN TƯƠI