Blog thị trường

CPTPP có hiệu lực với Việt Nam

Cập nhật, 07:50, Thứ Sáu, 18/01/2019 (GMT+7)

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14/1/2019, sau gần 9 năm tham gia vòng đàm phán chính thức đầu tiên của Hiệp định TPP hồi 3/2010. Việt Nam cũng là thành viên thứ 7 của hiệp định này sau Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Australia.

Với những cam kết mang tính toàn diện, tiêu chuẩn cao và cân bằng, CPTPP tạo nên một khu vực kinh tế tự do khổng lồ, có phạm vi thị trường khoảng 500 triệu dân và chiếm 13% GDP toàn cầu. CPTPP thống nhất các quy định về đầu tư và dịch vụ đối với rất nhiều lĩnh vực, từng bước bãi bỏ thuế quan đối với các sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp.

Hiệp định này đặt ra các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa cũng như đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ. Riêng về mở cửa thị trường, các nước tham gia hiệp định đồng ý tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật của nước sở tại, bảo đảm sự quản lý của Nhà nước; từ đó tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp và lợi ích mới cho người tiêu dùng của các nước thành viên.

Riêng Việt Nam có thuận lợi và khó khăn gì khi tham gia CPTPP? Theo Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế- xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch- Đầu tư), lần đầu tiên Việt Nam cam kết cắt giảm gần 100% dòng thuế; cam kết đối với hoạt động mua sắm công; cam kết đối với lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước; cam kết về vấn đề môi trường, thương mại điện tử... CPTPP sẽ giúp GDP Việt Nam tăng thêm 1,7 tỷ USD, hơn 4 tỷ USD xuất khẩu, tăng tương ứng 1,32% và 4,04% đến năm 2035.

Việt Nam cũng đã có nhiều nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách bộ máy hành chính. Tuy nhiên, theo TS. Võ Trí Thành- nguyên Phó viện trưởng Viện Quản lý nghiên cứu kinh tế Trung ương (CIEM)- là chưa đủ, vẫn cần đi sâu vào cải cách thể chế để thực sự đạt được bộ máy nhà nước chuyên nghiệp, minh bạch, có tính giải trình cao. Và khi đã bước vào cuộc chơi, thì cũng cần phải chấp nhận sẽ có những rủi ro, thách thức. Điều này, đôi khi lại là điều cần thiết để có cơ hội tốt cho phát triển bền vững và nhanh hơn.

HOÀNG MINH