Blog thị trường

Sức ép từ CPTPP

Cập nhật, 14:00, Thứ Sáu, 09/11/2018 (GMT+7)

Hiệp định Đối tác toàn diện và chiến lược xuyên Thái Bình Dương (CPTPP- còn gọi là TPP 11), sẽ có hiệu lực từ ngày 30/12. Đến nay, 6 nước đã hoàn thành thủ tục pháp lý về việc phê chuẩn, các nước còn lại đang tiến hành thủ tục nội bộ để phê chuẩn.

Là một nước thành viên tham gia đàm phán và ký kết CPTPP, Việt Nam đang đứng trước hàng loạt cơ hội.

Cụ thể, báo cáo thuyết minh về những tác động của Hiệp định CPTPP, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh chỉ rõ về mặt kinh tế, thị trường của các nước tham gia CPTPP có quy mô lớn với GDP của cả khối chiếm 13,5% GDP toàn cầu, bao gồm Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới.

Các cam kết trong CPTPP về dịch vụ và đầu tư dự kiến sẽ có tác dụng tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài; là cơ hội để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật kinh tế, trong đó có thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, sẽ tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập và góp phần xóa đói giảm nghèo. 

Những lợi ích, cơ hội từ CPTPP có được là rất rõ đối với nền kinh tế nước nhà. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia kinh tế, thách thức lớn nhất khi hiệp định có hiệu lực là sẽ tác động đến cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Khai thác nguồn lợi từ Hiệp định CPTPP hoàn toàn không đơn giản nếu như doanh nghiệp vẫn giữ thái độ hay cách tiếp cận thụ động, thiếu tích cực.

Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cạnh tranh gay gắt ngay trên sân nhà với hàng hóa, dịch vụ đến từ các nền kinh tế thành viên CPTPP, đặc biệt rào cản về quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn cao về lao động, môi trường, về vệ sinh, an toàn thực phẩm…

Sức ép này đòi hỏi doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt cơ hội từ CPTPP. Và doanh nghiệp không thôi cũng chưa đủ, cần sự vào cuộc thật nhiệt thành, thực chất và hiệu quả của các cơ quan nhà nước liên quan trong việc tuyên truyền, phổ biến, tư vấn cho doanh nghiệp hiểu về CPTPP;

tháo bỏ các rào cản kinh doanh, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, đẩy mạnh cổ phần hóa, vốn hóa thị trường để khu vực tư nhân tham gia.

HOÀNG MINH