Kết nối cung cầu hàng hóa

"Mở đường" cho chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm

Cập nhật, 12:44, Thứ Năm, 11/10/2018 (GMT+7)

Kết nối cung cầu hàng hóa không chỉ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) tiêu thụ sản phẩm, mà còn là cầu nối giúp DN có chỗ đứng trong hệ thống phân phối hiện đại, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh cho các DN địa phương. Đây chính là tiền đề xây dựng chuỗi cung ứng hàng hóa.

Thông qua các hoạt động kết nối, cơ sở, doanh nghiệp đã tìm thêm được đầu ra.
Thông qua các hoạt động kết nối, cơ sở, doanh nghiệp đã tìm thêm được đầu ra.

Kết nối: Để cung gặp cầu

Theo Sở Công thương Vĩnh Long, thời gian qua, bên cạnh việc khuyến khích, hỗ trợ DN áp dụng công nghệ mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, sở đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi DN quảng bá sản phẩm.

Trong đó, Sở Công thương đã tăng cường hoạt động kết nối cung cầu, nhằm hỗ trợ DN tìm đầu ra cho sản phẩm và tạo thành chuỗi kết nối tiêu thụ sản phẩm với các địa phương khác.

Cụ thể như, tham gia hội nghị kết nối cung cầu Đà Nẵng 2018; kết nối cung cầu hàng hóa Vĩnh Long- Đăk Lăk- Bình Phước 2018; phối hợp Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh hỗ trợ Công ty CP Rau quả Bình Minh làm việc với đại diện các siêu thị lớn trên địa bàn TP Hồ Chí Minh như: Lotte, Mega để đưa khoai lang và bưởi vào hệ thống siêu thị…

Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh (Sở Công thương), thông qua hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa, các sản phẩm của làng nghề, hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất nhỏ có điều kiện tiếp cận đưa hàng hóa đi xa hơn và có cơ hội vào hệ thống phân phối hiện đại. Từ đó, giúp DN giải quyết đầu ra, tạo cơ sở vững chắc phát triển sản xuất, mở rộng thị phần.

Mới đây, Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh đã tổ chức đoàn xúc tiến thương mại kết nối giao thương đến 2 tỉnh Đăk Lăk và Bình Phước với hơn 20 mặt hàng là sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của tỉnh. Qua đó, đã đạt được nhiều kết quả khả quan.

Theo đó, ngoài việc giúp các đơn vị tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm ở kênh phân phối truyền thống như ở các chợ truyền thống, nhà hàng- khách sạn, các đại lý phân phối, các thương nhân đầu mối…, ban tổ chức còn chú trọng kênh phân phối hiện đại như:

Co.op-mart Đồng Xoài, Siêu thị hàng Thái, Siêu thị Gold Mart, cửa hàng tiện lợi Phương An, hệ thống phân phối nông sản sạch Anh Coffee,… bởi đây là kênh phân phối quan trọng đối với các mặt hàng nông đặc sản.

Ông Hồ Trung Nghĩa- Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh cho biết: Đăk Lăk và Bình Phước là 2 tỉnh có vị trí quan trọng trong khu vực, thị trường có sức mua hàng hóa tốt, là cửa ngõ quan trọng để hàng hóa đi vào các tỉnh- thành khác trong khu vực miền Trung- Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ.

Đây là cầu nối giao thương, tiêu thụ các sản phẩm có thương hiệu là đặc trưng, đặc sản, thế mạnh của tỉnh Vĩnh Long vào Đăk Lăk- Bình Phước nói riêng và khu vực miền Trung Tây Nguyên, Đông Nam Bộ nói chung.

Cần chú trọng nâng chất và lượng

Nhiều cơ sở, DN cho rằng, đây là 2 thị trường lớn, nhiều tiềm năng tiêu thụ hàng hóa lớn, nên rất mong muốn đưa sản phẩm vào các hệ thống phân phối để quảng bá sản phẩm, tiếp cận người tiêu dùng.

Theo đó, tại các buổi kết nối, các DN là nhà phân phối của tỉnh Đăk Lăk và Bình Phước đều rất quan tâm đến các sản phẩm của Vĩnh Long. Cụ thể như, đại diện Công ty TNHH Nam Trường Sơn (Đăk Lăk) rất thiện chí bày tỏ ý muốn hợp tác trao đổi công nghệ sản xuất- tiêu thụ ca cao với đại diện HTX Nông nghiệp Tích Khánh;

Công ty TNHH Anh Coffee (Đăk Lăk) rất quan tâm và có sự tìm hiểu khá sâu với mặt hàng cam sành, xoài cát núm, chôm chôm Bình Hòa Phước;

đại diện Siêu thị Gold Mart và đại diện hệ thống siêu thị hàng Thái (Bình Phước) đã bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đối với hầu hết tất cả các mặt hàng của Vĩnh Long và có những chia sẻ thẳng thắn cũng như yêu cầu về tiêu chuẩn của sản phẩm để vào được hệ thống.

Ông Nguyễn Văn Suối- Giám đốc HTX Nông nghiệp Tích Khánh (Trà Ôn) cho biết: “Tôi thấy tham gia các buổi kết nối cung cầu rất hữu ích, bởi vừa được quảng bá sản phẩm lại được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, đồng thời đây là bước khởi đầu để mở đường tiêu thụ hàng hóa.

Sau khi ký kết biên bản, đơn vị ký kết ở Đăk Lăk sẽ đến Vĩnh Long để tìm hiểu kỹ hơn về HTX về phương thức sản xuất, nguồn hàng để ký kết hợp tác lâu dài. Cũng nhờ các buổi kết nối mà HTX đã tìm thêm được nhiều đầu ra ổn định, bà con xã viên rất phấn khởi.

Ông Nguyễn Văn Còn- Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Vĩnh Long- nhấn mạnh việc tăng cường kết nối cung cầu, tạo lập chuỗi liên kết bền vững trong hoạt động sản xuất tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy gắn kết giao thương giữa DN với nhà sản xuất, tạo sản phẩm chất lượng uy tín là những vấn đề trọng tâm cần được quan tâm hiện nay.

Tuy nhiên, một số DN, nhà phân phối tỉnh bạn cũng nhận xét rằng quy cách đóng gói, mẫu mã bao bì, nhãn mác, nhãn hiệu của các sản phẩm Vĩnh Long còn thô sơ, chất lượng ở mức trung bình và sản lượng chưa ổn định cho nên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường.

Trong khi đó, đại diện của các đơn vị phía Vĩnh Long tham gia hội nghị đa số là nhân viên, kiểm soát viên của HTX, một số đơn vị tham gia còn tư tưởng đi cho biết, để học hỏi, cho nên quyền thương lượng, quyết định giá cả, khả năng đàm phán ký kết hợp đồng trực tiếp tại hội nghị với đối tác còn hạn chế.

Ngoài ra, còn một số hạn chế: tác phong còn thiếu chuyên nghiệp, thụ động trong giao tiếp, chưa chuẩn bị kỹ lưỡng về thông tin giới thiệu sản phẩm, giấy tờ chứng minh về chất lượng sản phẩm chưa thuyết phục đối tác, chưa chủ động chuẩn bị phương thức vận chuyển hàng hóa, quy cách đóng gói, phương thức thanh toán,… để trả lời ngay cho đối tác.

Để sản phẩm Vĩnh Long có thể mở rộng thị trường, nâng cao khả năng cạnh tranh, ông Hồ Trung Nghĩa cho biết:

Thời gian tới, sẽ tăng cường vận động các đơn vị tham gia cử người có năng lực có kỹ năng thương lượng, đàm phán, giới thiệu sản phẩm với đối tác trong các chuyến kết nối.

Đồng thời, đẩy mạnh hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN trong tỉnh về mẫu mã, bao bì, đóng gói, sản xuất phải theo quy trình chất lượng, đồng thời hỗ trợ đào tạo, rèn luyện các kỹ năng về thương lượng, đàm phán, giao tiếp để cơ sở, DN có thể tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại chuyên nghiệp hơn, hiệu quả hơn.

Thông qua buổi kết nối tại Sở Công thương Đăk Lăk, các nhà phân phối ở Đăk Lăk đã ký kết 14 bản ghi nhớ hợp tác cung ứng và tiêu thụ sản phẩm với các nhà sản xuất Vĩnh Long. Tại hội nghị kết nối tại Bình Phước, các nhà phân phối Bình Phước đã ký kết 17 biên bản ghi nhớ với 8 nhà sản xuất Vĩnh Long.

Các mặt hàng được ký kết là: đồ chơi gỗ Meo Meo, gạo hữu cơ Tấn Đạt, ca cao Tích Khánh, khoai lang Bình Tân, xoài cát núm Quới Thiện, kẹo đậu phộng Sơn Hải, chôm chôm Bình Hòa Phước, cam sành Hiếu Trung, khô cá lóc Phú Thành, hủ tiếu Sáu Thạnh, nước mắm Gia Hỷ.

Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN