Để thay đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp

Cập nhật, 11:10, Thứ Ba, 11/09/2018 (GMT+7)

Hiện trạng sản xuất nông nghiệp (NN) của vùng ĐBSCL vẫn còn nhiều thách thức, nhất là khâu tổ chức sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ. Đẩy mạnh liên kết để phát triển bền vững, thay đổi tư duy từ “sản xuất NN” sang “kinh tế NN”… là những vấn đề đặt ra.

Thay đổi tư duy sản xuất, thu hút đầu tư khoa học- công nghệ, đẩy mạnh liên kết theo chuỗi đang là vấn đề đặt ra cho ngành nông nghiệp hiện nay.
Thay đổi tư duy sản xuất, thu hút đầu tư khoa học- công nghệ, đẩy mạnh liên kết theo chuỗi đang là vấn đề đặt ra cho ngành nông nghiệp hiện nay.

Nhiều thách thức đối với nông nghiệp ĐBSCL

Đánh giá của Bộ NN- PTNT cho thấy, sự phát triển thiếu bền vững của ngành NN vùng ĐBSCL đã bộc lộ trong những năm gần đây khi tốc độ tăng trưởng NN của vùng chậm lại, từ mức 7,15%/năm giai đoạn 2001- 2010, xuống còn khoảng 5% vào giai đoạn 2011- 2016.

Cơ cấu ngành NN của vùng cũng dịch chuyển với tốc độ khá chậm, đến gần đây vẫn chủ yếu dựa vào trồng trọt và sinh kế của người nông dân cải thiện tương đối chậm so với mặt bằng chung cả nước.

Theo ông Phạm Phú Ngọc Trai- Chủ tịch Công ty Tư vấn kinh doanh Hội nhập toàn cầu (BIBC), ngành NN còn đang gặp nhiều hạn chế, dù lĩnh vực này sử dụng gần 80% tổng diện tích đất tự nhiên song quy mô canh tác nhỏ lẻ, năng suất kém.

Bên cạnh đó, chuỗi giá trị đứt gãy, hiệu quả kinh tế thấp, đồng thời, giá thành sản xuất nông sản cao hơn nhiều lần so với các thị trường khác do chi phí sản xuất cao. Chưa kể sản xuất theo công nghệ lạc hậu, việc ứng dụng công nghệ cao dựa trên số hóa nhằm tạo ra các mô hình NN thông minh còn rất ít.

Lấy ví dụ hiện nay chuỗi giá trị lúa gạo của Việt Nam đang có quá nhiều thách thức và hạn chế. TS. Nguyễn Thanh Mỹ- Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Rynan Technologies Vietnam- cho rằng khâu gieo trồng sử dụng quá nhiều cây giống, phân bón giả, kém chất lượng;

khâu phân phối vẫn còn tình trạng “cò mồi” thu gom hàng, thương lái ép giá; khâu chế biến chưa có sự quan tâm và đầu tư trang thiết bị công nghệ cao nên khó kiểm soát chất lượng đầu vào và đầu ra hạt gạo;

khâu thương mại thì bị cạnh tranh bởi gạo Thái Lan, Campuchia; khâu xuất khẩu vẫn còn tình trạng độc quyền bởi các doanh nghiệp nhà nước;

khâu tiêu thụ thì sản phẩm không truy xuất được nguồn gốc và người tiêu dùng vẫn sống trong nỗi lo lắng gạo tồn dư hóa chất. Đây là những thách thức không nhỏ trong chuỗi giá trị canh tác lúa gạo.

Vì thế, tình trạng nông sản giảm giá khi năng suất sản xuất gia tăng vẫn liên tục diễn ra. Các chuyên gia cho rằng, phải thay đổi tư duy từ “sản xuất NN” sang “kinh tế NN” của các nhà quản lý và hoạch định chính sách NN.

Sản xuất NN theo chuỗi giá trị là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân.

Hình thức này đảm bảo cho các tác nhân tham gia trong chuỗi chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm với nhau, điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Để không bị bỏ lại phía sau

Tại buổi tọa đàm với chủ đề “Khởi nghiệp NN công nghệ cao: Để không bị bỏ lại phía sau” do Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức ngày 7/9, nhân dịp ra mắt Ban chủ nhiệm CLB Hỗ trợ Khởi nghiệp Saigon Times vừa qua, các diễn giả đã có nhiều góc tiếp cận mới trong khởi nghiệp- làm kinh tế NN.

Bà Phạm Phương Thảo- Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Organica- cho biết công ty khởi nghiệp không áp dụng công nghệ cao, thuộc lĩnh vực NN hữu cơ, còn rất mới trên thế giới: không hóa chất, không diệt cỏ, không biến đổi gien và không chất tăng trưởng…

Theo bà, ngày nay đang có nhiều bạn trẻ dấn thân vào lĩnh vực khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp NN, nên hướng đi này không “đơn lẻ” trên con đường khởi nghiệp.

Còn ông Nguyễn Việt Đức- CEO Innovation Capital Management- cho rằng hiện hoạt động đầu tư vào NN còn ít, NN và đổi mới NN có nhiều lĩnh vực như dưỡng chất, nuôi giống, chăm sóc, quá trình xuất xưởng hàng hóa, truy xuất, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào nuôi trồng,…

Tuy nhiên, dù có nhiều lĩnh vực, có nhiều ý tưởng nhưng lại chưa được ứng dụng, chưa mạnh dạn thay đổi trong các khâu, chưa nắm bắt được nhu cầu thị trường để phát triển thêm hay bắt đầu khởi nghiệp. Chỉ có 10% của quỹ khởi nghiệp hiện nay là dành cho sự phát triển NN.

“Tôi cho rằng cần kết nối nhiều hơn với các tổ chức NN, các sinh viên nghiên cứu, trường ĐH để phát triển nhiều hơn về ý tưởng khởi nghiệp NN, cũng như mô hình kinh tế NN”- ông Nguyễn Việt Đức đề xuất.

Theo Bộ NN- PTNT, năm 2017, cả nước có 1.955 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong lĩnh vực NN, đưa số lượng doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực NN đạt trên 5.661 doanh nghiệp.

Tính đến quý II/2018, có khoảng 7.600 doanh nghiệp NN. Tuy nhiên, đầu tư trong lĩnh vực NN thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của quốc gia và chưa thật sự bền vững, hiệu quả.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch- Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, hiện cả nước có khoảng hơn 49.600 doanh nghiệp đầu tư vào NN, chiếm 8% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước; nhưng các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất các sản phẩm nông, lâm, thủy sản chỉ chiếm khoảng 1% tổng số doanh nghiệp.

Do vậy, ngành NN cần tổ chức lại sản xuất, ứng dụng khoa học, tiếp tục hoàn thiện thể chế lĩnh vực NN nông thôn là nhiệm vụ cấp bách.

Bài, ảnh: LÝ AN