Câu chuyện nông thôn

Nhà nông thời 4.0

Cập nhật, 13:13, Thứ Tư, 05/09/2018 (GMT+7)

Hai Lúa tui nghĩ nếu nông dân mình cứ mãi “cắm mặt xuống ruộng” một đời đi “gia công” ra từng hột lúa, củ khoai rồi rốt cuộc lại làm giàu cho rất nhiều người trừ… nông dân, thì quả là một sự bất hợp lý, bất công quá đỗi. Làm sao để thay đổi cái “cán cân” quá lệch chuẩn này?

Tri thức, khoa học, công nghệ là những nhân tố cần thiết phải dồi dào trong nền nông nghiệp mình, mới mong đem lại sự thịnh vượng, giàu có và nông dân mới có ngày “ngẩng mặt với đời”.

Hai Lúa tui được biết có nhóm nông nghiệp hữu cơ ở đồng bằng đang được sự đỡ đầu của một số nhà khoa học trẻ tài năng, uy tín trong ngành nông nghiệp ở trong nước và nước ngoài, đang bắt đầu xây dựng những kế hoạch chiều sâu, dần hoàn thiện mọi nguồn lực, tiềm lực chuẩn bị bước vào sân chơi lớn.

Sân chơi khoa học, công nghệ hiện đại cho nông nghiệp, nông dân xứ mình; mà trong đó một trong những đòi hỏi là câu chuyện ngoại ngữ.

Quy định bắt buộc đầu tiên, là tất cả thành viên gia nhập nhóm nông nghiệp hữu cơ đều phải sử dụng được tiếng Anh, với trình độ nào hổng biết, bằng cấp chi hổng cần biết, nhưng phải tự giao tiếp được với người nước ngoài, có thể tự giải thích được những câu chuyện xung quanh ruộng rẫy mình.

Ham muốn được gia nhập nhóm nông nghiệp hữu cơ đó, Hai Lúa tui cũng phải bắt đầu đi học nghiêm túc để xóa dốt tiếng Anh.

Trên cơ sở đó, những nông dân này hàng năm đều được thay phiên nhau có những chuyến tham quan học tập ngắn ngày, dài tháng tại 2 nước có nền nông nghiệp phát triển mạnh là Nhật Bản và Úc.

Nông dân đi ra nước ngoài học tập hổng cần phiên dịch, giống như những người bị quăng xuống nước rồi tự khắc phải biết bơi vậy thôi.

Cách làm này trước hết là mang lại sự tự tin giao tiếp trong quá trình tiếp xúc làm việc, đồng thời mở ra nhiều mối quan hệ trong quá trình giao lưu học tập, trao đổi qua lại giữa mình với các nước bạn.

Bên cạnh đó, một nhóm nhà khoa học đỡ đầu hỗ trợ sẽ cung cấp, dịch thuật những tài liệu khoa học, những tham luận hội thảo khoa học quốc tế cho nông dân.

Bước tiếp theo là tiếp cận những kiến thức công nghệ thông tin và ứng dụng nó vào công việc thực tế trên đồng ruộng từ khâu sản xuất cho đến tiếp cận quảng bá trên thị trường.

Hai Lúa tui nhận thấy, tất cả những bước trên trước hết trang bị cho nông dân kiến thức khoa học hiện đại, cụ thể nhất, trực tiếp nhất;

đồng thời cũng là cách tốt nhất tạo nên uy tín cho nông nghiệp, nông dân mình, tạo nên niềm tin vững chắc cho người tiêu dùng trong ngoài nước. Dần đưa vị thế người nông dân xứ mình lên tầm cao mới.

Hailua@.com