Sầu riêng có giá và nỗi lo điệp khúc "chặt- trồng"

Cập nhật, 06:03, Thứ Sáu, 10/08/2018 (GMT+7)

Giá sầu riêng ở mức cao và ổn định liên tiếp 2-3 năm nên người dân đổ xô trồng khiến nhu cầu cây giống tăng mạnh, hạt sầu riêng dùng để ươm giống cũng hút hàng, sốt giá. Song sau khi trồng ồ ạt, sầu riêng có thật sự còn “dễ ăn”?

Nhà vườn cần tỉnh táo trước “cơn sốt sầu riêng” đừng để sầu riêng thành sầu chung.
Nhà vườn cần tỉnh táo trước “cơn sốt sầu riêng” đừng để sầu riêng thành sầu chung.

Giá hột tăng 50%

Phá vườn tạp, lên đất ruộng, thậm chí chặt cây trồng lâu năm để thay thế bằng sầu riêng là chuyện đang diễn ra ở một số nơi trong tỉnh hiện nay.

Nhiều nông dân cho rằng, với giá như hiện nay thì trồng sầu riêng dễ “có ăn” hơn. Nhu cầu về cây giống tăng cao làm cho giá hột sầu riêng cũng được đẩy lên cao ngất ngưởng.

Một số tiểu thương cho biết, hiện hột sầu riêng đang ở mức 80.000- 100.000 đ/kg, tăng gấp 2- 3 lần so với năm trước.

Hút hàng, sốt giá nhưng nhiều tiểu thương cho hay do vào mùa nghịch nên nguồn cung hột sầu riêng trở nên khan hiếm, việc tìm được hàng nhiều để mua cũng rất khó.

Theo đó, tại nhiều địa phương, bên cạnh việc treo bảng thu mua hột, tiểu thương còn “bắt mối” hỏi thăm để thu mua tận nhà.

Treo bảng thu mua hột sầu riêng khoảng tháng nay, cô Trần Thị Kích- chủ sạp trái cây chợ thị trấn Cái Nhum (Mang Thít) cho hay: Năm nay giá hột sầu riêng tăng cao quá. Mỗi ngày mua từ 5- 15kg hột với giá 60.000- 70.000 đ/kg, sau đó tôi bán lại cho chủ vườn ươm từ 90.000- 100.000 đ/kg.

Trong khi đó, nhiều chủ vườn cây giống cũng đang đau đầu vì thiếu nguồn hột để ươm. Anh Nguyễn Văn Tùng- chủ vườn sản xuất và kinh doanh giống cây ăn trái Mười Tùng (xã Hòa Ninh- Long Hồ)- cho biết: Năm nay, giá hột tăng gấp đôi, gấp ba mà mua cũng không có, phải đặt hàng rồi đợi “sắp tài”.

Hiện giá cây giống sầu riêng thành phẩm đang ở mức 120.000- 150.000 đ/cây, tăng 50.000- 70.000 đ/cây so năm trước. Nếu mức giá hột hiện nay là 100.000 đ/kg thì 2 năm sau, khi ươm thành phẩm sầu riêng giống sẽ có thể ở mức 200.000 đ/cây.

Để có thêm nguồn thu “một công đôi lời”, nhiều người đã mua sầu riêng trái về rồi bán cơm sầu riêng với giá 20.000- 35.000 đ/kg sau đó thu lại hột.

Ông Trần Tuấn Quốc- Giám đốc Công ty TNHH cây giống Toàn Quốc (Long Hồ)- một trong những điểm bán sầu riêng ăn tại chỗ- cho hay: Sầu riêng được nhập về có nguồn gốc từ Lâm Đồng chủ yếu các loại như: sầu riêng khổ qua, bơ sữa…

Trung bình mỗi ngày tiêu thụ từ 1-3 tấn sầu riêng, sau đó thu hột lại rồi bán lại cho các cơ sở dùng để ươm giống cung cấp cho các tỉnh Hậu Giang, Bến Tre, Buôn Mê Thuột…

Chủ một điểm bán sầu riêng ăn trả hột (TP Vĩnh Long) cũng cho hay: “Do nguồn cây giống hút hàng, giá cao quá, nếu đầu tư mua hột ươm thì chi phí sẽ rất cao.

Bán cơm lấy hột vừa có thêm lời vừa quảng cáo được chất lượng sầu riêng, vừa có hột ươm chất lượng hơn vì biết nguồn gốc của trái sầu riêng đã mua”.

Thận trọng khi trồng ồ ạt

Cây giống sầu riêng đang hút hàng, sốt giá.
Cây giống sầu riêng đang hút hàng, sốt giá.

Tại một số địa phương, nhiều nông dân cho hay cây sầu riêng đang dần trở thành cây chủ lực bởi nó đang mang lại giá trị kinh tế cao.

Do đó, nhiều người đã không ngần ngại “xuống tay” với những cây trồng lâu năm trước đó, dù “có hiệu quả kinh tế nhưng không bằng sầu riêng nên đốn bỏ”.

Là một trong những địa phương trồng mới sầu riêng nhiều ở huyện, từ đầu năm đến nay, xã Chánh An (Mang Thít) đã có thêm gần 40ha sầu riêng.

Ông Trương Thanh Sơn- Chủ tịch UBND xã- cho biết: Năm nay, diện tích trồng mới tăng gấp đôi so với năm trước. Hiện toàn xã có hơn 140ha sầu riêng. Nhiều người phá vườn tạp, lên ruộng để trồng mới.

Tuy nhiên, trước thực trạng người dân đổ xô trồng sầu riêng, nhiều địa phương đã lo lắng điệp khúc “được mùa mất giá”.

Về vấn đề này, ông Trương Thanh Sơn cho biết thêm: Dù giá những năm gần đây khá ổn nhưng cũng không khỏi lo về tình trạng cung vượt cầu.

Do đó, bên cạnh tập huấn kỹ thuật cho người dân, địa phương còn khuyến cáo nên thận trọng, nên chia sẻ kinh nghiệm trồng với nhau, chú trọng nâng chất lượng trái, đồng thời khi bán nên liên kết các nhà vườn với nhau để tránh tình trạng bị thương lái ép giá.

Còn tại xã Thanh Bình (Vũng Liêm), địa phương có quy hoạch trồng 2 loại cây chủ lực là sầu riêng và bưởi cũng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật cho nông dân.

Anh Nguyễn Hoàng Đệ- cán bộ nông nghiệp xã- cho biết: Xã có hơn 380ha sầu riêng, từ 2 năm trở lại đây có khoảng 50ha trồng mới. Địa phương cũng đã xây dựng mô hình VietGAP để người dân tham gia, nhằm nâng cao chất lượng trái, tạo đầu ra ổn định hơn.

Sầu riêng được mùa, được giá nhiều năm liền là điều đáng mừng bởi không ít nhà vườn đã giàu lên nhờ cây sầu riêng.

Song, trước những bài học giải cứu hàng loại cây trái trước đó nông dân nên cẩn trọng khi ồ ạt trồng mới bởi sầu riêng có thể “dễ ăn” nhưng không dễ trồng, đòi hỏi người trồng phải nắm vững kỹ thuật và đầu tư mạnh vào chăm sóc, phòng bệnh và cũng tùy thuộc vào điều kiện tự nhiên của từng khu vực.

Do đó, đừng vì muốn “bỏ con tép, bắt con tôm” mà lặp lại điệp khúc “chặt- trồng” để rồi biến sầu riêng thành sầu chung.

Ông Trương Thanh Sơn- Chủ tịch UBND xã Chánh An: Từ năm 2016 đến nay, giá sầu riêng “ngon”. Mùa nghịch luôn ở mức trên 80.000 đ/kg, còn mùa thuận thì cũng 37.000- 40.000 đ/kg, chủ yếu là giống Ri 6, monthong. Năm nay, nhiều người chuyển sang trồng monthong bởi giá cây giống thấp hơn Ri 6. Trong khi cây giống Ri 6 mùa thuận ở mức 90.000- 120.000 đ/cây, mùa nghịch 130.000- 160.000 đ/cây, thì monthong chỉ ở mức 40.000- 100.000 đ/cây tùy mùa. Monthong cũng nhẹ công chăm sóc, trái sai, nặng ký hơn, khi đến độ cắt có thể giữ trên cây lâu hơn, lại chín đồng loạt.

 Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN