Phòng thời tiết cực đoan vào giai đoạn chuyển mùa

Cập nhật, 16:15, Thứ Ba, 15/05/2018 (GMT+7)

Theo Đài Khí tượng- Thủy văn khu vực Nam Bộ, biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã, đang và sẽ tác động ngày càng mạnh đến thời tiết, thủy văn khu vực Nam Bộ theo chiều hướng cực đoan.

Đặc biệt là thời kỳ chuyển mùa, bắt đầu mùa mưa,... việc nâng chất lượng các bản tin dự báo khí tượng thủy văn, đưa ra cảnh báo sớm là yêu cầu cấp thiết giúp công tác ứng phó, phòng chống thiên tai hiệu quả.

Dưới tác động của biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết, thủy văn khu vực Nam Bộ ngày càng theo chiều hướng cực đoan. Nhà vườn ở cù lao Dài (Vũng Liêm) với sáng kiến trữ nước ngọt ứng phó biến đổi khí hậu.
Dưới tác động của biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết, thủy văn khu vực Nam Bộ ngày càng theo chiều hướng cực đoan. Nhà vườn ở cù lao Dài (Vũng Liêm) với sáng kiến trữ nước ngọt ứng phó biến đổi khí hậu.

Nhận định sơ bộ xu thế thời tiết, thủy văn mùa mưa, bão, lũ năm nay tỉnh Vĩnh Long, ông Nguyễn Văn Lợi- Phó Giám đốc Đài Khí tượng- Thủy văn tỉnh cho rằng tình hình thời tiết, thủy văn năm 2018 còn diễn biến phức tạp, cần chủ động đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa rất to trong thời đoạn ngắn, giông mạnh kèm theo tố, lốc, sét, mưa đá... ảnh hưởng đến tỉnh Vĩnh Long trong các tháng đầu mùa mưa.

Những ngày cuối tháng 4 đến đầu tháng 5 vừa qua đã xuất hiện mưa chuyển mùa. Thời kỳ bắt đầu mùa mưa tại Vĩnh Long ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm, trong khoảng ngày 5- 15/5.

Tổng lượng mưa trong mùa mưa đạt từ 1.200-1.500mm, ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm. Riêng trong tháng 5 thì tổng lượng mưa ở mức cao hơn trung bình nhiều năm.

Thời kỳ chuyển mùa và sau các đợt giảm mưa, cần đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa rất to xảy ra trong thời đoạn ngắn. Giông mạnh, sét, tố, lốc sẽ xuất hiện với tần suất nhiều hơn.

Theo dự báo, số lượng bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông khoảng 12- 13 cơn và chủ yếu hoạt động trên khu vực Bắc biển Đông. Trong đó, bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta khoảng 5- 6 cơn.

Đặc biệt cần đề phòng những cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động vào các tháng cuối mùa (tháng 10- 12) ảnh hưởng đến các tỉnh phía Nam, bao gồm cả khu vực Nam Bộ. Tại trạm Mỹ Thuận (sông Tiền), mực nước thấp nhất sẽ xuống dần đến mức -1,45m đến -1,55m vào các tháng 5, 6. Mực nước cao nhất sẽ đạt mức 1,9- 2m vào các tháng 10, 11.

Ứng dụng công nghệ hiện đại, đưa ra cảnh báo sớm giúp ứng phó thiên tai hiệu quả hơn.
Ứng dụng công nghệ hiện đại, đưa ra cảnh báo sớm giúp ứng phó thiên tai hiệu quả hơn.

Theo Đài Khí tượng- Thủy văn khu vực Nam Bộ, trong những năm gần đây, tình hình thời tiết thủy văn diễn biến hết sức phức tạp và có nhiều dị thường.

Thiên tai có nguồn gốc khí tượng- thủy văn xảy ra liên tục và với tần suất ngày càng gia tăng trên phạm vi cả nước như mưa trái mùa ở Nam Bộ, bão, áp thấp nhiệt đới gia tăng về số lượng (năm 2017 có 16 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông).

Đặc biệt là năm vừa qua bão xuất hiện sớm và kết thúc muộn, những cơn bão cuối năm đe dọa Nam Bộ. Riêng đối với khu vực Nam Bộ, thời tiết cũng có những biến động mạnh mẽ với sự xuất hiện các đợt nắng nóng, mưa lớn trên diện rộng, giông mạnh kèm theo tố, lốc, sét... xảy ra ở nhiều tỉnh, đã gây nhiều thiệt hại về người và tài sản của nhân dân trong khu vực.

Biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã, đang và sẽ tác động ngày càng mạnh đến thời tiết, thủy văn khu vực Nam Bộ theo chiều hướng cực đoan.

Theo ông Lê Ngọc Quyền- Giám đốc Đài Khí tượng- Thủy văn khu vực Nam Bộ, trước diễn biến ngày càng phức tạp của thời tiết, thủy văn và yêu cầu ngày càng cao của xã hội, việc nâng cao chất lượng các bản tin dự báo khí tượng thủy văn, trong đó có bản tin nhận định mùa, tình hình khí tượng thủy văn trong năm là yêu cầu cấp thiết.

Trong đó quan tâm hàng đầu là nhận định đúng thời kỳ chuyển mùa cũng như thời kỳ bắt đầu mùa mưa, xu thế mưa, thời gian xuất hiện cũng như độ cao của đỉnh lũ đầu nguồn sông Cửu Long, triều cường ở hạ lưu các sông Nam Bộ... nhằm giúp các cấp, các ngành và nhân dân trong khu vực có cái nhìn tổng quan ban đầu về diễn biến của mùa mưa bão, lũ năm 2018, từ đó đề ra kế hoạch sản xuất, ứng phó, phòng chống thiên tai phù hợp, hiệu quả

  • Bài, ảnh: THÀNH LONG