Cơ sở, doanh nghiệp nhỏ

"Tự nâng cấp" để mạnh hơn

Cập nhật, 19:15, Thứ Bảy, 17/02/2018 (GMT+7)

Tự tin với sản phẩm mình làm ra và lấy chất lượng làm tiêu chí hàng đầu để chinh phục người tiêu dùng là “chiến thuật” của các cơ sở, doanh nghiệp (DN) nhỏ nhằm giữ vững thị trường trên con đường hội nhập.

Tư tưởng thoáng hơn, mạnh dạn hơn, những cơ sở, DN này đã cải tiến, nâng tầm cho sản phẩm và nâng sức cạnh tranh trên thương trường.

Nhờ mạnh dạn đầu tư, mà doanh nghiệp nhỏ nâng chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh.
Nhờ mạnh dạn đầu tư, mà doanh nghiệp nhỏ nâng chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh.

Mạnh dạn “tự nâng cấp”

Những hiệp định thương mại khi có hiệu lực sẽ làm cho hoạt động thương mại tăng lên, tạo cơ hội cho Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn. Song, đây cũng là thách thức không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng DN.

Trong khi đó, được xem là thành phần yếu thế hơn về quy mô, vốn, thị trường, nhưng các DN nhỏ đang từng bước nỗ lực, có những giải pháp thích ứng kịp thời, có chiến lược phát triển riêng để tham gia sân chơi lớn và không bị thiệt trên sân nhà.

Nhiều cơ sở sản xuất cho rằng, đi lên từ ngành nghề truyền thống, vốn yếu, “lép vế” về chiến lược maketing, quảng cáo rầm rộ như những DN “đại gia”, song khi đã bước chân ra thương trường, muốn tồn tại thì phải đổi mới tư duy, mạnh dạn hơn.

Và chính nhờ tư duy không bảo thủ, không quá rụt rè khi bước ra sông lớn, những cơ sở, DN nhỏ này đang dần chứng minh thực lực trên thương trường.

Suy nghĩ “chỉ có đổi mới mới thành công, mới tồn tại lâu dài” nên anh Lê Đắc Nghĩa- chủ cơ sở sản xuất hủ tiếu Nghĩa (ấp Tân Vĩnh, xã Trường An- TP Vĩnh Long) đã mạnh dạn đầu tư máy móc để nâng chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường.

Anh cho hay: “Một khi đã yêu nghề phải gắn bó với nghề, suy nghĩ tìm cách sao cho nghề phát triển hơn. Nếu không trang bị, tự nâng cao khả năng thì sẽ rất khó cạnh tranh và dễ bị tuột lại phía sau.

Do đó, tôi dần thay thế cách sản xuất truyền thống và chuyển sang sản xuất bằng máy móc, vừa tiết kiệm nhân công, thời gian, năng suất lại tăng 20- 30% so với trước, thị trường cũng rộng mở hơn”.

Đó là lý do vì sao hiện nay dù có nhiều cơ sở “rụng dần” nhưng sản phẩm của anh Nghĩa thì ngày càng đi xa hơn, rộng hơn.

Cũng nhờ cải tiến công nghệ sản xuất, mà cơ sở bánh tráng Thanh Phong (ấp Tân Bình, xã Tân Hạnh- Long Hồ) của anh Nguyễn Tường Tri tăng công suất lên gấp 1,6 lần; rút ngắn thời gian, tăng doanh thu, “thị trường cũng nhiều hơn, cảm thấy phấn khởi, tự tin hơn”- anh Tri cho hay.

Tương tự, chị Trần Thanh Trang- chủ Cơ sở sản xuất cốm kẹo đậu phộng Hoàng Trang (ấp Hiếu Hiệp, xã Hiếu Phụng- Vũng Liêm) cũng chia sẻ: “Đây là nghề truyền thống 3 đời của gia đình, tồn tại hơn 30 năm rồi. Tôi lớn lên, mùi kẹo, mùi cốm đã ngấm vào tâm, nên tôi phải giữ gìn và phát huy hơn nữa.

Trước đây làm theo cách thủ công, thị trường chỉ vòng vòng trong tỉnh nhưng từ khi đầu tư máy móc, đóng gói, có bao bì hẳn hoi, tôi đã lấn được sang thị trường ở Trà Vinh, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Bình Dương...

Giờ cạnh tranh gay gắt hơn, mình phải chủ động mới được, không thể giậm chân tại chỗ, phải cải thiện mẫu mã đẹp hơn và hơn hết là phải có chất lượng, an toàn, vì nếu không sẽ khó tồn tại”.

Cải thiện máy móc cho ra sản phẩm đẹp mắt, thu hút người tiêu dùng hơn.
Cải thiện máy móc cho ra sản phẩm đẹp mắt, thu hút người tiêu dùng hơn.

Để vững bước trên đường hội nhập

Có thể thấy, để tồn tại và phát triển bền vững trong thị trường cạnh tranh gay gắt như hiện nay thì đổi mới phương thức sản xuất là yêu cầu bắt buộc. Cụ thể là đổi mới công nghệ sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật từ đó, tăng năng suất, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm.

Bên cạnh đó, chủ DN cũng cần nâng cao nhận thức và chủ động hội nhập, bởi vẫn còn không ít DN, cơ sở vẫn “bình chân như vại”, không biết và không quan tâm về các hiệp định thương mại.

Chỉ có đầu tư, đổi mới, DN mới tự tin vào sản phẩm của mình hơn, từ đó mạnh dạn tìm kiếm thị trường.

Anh Lê Đắc Nghĩa chia sẻ: “Tôi lấy tiêu chí chất lượng sản phẩm để cạnh tranh. Là mặt hàng thực phẩm, nên để người tiêu dùng đánh giá. Hàng rẻ, quảng cáo nhiều mà chất lượng không ngon thì cũng thua.

Ưu thế của cơ sở tôi là đã có thị trường truyền thống vững nhưng tôi không hài lòng với hiện tại mà phải phấn đấu hơn. Hiện sản phẩm của tôi chỉ đi được thị trường rìa, nên tôi còn đầu tư, cải tiến thêm để sản phẩm đi sâu và đi xa hơn nữa”.

Nhiều doanh nghiệp khẳng định: Chất lượng là tiêu chí hàng đầu để chinh phục người tiêu dùng.
Nhiều doanh nghiệp khẳng định: Chất lượng là tiêu chí hàng đầu để chinh phục người tiêu dùng.

Để cơ sở, DN nhỏ đứng vững trên sân nhà, ông Vũ Ngọc Tú- Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh- nhận định: Đã đến lúc cơ sở, DN nhỏ cần phải thay đổi chiến lược cạnh tranh để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Cần đầu tư nâng cấp công nghệ, cho ra đời những sản phảm có chất lượng tốt hơn, tạo ra sự khác biệt để cạnh tranh với các đối thủ, dành vị trí xứng đáng trên thị trường.

Song song đó, khi quy mô và tiềm lực còn nhỏ, DN nhỏ cần chú ý đến lợi thế sẵn có của mình là thị trường truyền thống, thị trường nông thôn- nơi các “ông lớn” khó chen chân vào. Có như vậy, cơ sở, DN nhỏ mới có thể tự tin vươn ra sông dài, biển lớn

 

Ông Lê Thanh Phong- Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công thương): 

 

Trong năm 2017, trung tâm đã bàn giao hơn 20 đề án hỗ trợ thiết bị máy móc tiên tiến cho cơ sở, DN với kinh phí trên 2 tỷ đồng.

 

Bên cạnh đó, trung tâm còn hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý DN, phát triển tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, hỗ trợ tham gia hội chợ triển lãm, kết nối cung cầu, tìm kiếm thị trường tiêu thụ...


“Tôi đổi mới và tôi đã thành công!” (ảnh)

Chị Trần Thanh Trang- Chủ cơ sở sản xuất cốm kẹo đậu phộng Hoàng Trang: “Dù hiện nay cạnh tranh nhiều nhưng tôi không lo vì mình giữ chất lượng, an toàn cho sức khỏe thì sẽ có lòng tin của người tiêu dùng. Tôi cũng nghiên cứu, ghi nhận ý kiến của khách hàng để hoàn thiện sản phẩm hơn và cho ra nhiều loại sản phẩm để phù hợp với thị hiếu của khách hàng.

 

Tôi chọn đổi mới công nghệ sản xuất và tôi nhận thấy đây là con đường đúng đắn mình phải đi nếu muốn tồn tại và phát triển. Đến nay, sản phẩm của tôi ngày càng được nhiều người biết đến, sản lượng mỗi năm mỗi tăng. Tôi nghĩ, biết chủ động, biết cải thiện, nâng chất lượng và biết lắng nghe người tiêu dùng thì nhất định sẽ thành công hơn nữa”.

 

 

Bài, ảnh: THẢO LY

Ông Lê Thanh Phong- Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công thương): Trong năm 2017, trung tâm đã bàn giao hơn 20 đề án hỗ trợ thiết bị máy móc tiên tiến cho cơ sở, DN với kinh phí trên 2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trung tâm còn hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý DN, phát triển tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, hỗ trợ tham gia hội chợ triển lãm, kết nối cung cầu, tìm kiếm thị trường tiêu thụ...

BOX2:

“Tôi đổi mới và tôi đã thành công!” (ảnh)

Chị Trần Thanh Trang- Chủ cơ sở sản xuất cốm kẹo đậu phộng Hoàng Trang: “Dù hiện nay cạnh tranh nhiều nhưng tôi không lo vì mình giữ chất lượng, an toàn cho sức khỏe thì sẽ có lòng tin của người tiêu dùng. Tôi cũng nghiên cứu, ghi nhận ý kiến của khách hàng để hoàn thiện sản phẩm hơn và cho ra nhiều loại sản phẩm để phù hợp với thị hiếu của khách hàng. Tôi chọn đổi mới công nghệ sản xuất và tôi nhận thấy đây là con đường đúng đắn mình phải đi nếu muốn tồn tại và phát triển. Đến nay, sản phẩm của tôi ngày càng được nhiều người biết đến, sản lượng mỗi năm mỗi tăng. Tôi nghĩ, biết chủ động, biết cải thiện, nâng chất lượng và biết lắng nghe người tiêu dùng thì nhất định sẽ thành công hơn nữa”.