Blog thị trường

Hội nhập kinh tế- làm nửa vời là thất bại

Cập nhật, 16:53, Thứ Sáu, 22/12/2017 (GMT+7)

Tại diễn đàn “Hội nhập Kinh tế Quốc tế Việt Nam 2017: Tăng cường động lực cho giai đoạn phát triển” do BCĐ liên ngành Hội nhập Quốc tế tổ chức, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh nhận xét hội nhập đã có tác động tích cực đến nhiều mặt.

Kể từ năm 2007 khi gia nhập WTO, Việt Nam đã đi trước một bước nhằm thúc đẩy cải cách thể chế, môi trường kinh doanh đã tăng 14 bậc trong năm 2017, lên thứ 68/190 nền kinh tế được xếp hạng.

Về thương mại, dịch vụ, giai đoạn 2007- 2017, tăng trưởng xuất khẩu bình quân 16,6%/năm, tuy thấp hơn giai đoạn trước đó (19,4% của giai đoạn 2000- 2006), nhưng vẫn được xem là tích cực trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Giai đoạn này, Việt Nam cũng thu hút khoảng 18.000 dự án với số vốn đăng ký khoảng gần 300 tỷ USD, bằng 3,8 lần giai đoạn trước WTO. Tỷ lệ lao động qua đào tạo cũng tăng nhẹ từ gần 35% năm 2007 lên 49% năm 2017.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, quá trình hội nhập cũng còn một số tồn tại như triển khai chiến lược hội nhập quốc tế chưa đồng bộ; cải cách trong nước, nhất là thể chế chưa đáp ứng yêu cầu; khả năng nhận định, đánh giá và dự báo xu thế chưa cao.

Tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận xét: “Trước hết cần giải quyết một số việc chúng ta đã phát hiện ra: quan hệ giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp trong nước, nhận thức về hội nhập, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản trị quốc gia và doanh nghiệp...

Tất cả những điểm yếu cần phải tập trung khắc phục. Tiến trình hội nhập nói chung và việc hội nhập kinh tế cần có quyết tâm chính trị cao với sự sáng tạo, nỗ lực của mọi cấp, mọi ngành. Không có quyết tâm cao, hành động cụ thể mà làm nửa vời thì chúng ta thất bại”.

Bido2_40.com