Blog thị trường

Mì gói và chất lượng cuộc sống

Cập nhật, 14:38, Thứ Sáu, 24/11/2017 (GMT+7)

Số liệu thống kê của Hiệp hội Mì ăn liền Thế giới (WINA) cho thấy, số lượng tiêu thụ mì của người Việt trong năm 2016 là 4,920 tỷ gói mì ăn liền, tăng 2,5% so với năm 2015. Tuy chưa bằng kỷ lục 5,2 tỷ gói năm 2013, nhưng thị trường sản xuất mì ăn liền đang có dấu hiệu phục hồi.

Việt Nam hiện có hơn 50 doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực mì ăn liền. Trước sức ép cạnh tranh buộc các DN phải thay đổi chiến lược để giành và giữ thị phần. Giá rẻ không còn là yếu tố phân định thị trường nên các DN mì gói đang chuyển hướng sang chất lượng.

Thị trường mì gói hiện nay rất đa dạng, dòng sản phẩm mì gói, mì ly có rau và thịt. Bên cạnh, các sản phẩm ăn liền từ gạo như phở, bún, miến…

Theo một lãnh đạo DN, chuyển hướng sang các dòng sản phẩm cao cấp là xu thế tất yếu khi người dân có thu nhập cao hơn, yêu cầu về chất lượng và giá trị dinh dưỡng tăng.

Dù cạnh tranh khốc liệt, nhưng theo các chuyên gia, thị trường mì gói tại Việt Nam vẫn rất tiềm năng. Và, cuộc chiến… mì gói được cho là vẫn đang diễn ra, cơ hội vẫn dành cho DN có chiến lược khôn ngoan, nắm bắt thị trường tốt.

Nhưng ở góc độ người tiêu dùng, nhiều ý kiến cho rằng sức tiêu thụ mì gói lớn của thị trường cho thấy chất lượng cuộc sống của người dân không tăng lên mà ngược lại đang giảm sút. Cuộc sống hối hả, nhiều gia đình chọn mì gói để ăn qua loa cho xong bữa.

Trong khi mì gói khó có thể cung cấp đủ các chất cần thiết cho cơ thể song sinh viên, công nhân và người lao động thu nhập thấp… là những “tín đồ” trung thành chọn mì gói ăn sáng để tiết kiệm tiền bạc, thời gian.

Bido2_40.com