15 năm- đồng hành cùng người nghèo vượt khó

Cập nhật, 13:51, Thứ Năm, 19/10/2017 (GMT+7)

 

Cán bộ làm công tác tín dụng cần tư vấn người vay sử dụng vốn vay hiệu quả.
Cán bộ làm công tác tín dụng cần tư vấn người vay sử dụng vốn vay hiệu quả.

Sau 15 năm, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Việt Nam đã cho 31,8 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn, góp phần giúp trên 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo.

Từ con số ấn tượng này, tại hội nghị trực tuyến tổng kết 15 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương cán bộ làm tín dụng đã tận tâm, tận lực;

đồng thời cho rằng, cả nước còn 1,9 triệu hộ nghèo và 1,3 triệu hộ cận nghèo, vì vậy cán bộ tín dụng phải gần dân để đáp ứng tốt hơn, phù hợp nhu cầu của người vay vốn.

Bảo đảm nguồn lực, đáp ứng nhu cầu người nghèo

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng tín dụng CSXH là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển xã hội, tạo xung lực cho giảm nghèo bền vững.

Việc thực hiện tốt nhận tiền gửi từ người nghèo nhằm tạo thói quen tích lũy và hỗ trợ người nghèo từng bước tiếp cận tín dụng ngân hàng đã được Thủ tướng đánh giá cao, cho đây là sáng kiến của NHCSXH.

Với hơn 20 chương trình tín dụng CSXH, gần 7 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có dư nợ nhưng tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,81%, con số rất thấp so với các ngân hàng thương mại. Đây là số liệu hết sức đáng mừng.

Các chương trình tín dụng của NHCSXH còn giúp trên 112.000 lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn để xuất khẩu lao động; trên 3,5 triệu học sinh, sinh viên vay vốn học tập và nhiều chương trình quan trọng khác về xóa đói giảm nghèo…

Việc tiếp cận vốn, giải quyết việc làm, tăng thu nhập tạo chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nguồn lực tài chính được bảo đảm, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người nghèo.

Theo ông Dương Quyết Thắng- Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam, sau 3 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội đã phát huy hiệu lực, hiệu quả trên phạm vi toàn quốc, có tác động tích cực đối với hoạt động tín dụng CSXH và hoạt động của NHCSXH.

Cụ thể, nguồn vốn ủy thác địa phương đã tăng thêm 4.593 tỷ đồng (118% so với trước khi có Chỉ thị 40-CT/TW), đưa tổng nguồn vốn ủy thác địa phương đến nay đạt 8.485 tỷ đồng.

Sự tham gia của các tổ chức chính trị- xã hội trong thực hiện tín dụng chính sách được xem là một đặc thù sáng tạo của Việt Nam. Vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% số xã- phường- thị trấn cả nước.

Có 11.000 điểm giao dịch, 200.000 sổ tiết kiệm vay vốn ở tất cả các thôn, bản và vùng sâu, vùng xa. Tín dụng chính sách ngày càng được hoàn thiện, phù hợp với điều kiện, cấu trúc hệ thống chính trị của Việt Nam.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, từ hoạt động của NHCSXH, đã khắc phục hạn chế của chính sách hỗ trợ cho không, tạo chuyển biến cơ bản về nhận thức của người nghèo từ mặc cảm, tự ti, ỷ lại, sợ vay vốn, không biết cách sử dụng vốn đến có ý chí làm ăn, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Vốn tín dụng chính sách góp phần đẩy lùi tệ nạn cho vay nặng lãi, giảm thiểu bất ổn xã hội.

Phục vụ tốt hơn nhu cầu người vay

Xác định tín dụng CSXH tiếp tục là công cụ kinh tế hữu hiệu trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều nhanh và bền vững trong thời gian tới, NHCSXH đặt mục tiêu các hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được vay vốn các chương trình tín dụng chính sách;

dư nợ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt khoảng 10%; tỷ lệ nợ quá hạn dưới 1%/ tổng dư nợ; nguồn vốn ngân sách địa phương bổ sung hàng năm tăng bình quân trên 20%...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, NHCSXH vẫn còn nhiều việc phải làm, bởi đến nay cả nước còn 1,9 triệu hộ nghèo và 1,3 triệu hộ cận nghèo. Nếu để người dân nghèo, khó khăn quá, chênh lệch mức sống lớn thì công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa chưa thành công.

Cho rằng chính sách tín dụng có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nhằm bảo đảm công bằng, bình đẳng cho xã hội, Thủ tướng đề nghị cán bộ, hệ thống làm tín dụng chính sách nhất thiết phải gần dân, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân để đáp ứng tốt hơn, phù hợp nhu cầu của người vay vốn.

Đồng thời, NHCSXH và hệ thống các chi nhánh cần phải tiếp tục phát triển theo hướng ổn định, bền vững, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng;

tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động cho vay, thu nợ, bảo đảm giảm thiểu rủi ro và để các hộ nghèo, cận nghèo cùng các đối tượng chính sách khác dễ dàng tiếp cận nguồn vốn, vươn lên thoát nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.

Thực hiện chủ trương xã hội hóa nguồn vốn tín dụng, Thủ tướng cũng đề nghị các tổ chức, cá nhân... cần chung tay tạo lập nguồn vốn cho người nghèo và có chính sách cho vay vốn ưu đãi, góp phần vào mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo bền vững.

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Lao động hạng nhất cho tập thể cán bộ, viên chức và người lao động của NHCSXH Việt Nam nhằm biểu dương, tôn vinh những thành tích xuất sắc mà NHCSXH đã đạt được những năm qua.

  • Bài, ảnh: HOÀNG MINH