Sản xuất nông nghiệp- từ tập đoàn đến hợp tác xã kiểu mới

Cập nhật, 06:46, Chủ Nhật, 03/09/2017 (GMT+7)

Ở từng giai đoạn phát triển, từ sản xuất tự sản tự tiêu, hợp tác hóa sản xuất tập đoàn đến tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) kiểu mới theo nhu cầu thị trường… nền sản xuất nông nghiệp nước ta đã trải qua nhiều hình thức sản xuất tương ứng.

Có thể thấy, giữa cách làm cũ và mới luôn có sự vận động phù hợp với tình hình thực tiễn sản xuất để hướng tới một hình mẫu hợp tác lý tưởng, đáp ứng quyền lợi người sản xuất và nâng cao giá trị hàng hóa nông sản.

Cùng nhìn lại “một thời đã xa” sản xuất tập đoàn, những câu chuyện quan hệ sản xuất kiểu cũ có thể làm chúng ta cười, nhưng luôn là bài học đắt giá để mở ra hướng đi làm ăn tập thể, hợp tác kiểu mới hôm nay.

Nhiều HTX phát triển bền vững góp phần tạo đầu ra ổn định và nâng cao giá trị hàng hóa nông sản.
Nhiều HTX phát triển bền vững góp phần tạo đầu ra ổn định và nâng cao giá trị hàng hóa nông sản.

Sản xuất tập đoàn- dong công, phóng điểm

Song Phú là một trong 6 xã Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân của huyện Tam Bình. Sau khi hòa bình lập lại, Đảng ủy xã đã lãnh đạo nông dân khai hoang, phục hóa.

Đặc biệt, tích cực thực hiện đường lối của Đảng về xây dựng quan hệ sản xuất mới, đưa nông dân từ cá thể vào làm ăn tập thể, xây dựng các tổ đoàn kết, hợp tác trong sản xuất nông nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Huyền- nguyên Bí thư xã Song Phú- nhớ lại toàn xã thời bấy giờ tập trung dồn sức cho công tác cải tạo nông nghiệp.

Vận động một cách kiên trì, cuối năm 1985 đã tổ chức được 150 tập đoàn với gần 5.858 hộ dân và hơn 4.553ha ruộng, chiếm 99% số hộ và diện tích đất ruộng trong toàn xã, có 16.212 lao động chính và 3.068 lao động phụ trong các tập đoàn.

Sản xuất tập đoàn xét cho cùng cũng có một số mặt tích cực như về thủy lợi, tuy vậy, theo ông Nguyễn Văn Huyền, cũng có nhiều tồn tại, yếu kém về quản lý kinh tế.

Không chỉ do hậu quả chiến tranh và nhất là đợt lũ năm 1979 đã làm mất đi hầu như toàn bộ thành quả lao động của nhân dân; mà còn do nhân dân chưa quen với cách làm ăn mới, việc đưa nông dân vào hợp tác hóa nên nhiều mặt sản xuất trì trệ. Chính sách “cào bằng” đất đai đã không kích thích người dân tăng gia sản xuất.

Cùng với đó, “tập thể hóa tư liệu sản xuất và sức lao động, quản lý theo cơ chế tập trung, phân phối tư liệu và sản phẩm một cách thống nhất.

Nghĩa là khi vào HTX, hộ nông dân đóng góp tất cả tư liệu sản xuất mà mình có được như ruộng đất, trâu, bò, cày, cuốc… để sở hữu chung, dưới sự quản lý của tập đoàn trưởng, tập đoàn phó và thư ký”- ông Văn Duy Phước- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Trường An (TP Vĩnh Long)- nêu thực trạng sản xuất thời đó.

Ông Duy Phước cho biết, sau giải phóng miền Nam, ông làm thư ký cho Tập đoàn 13, với nhiệm vụ là chấm công điểm. Mọi công việc và kết quả thu hoạch được đều do tập đoàn điều hành, phân phối.

Đơn vị sản xuất là tổ đội sản xuất, vai trò kinh tế hộ nông dân bị xóa bỏ. Hình thức tổ chức sản xuất ở các HTX là khoán việc.

Khoán việc không quy trách nhiệm cho ai, nên xã viên không hề thấy quyền lợi mà mình sẽ được hưởng trên cánh đồng chung. Sáng tập hợp ra đồng làm việc đợi hết giờ về nên thường không ai quan tâm đến chất lượng công việc.

“Hộ gia đình buộc phải tham gia tập đoàn, bởi không tham gia sẽ không có lúa mà ăn”- ông Duy Phước cho biết. Đây chính là điểm sơ hở đẻ ra rất nhiều hạn chế.

Tập đoàn trưởng không cần lao động và có quyền “ban phát” công điểm cho nông dân. Nông dân một nắng hai sương nhưng không được hưởng thành quả xứng đáng.

Tình trạng “cha chung không ai khóc”, “dong công, phóng điểm” tràn lan, sau một thời gian hợp tác hóa, sản xuất nông nghiệp càng ngày càng tụt hậu.

Hợp tác xã kiểu mới- dân chủ và trách nhiệm

Quan hệ hợp tác kiểu tập đoàn tới nay nhiều người vẫn còn “ấn tượng”, dù vậy, thời đó cũng đã xuất hiện những tư duy mới mẻ.

Trong khi nhiều nơi “nản” tập đoàn, thì ở khu vực Cái Ngang (Tam Bình) nông dân lại cho rằng “có lợi lắm”.

Cũng với hình thức tổ chức, điều hành kiểu tập đoàn, nhưng “tụi tui góp lúa theo đầu công, mỗi vụ thu lúa vô bồ, rồi họp dân công bố thu được bao nhiêu, tập đoàn sẽ làm gì: be bờ, gia cố đê bao… dân thống nhất thì làm”- ông Nguyễn Hữu Phước- từng có 4 nhiệm kỳ Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Lộc và 3 nhiệm kỳ Thường vụ HĐND huyện Tam Bình- bảo hồi đó “lấy ý kiến dân” là chuyện rất mới.

“Tui còn xuất quỹ tập đoàn cử 1 cán bộ trẻ đi học chuyên môn về chăm sóc sức khỏe ban đầu cho dân. Hay việc vận động làm đê bao, thủy lợi mất nhiều đất của dân, Nhà nước không bồi hoàn, nhưng tập đoàn tụi tui mua đàng hoàng, trả bằng huê lợi hàng năm.

Khi rã tập đoàn, các nơi khác ban đê bao ra hết trả đất cho dân, còn chúng tôi vẫn giữ lại được”- ông Phước nói lại chuyện cũ khi đề cập vấn đề phát triển HTX kiểu mới.

Cũng từ “truyền thống” hợp tác tập đoàn, nên đến nay trên quê hương cách mạng Mỹ Lộc đã hình thành một số mô hình kinh tế tập thể có thể xem là kiểu mẫu của tỉnh.

Mặc dù quy mô, giá trị HTX tạo ra chưa lớn, nhưng với cách làm và tư duy đột phá, HTX đang góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, mang lại lợi ích trước mắt và lâu dài cho cộng đồng, xã hội.

Tân Tiến là HTX trong tỉnh tiên phong sản xuất lúa hữu cơ “không chỉ liên kết trong sản xuất và doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, mà còn gắn với bảo vệ môi trường”.

Mà để tạo được đồng thuận gắn kết trong nhân dân và làm thay đổi lối canh tác phải có quá trình. “Làm HTX phải vì lợi ích người dân. Phải làm cho bà con tin tưởng mới phát triển.

Việc gì cũng phải công khai, minh bạch. Kế hoạch gì cũng phải đưa ra dân bàn bạc, thống nhất mới làm được”- ông Phước cho biết đó là kinh nghiệm xuyên suốt.

Từ thực tiễn phát triển kinh tế tập thể, nòng cốt là HTX, BCĐ phát triển kinh tế tập thể của tỉnh cũng đã nhìn rõ: “Trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, không gò ép, chạy theo thành tích”.

Vì thế, đồng thời với việc tạo điều kiện để kinh tế tập thể phát triển bền vững, phải mạnh dạn giải thể những HTX, tổ hợp tác hoạt động hình thức.

Rõ ràng, làm ăn HTX hiện nay không còn chuyện “áp đặt” mà đều xuất phát từ nhu cầu và tự nguyện của người sản xuất. BCĐ phát triển kinh tế tập thể cũng cho rằng: phát triển kinh tế tập thể phải phù hợp điều kiện thực tế, nhu cầu hợp tác của các thành viên.

Phát triển kinh tế tập thể phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường gắn liền quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, xây dựng mối liên kết giữa doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và kinh tế hộ gia đình.

Bài, ảnh: TRẦN- MINH- THẢO