Kêu gọi các doanh nghiệp Đức quan tâm, đầu tư vào Việt Nam

Cập nhật, 21:27, Thứ Năm, 13/07/2017 (GMT+7)

Đại sứ Đoàn Xuân Hưng kêu gọi Liebheer quan tâm, đầu tư vào Việt Nam, có thể chọn Việt Nam làm khu vực trọng điểm, xây dựng nhà máy sản xuất để cung cấp sản phẩm cho các nước khác.

 

Trong ảnh: Đại sứ Việt Nam tại Đức Đoàn Xuân Hưng thảo luận với các đại biểu trong một cuộc hội thảo về cơ hội đầu tư vào Việt Nam. (Ảnh: Phạm Văn Thắng/TTXVN)
Trong ảnh: Đại sứ Việt Nam tại Đức Đoàn Xuân Hưng thảo luận với các đại biểu trong một cuộc hội thảo về cơ hội đầu tư vào Việt Nam. (Ảnh: Phạm Văn Thắng/TTXVN)

Nối tiếp thành công của chuyến thăm chính thức làm việc tại Đức và tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, ngày 11/7, đoàn công tác của Đại sứ quán Việt Nam tại Đức do Đại sứ Đoàn Xuân Hưng dẫn đầu đã đến thăm và làm việc tại thành phố Rostock, bang Mecklenburg-Vorpommern.

Đại diện thành phố Rostock đánh giá cao sự hòa nhập cũng như đóng góp của cộng đồng người Việt tại đây vào sự phát triển chung của thành phố, đồng thời bày tỏ mong muốn hợp tác với các địa phương của Việt Nam, đặc biệt ở những lĩnh vực mà Rostock có thế mạnh như công nghiệp, cảng biển, giáo dục...

Đại sứ Đoàn Xuân Hưng nhấn mạnh với khoảng 176.000 người Việt đang sống tại Đức và khoảng 100.000 người Việt nói tiếng Đức ở Việt Nam, đây là cơ sở quan trọng để hai bên tăng cường hợp tác.

Đại sứ Đoàn Xuân Hưng khẳng định thông qua chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ Việt Nam kêu gọi nước Đức nói chung và các địa phương Đức nói riêng tăng cường tìm hiểu, đầu tư vào Việt Nam; đồng thời cam kết hỗ trợ tối đa và sẵn sàng đối thoại nhằm giải quyết các vướng mắc còn tồn đọng của các nhà đầu tư Đức tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Đại sứ Đoàn Xuân Hưng cho biết Việt Nam có nhiều cảng biển và thành phố cảng tương tự Rostock, đó cũng chính là tiềm năng hợp tác giữa hai bên. Hợp tác ở cấp bang đóng góp một phần rất quan trọng vào sự phát triển sâu rộng và hiệu quả của quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Đức, vốn được thiết lập từ năm 2011 đến nay.

[Việt Nam-Đức ký kết 36 thỏa thuận hợp tác, tổng trị giá 4 tỷ USD]

Rời Tòa thị chính thành phố, đoàn công tác Đại sứ quán Việt Nam tại Đức đã đến thăm và làm việc với Tập đoàn Liebheer, chuyên sản xuất hệ thống cần cẩu phục vụ vận chuyển container, hàng hóa tại các cảng biển. Tập đoàn này đã có mặt tại Việt Nam từ năm 1995 và cho đến nay, nhiều sản phẩm của Liebheer đang hoạt động tại các cảng biển của Việt Nam.

Đại sứ Đoàn Xuân Hưng kêu gọi Liebheer quan tâm, đầu tư vào Việt Nam, có thể chọn Việt Nam làm khu vực trọng điểm, xây dựng nhà máy sản xuất từ đó cung cấp các sản phẩm và dịch vụ của tập đoàn ra các nước xung quanh, đặc biệt trong khu vực Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

Cũng trong chuyến thăm và làm việc này, Đại sứ Đoàn Xuân Hưng đã đến thăm hội Diên Hồng, một điển hình hội nhập của cộng đồng người Việt tại nước Đức.

Hội Diên Hồng ra đời sau sự kiện Lichtenhagen tháng 8/1992, khi hàng trăm kẻ cực hữu và quá khích đã ném bom xăng, gạch đá và đốt phá khu nhà Sonnenblumenhaus có nhiều người nước ngoài, trong đó có người Việt Nam, sinh sống.

Sự kiện này đã gây chấn động dư luận Đức và quốc tế, tạo nên nỗi ám ảnh về nạn phân biệt chủng tộc và phátxít mới. Hội Diên Hồng do người Việt thành lập, với sự ủng hộ và hỗ trợ tích cực từ chính quyền thành phố, đã góp phần đoàn kết cộng đồng người Việt nói riêng và cộng đồng người nhập cư tại Rostock nói chung. Hiện tại, hội Diên Hồng đang tích cực chuẩn bị kỷ niệm 25 thành lập vào tháng Tám.

Chạy dài khoảng 20km dọc theo sông Warnow cho đến Biển Baltic, Rostock có khoảng 200.000 dân và là thành phố lớn nhất của bang Mecklenburg-Vorpommern, đồng thời là thành phố cảng lớn thứ hai ở bờ biển Baltic sau Lübeck.

Rostock là thành phố quan trọng nhất của bang Mecklenburg-Vorpommern về mặt văn hóa cũng như kinh tế, trong đó nổi tiếng nhất là Đại học Rostock, một trong những đại học lâu đời nhất tại khu vực Bắc Âu./

Theo TTXVN/VIETNAM+