Blog thị trường

Tăng lương tối thiểu- cần hài hòa lợi ích

Cập nhật, 03:40, Thứ Sáu, 28/07/2017 (GMT+7)

Hôm nay (28/7), Hội đồng Tiền lương quốc gia họp đưa ra quyết định mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018.

Phản ứng của cộng đồng doanh nghiệp (DN) cả trong và ngoài nước đều đồng tình quan điểm cho rằng, năm 2018 chỉ nên tăng lương tối thiểu ở mức đảm bảo hài hòa lợi ích DN, người lao động và quan trọng hơn là lợi ích tổng thể của nền kinh tế.

Số liệu của World Bank cho thấy, lương tối thiểu của Việt Nam đang có tốc độ tăng nhanh nhất trong khu vực, với mức tăng gần 14%, trong khi Trung Quốc tăng 10%, còn Indonesia chỉ tăng 7%.

Theo tính toán của một DN, với mức lương tối thiểu vùng 1 như hiện nay là 3,75 triệu đồng, cộng với hệ số 1,13 theo quy định, thì lương tối thiểu mà công ty đang trả cho người lao động là hơn 4 triệu đồng/tháng. Cộng với tiền đóng BHXH, các phí khác nữa... sẽ khiến nhiều DN, nhất là DN sử dụng nhiều lao động rất trăn trở.

Thực tế, dù hàng năm lương có tăng nhưng chi phí tăng theo thì người lao động cũng không hưởng lợi. Một chuyên gia kinh tế nhận định, mức lương tối thiểu tăng lên không ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động, chỉ tác động đến chi phí của DN.

Chẳng hạn, hiện phần đóng trung bình 24% mà DN phải đóng cho các quyền lợi của người lao động (trong đó: 22% cho các loại bảo hiểm, 2% phí công đoàn) đều được tính dựa trên cơ sở mức lương tối thiểu. Do đó, tăng lương tối thiểu sẽ khiến cho chi phí của DN “gia tăng” một khoản đáng kể.

Việc phải gánh chịu chi phí cao khiến cho DN phải tìm cách thức khác nhau để bù đắp vào, trong đó, không loại trừ khả năng cắt giảm những khoản khác của công nhân. Khi đó, từ chủ sử dụng lao động đến người lao động không ai được lợi.

Bido2_40.com