Tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ thịt heo

Để chuyện "giải cứu" không trở thành "điệp khúc"

Cập nhật, 13:57, Thứ Ba, 20/06/2017 (GMT+7)

 

Giải pháp trước mắt được đặt ra là làm sao để tăng nhu cầu sử dụng thịt heo, giảm lượng heo tồn.
Giải pháp trước mắt được đặt ra là làm sao để tăng nhu cầu sử dụng thịt heo, giảm lượng heo tồn.

Vận động doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường đẩy mạnh hợp đồng tiêu thụ heo thịt với các gia trại để tạo nguồn cung ổn định, vận động tiểu thương trong chợ tăng số lượng thu mua hay khuyến khích người tiêu dùng tiêu thụ các sản phẩm từ thịt heo... cũng chỉ là những giải pháp trước mắt để tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ thịt heo.

Về lâu dài, cần phải có những biện pháp mang tính chiến lược, liên kết để ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển bền vững.

Lợi nhuận về tay ai?

Theo Sở Công thương tỉnh, heo hơi được tiêu thụ trong tỉnh và một số tỉnh lân cận với số lượng trung bình trên 16.000 con/tháng.

Hiện số lượng tiêu thụ thịt heo trung bình mỗi ngày thông qua dịch vụ kiểm soát vận chuyển và kiểm soát giết mổ khoảng 700 con heo để cung cấp cho thị trường trong tỉnh với số lượng 500 con heo thịt.

Trong khi đó số lượng heo còn tồn đọng trên địa bàn tỉnh hiện nay ước tính còn khoảng 52.705 con.

Theo tình hình thị trường, đợt giảm giá heo hơi lần này đã kéo dài liên tục đến hơn 7 tháng và giảm ở mức sâu, cụ thể giá heo hơi hiện nay đã giảm mạnh xuống còn trên dưới 30.000 đ/kg, thấp hơn giá thành chăn nuôi và chưa có dấu hiệu dừng lại, nhất là trong những tháng mùa hè sắp tới, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi.

Trong khi giá thành để sản xuất một con heo thịt 100kg khoảng 3,6- 3,9 triệu đồng, thì hiện giá heo hơi chỉ còn ở mức 2,3 triệu đồng/tạ, như vậy chênh lệch giữa giá bán heo thịt và heo hơi sẽ từ 1,6- 2,2 triệu đồng/con. Và lợi nhuận này nằm trong dịch vụ thu mua heo hơi và bán lẻ thịt, còn người chăn nuôi thì trắng tay.

Thực trạng này cho thấy, heo thịt được chăn nuôi phân tán, quy mô nhỏ lẻ nên tiêu thụ tại các vùng miền phần lớn phụ thuộc vào các tiểu thương mua gom và tự giết mổ bán cho các tiểu thương tại các chợ.

Chính điều này gây khó khăn lớn cho việc tổ chức lưu thông phân phối cũng như quản lý hoạt động của các thương nhân nhỏ lẻ ở khâu trung gian.

Trong khi đó, phần lớn các hộ chăn nuôi đều chăn nuôi chưa theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định an toàn nên khi nguồn cung dư thừa rất khó để kết nối tiêu thụ vào các kênh lớn như các doanh nghiệp chế biến, giết mổ tập trung và các siêu thị.

Sản xuất tự phát nên không có hợp đồng bao tiêu dẫn tới giá bấp bênh. Hơn nữa, chăn nuôi phần lớn nhỏ lẻ mang tính tự phát không theo quy hoạch, không tổ chức chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ.

Nhận định “không thể chỉ đổ thừa người chăn nuôi”, ông Lê Thanh Tùng- Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp- PTNT) cho biết: 3- 4 năm liên tục, giá heo liên tục ở mức cao, lợi nhuận trong chăn nuôi heo quá lớn, nhiều người chuyển qua nuôi heo nhưng hộ chăn nuôi không mở rộng quy mô lớn bằng các tập đoàn doanh nghiệp lớn hiện đang đổ xô qua chăn nuôi.

Điều này gây xáo trộn về tổng đàn. Nếu chỉ đổ thừa nông dân là không đúng bởi nông dân có bao nhiêu đầu tư vào con heo để sống, còn chủ yếu là do tập đoàn thấy chăn nuôi ngon quá nhảy vào chăn nuôi. Cái dở hiện nay của ngành chức năng là không xác định được quy hoạch, không quản lý được giá chênh lệch, gây bức xúc trong dư luận.

Liên kết để giải cứu thịt heo

Để giải cứu thịt heo, trước mắt, nhiều giải pháp đã được đặt ra. Trong đó, giải pháp mở thêm nhiều điểm bán thịt heo an toàn được nhiều người đồng tình.

Đồng thời, vận động doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường đẩy mạnh hợp đồng tiêu thụ heo thịt với các gia trại để tạo nguồn cung ổn định, vận động tiểu thương trong chợ tăng số lượng thu mua thịt heo và thực hiện giảm giá nhằm kích cầu người tiêu dùng...

Ông Lê Thanh Tùng nhận định: Chúng ta không nên dựa vào thị trường Trung Quốc mà phải làm sao cho giá thành chăn nuôi hạ ở mức thấp nhất, cắt đứt mọi trung gian, làm sao cho người chăn nuôi mua được trực tiếp sản phẩm đầu vào từ nhà máy, doanh nghiệp chế biến.

Và muốn được như vậy, giải pháp lâu dài là phải cơ cấu lại ngành chăn nuôi, chuyển đổi từ chăn nuôi sản xuất nhỏ sang sản xuất lớn hết, hình thành chuỗi tiêu thụ trực tiếp từ chăn nuôi đến tiêu thụ...

Song đây là các biện pháp vĩ mô, trước mắt vẫn là phải làm sao cho tăng lượng tiêu thụ thịt heo giảm lượng heo tồn để người chăn nuôi thu hồi vốn.

Do đó, khi mở nhiều điểm bán thịt giải cứu không phải giúp người chăn nuôi bán từng con heo một mà là muốn đưa con heo của người chăn nuôi ra thị trường để cắt bớt giai đoạn trung gian đến tay người tiêu dùng với giá phù hợp nhất. Đây là ý nghĩa cao nhất của vấn đề tự giải cứu.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Hoa- Phó Giám đốc Sở Tài chính- cũng cho biết: Bên cạnh việc lập các điểm bán thịt heo an toàn, cần nghiên cứu đa dạng sản phẩm, tìm kiếm mời gọi doanh nghiệp đầu tư nhà máy cơ sở chế biến thịt heo thành các sản phẩm có thể bảo quản được lâu như chà bông, thịt hộp, xúc xích... đáp ứng nhu cầu đa dạng và thị hiếu của người tiêu dùng.

Ông Phan Cảnh- Phó Phòng Công thương Mang Thít- cho biết: Tại chợ thị trấn Cái Nhum, có khoảng 20 điểm bán thịt heo tự phát. Do đó, bên cạnh việc giải cứu cũng cần lưu ý đến những điểm bán hàng lợi dụng “mác” giải cứu thịt heo để bán heo bệnh, heo chết, không đảm bảo an toàn.

Song song đó, cần có cơ chế chính sách hỗ trợ việc đầu tư xây dựng liên kết chuỗi và phát triển theo hướng công nghệ cao, chăn nuôi sinh học, chăn nuôi hữu cơ tạo ra sản phẩm chất lượng cung cấp cho thị trường.

Có thể thấy, vấn đề giải cứu thịt heo không thể giải quyết trong ngày một ngày hai mà rất cần sự chung tay nỗ lực giải cứu từ các ngành chức năng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, gia trại cũng cần tiếp tục giữ vững thị trường truyền thống, cần rút kinh nghiệm, tổ chức sản xuất theo hướng an toàn đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định với giá thành thấp và theo nhu cầu của thị trường. Để sau này “giải cứu” không trở thành “điệp khúc”.

 

Ông Nguyễn Văn Còn- Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết:

 

Sở sẽ phối hợp với Sở Công thương TP Hồ Chí Minh các tỉnh- thành vùng ĐBSCL tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất heo đạt tiêu chuẩn an toàn trên địa bàn tỉnh tìm đầu ra, tiêu thụ sản phẩm, đưa hàng hóa vào các hệ thống phân phối tại các thành phố lớn.

 

Đồng thời, xây dựng liên kết trong sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị chăn nuôi heo phải gắn với thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, tập trung bám sát tình hình thị trường, cung cấp thông tin để giúp cho người sản xuất doanh nghiệp định hướng tái đàn phù hợp theo tiêu chuẩn an toàn.

 

Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN