Góc nhìn

Xuất khẩu gạo khó có đột biến

Cập nhật, 07:51, Thứ Ba, 20/06/2017 (GMT+7)

Cách đây 2 tuần, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Lương thực Bangladesh đã ký gia hạn bản ghi nhớ về thương mại gạo có hiệu lực đến năm 2022. 

Theo đó, mỗi năm, tùy theo nhu cầu và giá cả thị trường thế giới, Việt Nam sẽ cung cấp cho Bangladesh số lượng gạo các loại lên đến 1 triệu tấn.

Đầu năm nay, Bộ Công thương cũng đã đạt được thỏa thuận về gia hạn xuất khẩu gạo cấp chính phủ sang Philippines. Theo đó, từ nay đến hết 31/12/2018, Philippines sẽ nhập khẩu tối đa 3 triệu tấn gạo của Việt Nam.

Với thị trường Trung Quốc, gạo Việt Nam xuất sang Trung Quốc cả chính ngạch lẫn tiểu ngạch. Trong khoảng 5 năm qua, đây là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Hiện giữa chính phủ 2 nước chưa có những động thái chính thức nào, nhưng theo một chuyên gia trong ngành hàng lúa gạo, để đảm bảo an ninh lương thực, ngoài việc nhập khẩu chính ngạch, Trung Quốc sẽ “làm ngơ” để cho gạo Việt Nam xuất khẩu tiểu ngạch sang nước họ.

Trong 4 tháng đầu năm nay, Trung Quốc vẫn là thị trường đứng đầu về nhập khẩu gạo của Việt Nam, chiếm tới 47,5%, tương đương 815.400 tấn, trị giá 376,2 triệu USD, tăng hơn 16% về lượng và 16,2% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Từ những diễn biến thực tế, có thể dự đoán phần nào cơ hội xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam trong vài năm tới vẫn chủ yếu là những sản phẩm gạo cấp thấp cho một số thị trường Châu Á cần gạo giá rẻ để giải quyết bài toán an ninh lương thực. Do đó, việc cơ cấu lại ngành lúa gạo theo hướng giảm dần những giống lúa cấp thấp, tăng dần giống lúa chất lượng cao cũng khó có thể được như kỳ vọng của ngành nông nghiệp.

HOÀNG MINH