25 năm- đất thuần nông tỏa ánh sáng công nghiệp

Cập nhật, 05:15, Thứ Sáu, 28/04/2017 (GMT+7)

Bức tranh công nghiệp đang từng ngày hiện thực hóa qua những cái tên Hòa Phú, Bình Minh… như chính ước mơ thời mở đất của cha ông về những vùng đất hiền hòa, trù phú. Vùng đất cây lành trái ngọt ấy giờ từng ngày đổi thay lạ lẫm. Những khu vực xưa ruộng vườn thuần nông, nay đã thực sự “tỏa ánh sáng” công nghiệp.

Vĩnh Long hiện có 2 khu công nghiệp (KCN) và tuyến CN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất CN là 306,9ha, thu hút được 43 dự án đầu tư.

Trong đó, Hòa Phú và Bình Minh là 2 KCN có tốc độ phát triển nhanh, kiểu dáng CN đạt chuẩn và môi trường xử lý rốt ráo, được coi là “kiểu mẫu” của tỉnh hiện nay.

Khu công nghiệp Hòa Phú- cánh chim đầu đàn đã lấp đầy, hiện đang mở rộng giai đoạn 2.
Khu công nghiệp Hòa Phú- cánh chim đầu đàn đã lấp đầy, hiện đang mở rộng giai đoạn 2.

Đất thuần nông thành công nghiệp

Cứ mỗi sáng chuẩn bị cho ngày làm việc mới, dòng người, xe cộ ken dài nối đuôi nhau mỗi khi qua KCN Hòa Phú (Long Hồ), khác nào đô thị lớn.

Cũng khu vực này, hàng quán, dịch vụ đông đúc tấp nập đến tận 9- 10 giờ đêm. Nhiều nông dân vốn tay lắm chân bùn nay quay sang làm dịch vụ, cuộc sống tốt hơn.

“Đất lành chim đậu” hàng trăm cơ sở trọ mọc lên phục vụ sinh viên, công nhân từ khắp nơi về đây ở học hành, làm việc. Đêm Hòa Phú giờ cũng lạ lẫm. Đèn sáng rực, đông đúc kẻ buôn người bán. Ít ai ngờ, từ một vùng đất yên ắng, đồng ruộng ngày nào, nay ồn ào tấp nập.

Năm 1998, KCN này được hình thành và đến năm 2005 đi vào hoạt động, với tổng diện tích trên 250ha.

Nằm ven QL1 nên KCN Hòa Phú trở thành điểm nhấn trên chặng đường dài về ĐBSCL, góp phần giải quyết lao động và thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế tỉnh nhà.

Nếu năm 2005, kim ngạch xuất khẩu chỉ mới đạt 8,03 triệu USD thì đến năm 2016 đã đạt 308,08 triệu USD, tăng 38,36 lần.

Hiện KCN có gần 30.000 lao động. Giai đoạn 1 đã lấp đầy 100% diện tích với 18 dự án đầu tư (có 9 dự án FDI), tổng vốn đầu tư đăng ký 754,39 tỷ đồng và 104,9 triệu USD.

Các doanh nghiệp hoạt động đã phát huy hiệu quả tốt, góp phần không nhỏ vào tăng trưởng sản xuất CN của tỉnh, nâng cao tỷ trọng xuất khẩu.

Theo ông Đặng Quang Tấn- Phó Ban Quản lý Các KCN tỉnh, hiện đã xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng, với hệ thống giao thông, chiếu sáng. Nhà máy xử lý nước thải với công suất 4.000 m3/ngày đêm đã hoạt động.

Là một trong những đơn vị tiên phong đầu tư tại KCN này, ông Vũ Khắc Hưởng- Giám đốc điều hành Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Tân Hải Long tâm đắc: “Tôi đã tham quan nhiều KCN, nhưng công nhận KCN Hòa Phú rất chuẩn.

Kể cả mỗi doanh nghiệp cũng đều đầu tư nhà xưởng đúng kiểu dáng CN, vì vậy tạo được không gian chung thoáng đãng và sạch đẹp”.

KCN Bình Minh cũng có xuất phát điểm từ vùng đất thuần nông. Quyết định thành lập năm 2007 (131,5ha), đến năm 2013 KCN mới bắt đầu tham gia xuất khẩu.

Nếu kim ngạch năm đầu chỉ 0,09 triệu USD thì đến năm 2016 là 0,43 triệu USD, tăng 4,7 lần. Sau gần 10 năm đi vào hoạt động, tổng vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN này là 544,34 tỷ đồng.

Hiện KCN đã đưa vào hoạt động nhà máy cấp nước công suất 1.000 m3/ngày, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng nước của các doanh nghiệp trong KCN; nhà máy xử lý nước thải tập trung công suất 5.000 m3/ngày cũng hoạt động, công suất 2.200 m3/ngày đêm.

Điểm nhấn KCN này là có vị trí thuận lợi- cách TP Cần Thơ 5km, Cảng Bình Minh tiếp nhận tàu có trọng tải đến 10.000 tấn. Nhà đầu tư vào đây có 2 lợi thế, khai thác cả đường bộ lẫn đường sông.

Hướng đến công nghiệp kiểu mẫu

Tác phong công nghiệp của bộ phận công nhân ngày càng chuyên nghiệp hơn.
Tác phong công nghiệp của bộ phận công nhân ngày càng chuyên nghiệp hơn.

Ông Đặng Quang Tấn cho rằng do hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh ổn định đi vào chiều sâu nên thu hút được nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư thuộc các thành phần kinh tế, quy mô lớn.

Nếu năm 1992 ngành CN của tỉnh chỉ có khoảng 3.000 cơ sở sản xuất với 20.000 lao động, thì đến nay có trên 10.400 cơ sở sản xuất, giải quyết việc làm cho trên 52.000 lao động.

Giá trị sản xuất tăng gấp 30,2 lần; tỷ trọng CN- xây dựng trong cơ cấu kinh tế tỉnh từ dưới 10% vào năm 1992 đã tăng lên 23,37% năm 2016.

Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất CN của tỉnh trong 25 năm qua đạt 14,6 %/năm.

Trong đó, khu vực kinh tế nhà nước tăng 6,08%, khu vực ngoài nhà nước tăng 13,49% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 39,85%.

Từ nền CN có quy mô sản xuất nhỏ, đến nay đã hình thành được các ngành CN chế biến, khai thác hiệu quả nguồn nguyên liệu và nhân lực tại chỗ.

Ông Đặng Quang Tấn tâm đắc: “Bên cạnh việc xây dựng các KCN đồng bộ hạ tầng, tỉnh còn nhiều chính sách tốt và thủ tục hành chính nhanh gọn.

Đặc biệt, tỉnh đã chọn nhà đầu tư khá tốt, có công nghệ phù hợp. Riêng các nhà đầu tư nước ngoài vào tỉnh tuy còn ít nhưng làm ăn rất hiệu quả và hoạt động đúng lộ trình phát triển”.

Một trong những nỗ lực đáng ghi nhận là đẩy mạnh cải cách hành chính trong cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp hiện được rút ngắn còn 7 ngày; điều chỉnh tên dự án, địa chỉ nhà đầu tư hoặc tên nhà đầu tư còn 2 ngày; thực hiện miễn, giảm thuế cho một số ngành ưu tiên hoặc khó khăn…

Nói về định hướng, ông Đặng Quang Tấn cho biết ưu tiên hàng đầu của tỉnh hiện nay là xây dựng danh mục các dự án mời gọi đầu tư phù hợp với điều kiện của tỉnh, với xu hướng đầu tư mới và mang tính khả thi cao, đặc biệt chú trọng các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm khai thác thế mạnh nguồn tài nguyên và sử dụng nguồn nguyên liệu nông sản tại chỗ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển CN cũng đã và sẽ đặt ra nhiều thách thức như môi trường, nước sạch, rác thải…

Nhưng ở góc độ kinh tế, qua những con số so sánh nói trên mới thấy hết giá trị của CN trên đất thuần nông. CN thực sự đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn.

Và cái lớn hơn, CN làm thay đổi cả nếp nghĩ, cách làm của những người nông dân sang nhịp sống CN của ngày mới- mà tại KCN Hòa Phú là một minh chứng.

Một ngày không xa những vùng đất thuần nông khác ven dòng Cổ Chiên hay bên bờ sông Hậu tiếp tục “tỏa ánh sáng” CN, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy Vĩnh Long phát triển mạnh mẽ.

Ngày 16/9/1997, UBND tỉnh đã có quyết định thành lập BCĐ quy hoạch các KCN tỉnh Vĩnh Long. Đây là tiền đề cho việc phát triển các KCN của tỉnh.

Ngày 8/8/2002, Thủ tướng có quyết định ngừng triển khai dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN Bắc Mỹ Thuận đồng thời chấp thuận chủ trương thay thế xây dựng KCN Hòa Phú.

Ngày 15/1/2002, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương quy hoạch xây dựng KCN Bình Minh. Đến ngày 31/1/2007, UBND tỉnh đã có quyết định thành lập KCN này với 131,5ha.

Tuyến CN Cổ Chiên được UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh một số khu chức năng quy hoạch, thuộc các huyện Long Hồ và Mang Thít vào ngày 24/1/2011, với tổng diện tích là 30,14ha, trong đó đất CN là 24,25ha.

Bài, ảnh: HOÀNG MINH