Lúa hữu cơ- điểm sáng cần được duy trì

Cập nhật, 05:46, Thứ Ba, 21/02/2017 (GMT+7)

Kết quả bước đầu của mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại Ấp 9 và Ấp 11 (xã Mỹ Lộc- Tam Bình) đã cho thấy hiệu quả kinh tế- xã hội và môi trường. Mô hình này được đánh giá là hướng đi đúng, phù hợp và là điểm sáng cần được tiếp tục duy trì và nhân rộng.

Sản xuất lúa hữu cơ có ý nghĩa rất lớn trong phát triển kinh tế- xã hội và bảo vệ môi trường.
Sản xuất lúa hữu cơ có ý nghĩa rất lớn trong phát triển kinh tế- xã hội và bảo vệ môi trường.

Khó trước mắt

Xã Mỹ Lộc (Tam Bình) vừa sơ kết mô hình sản xuất lúa hữu cơ với nhiều hy vọng làm nên một thương hiệu lớn, một “chỉ dẫn địa lý” mới và quan trọng của địa phương. Phấn khởi là vậy nhưng so sánh hiệu quả sau 1 năm sản xuất đã khiến một số hộ “mất kiên nhẫn”.

Điểm mấu chốt khiến nhiều hộ dân tham gia mô hình băn khoăn là năng suất lúa và lợi nhuận còn thấp, trong khi chi phí phân, thuốc hữu cơ lại cao.

Ông Dương Văn Thành- Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Tiến (xã Mỹ Lộc- Tam Bình), cho biết: Trước đây, làm lúa chuyên sử dụng phân, thuốc hóa học nay chuyển sang làm lúa hữu cơ nên người dân chưa nắm bắt kịp.

Phân hữu cơ lại không thích hợp đất phèn. Cộng thêm thời tiết bất lợi, mưa trái mùa nhiều đợt kéo dài đã ảnh hưởng đáng kể đến năng suất lúa.

Theo ông Nguyễn Hữu Phước- nông dân Ấp 9, giống Jasmine 85 sử dụng trong mô hình rất khó sản xuất do mẫn cảm thời tiết, chỉ thích hợp với vụ Đông Xuân.

Phân hữu cơ giá khá cao, qua so sánh lợi nhuận qua 2 vụ sản xuất trong mô hình luôn thấp hơn so với ngoài mô hình.

Còn bác nông dân Nguyễn Văn Được thì cho rằng giá bao tiêu lúa hữu cơ cần hợp lý hơn cũng như cần có một thị trường cung ứng phân bón, thuốc hữu cơ phong phú để người dân lựa chọn.

Ở góc độ chuyên gia, PGS, TS Phạm Văn Kim- nguyên giảng viên Trường ĐH Cần Thơ- cho biết: Khu vực sản xuất tại Ấp 9 bị nhiễm phèn.

Đất mặt ruộng tại đây cũng đã bị lấy đi nên khả năng xì phèn càng cao. Cộng với việc đất thiếu dinh dưỡng nên bệnh đốm nâu xuất hiện ảnh hưởng đáng kể đến năng suất lúa.

Riêng tại Ấp 11, điều kiện thích hợp để trồng lúa hữu cơ hơn. Mô hình có thể nhân rộng nhưng phải chọn vùng đất tốt, đảm bảo các điều kiện để sản xuất lúa hữu cơ, chú ý nạo vét kinh mương để luân canh cá, rau màu.

Ngoài ra khả năng tận dụng nguồn phân bò để thay thế phần nào lượng phân hữu cơ để sản xuất lúa cũng là giải pháp giúp tiết kiệm chi phí.

“Lợi nhuận từ sản xuất lúa hữu cơ còn “meo”, do đó cần đảm bảo rằng lợi nhuận từ lúa hữu cơ tối thiểu phải ngang bằng với sản xuất lúa thông thường mới thuyết phục được người dân hăng hái tham gia sản xuất”- PGS, TS Phạm Văn Kim nói thêm.

Là một trong số doanh nghiệp cung cấp phân, thuốc hữu cơ cho mô hình, bà Lê Thị Tú Anh- Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp GAP, thông tin: Phân bón hữu cơ được nhập từ Mỹ, doanh nghiệp có hỗ trợ giảm giá 21% cho nông dân. Nếu làm sang vụ thứ 4 thì có thể giảm lượng phân bón lại vì đất đã được cải tạo đáng kể từ đó sẽ giảm chi phí phân, thuốc.

Lợi lâu dài

Lãnh đạo tỉnh trao hỗ trợ dàn máy vi tính cho HTX Nông nghiệp Tân Tiến (xã Mỹ Lộc- Tam Bình).
Lãnh đạo tỉnh trao hỗ trợ dàn máy vi tính cho HTX Nông nghiệp Tân Tiến (xã Mỹ Lộc- Tam Bình).

Với mục tiêu tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, Liên hiệp HTX Thương mại TP Hồ Chí Minh (Sài Gòn Co.op) là doanh nghiệp tiên phong hỗ trợ nông dân Mỹ Lộc thay đổi thói quen canh tác lúa, sản xuất theo định hướng thị trường thông qua mô hình sản xuất lúa hữu cơ.

Ông Phạm Trung Kiên- Phó Tổng Giám đốc Sài Gòn Co.op, cho biết: Sau 2 vụ, Sài Gòn Co.op đã bao tiêu gần 64 tấn lúa hữu cơ tại Mỹ Lộc. Sản phẩm tốt nhưng để kinh doanh hiệu quả thì cần quá trình để quảng bá sản phẩm đến với người tiêu dùng.

Rõ ràng, lúa hữu cơ mang lại giá trị lớn và lâu dài nhưng hiện tại thì vẫn còn khó khăn nhất định khi kinh doanh mặt hàng này. Mặc dù vậy, Sài Gòn Co.op cam kết sẽ theo đuổi dự án lâu dài nhằm hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp bền vững.

Là một người tâm huyết với mô hình sản xuất lúa hữu cơ, ông Phạm Chánh Trực- nguyên Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cho rằng “người nông dân hãy kiên trì cứu đất bằng việc sản xuất lúa hữu cơ. Phải ngăn chặn quá trình làm cạn kiệt dinh dưỡng của đất!

Chúng ta đã tiên phong và triển khai mô hình được 1 năm với 3 vụ lúa. Đất đã được cải tạo. Nhất định phải tạo nên sự khác biệt, không lý do gì phải dừng lại để tiếp tục thỏa hiệp với hóa chất độc hại”.

Để duy trì mô hình này, theo ông Phạm Chánh Trực thì cần cải tạo đất phèn bằng việc đào kinh để vừa xả phèn vừa dẫn nước, nuôi cá kết hợp xây dựng hạ tầng đồng ruộng.

Nhà khoa học cần hỗ trợ nghiên cứu sử dụng các loại thuốc sinh học giá rẻ hơn để giảm chi phí sản xuất, thay đổi giống lúa tốt hơn giống Jasmine 85 nhằm nâng cao năng suất hơn nữa.

Bởi hiện nay, cách tốt nhất để nâng cao lợi nhuận cho nông dân là phải giảm giá thành sản xuất và tăng năng suất lúa chứ khó có thể tăng giá bán.

Khá tâm đắc với mô hình sản xuất lúa hữu cơ, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long- Trần Văn Rón đánh giá: Mô hình đã cho thấy hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường.

Đây đã là hướng đi đúng phù hợp chủ trương chung. Đáng kể nhất là lúa làm ra được bao tiêu, phân bón, thuốc hữu cơ đảm bảo chất lượng sản phẩm an toàn.

Vĩnh Long xác định đi lên từ nông nghiệp sản xuất sạch, ứng dụng công nghệ cao. Đây là điểm sáng cần được tiếp tục duy trì. Vĩnh Long cam kết sẽ có nhiều chương trình hỗ trợ đối với mô hình này.

Bài, ảnh: LÊ SƠN